Xuyên tạc công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để thúc đẩy “Diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến,”, “tự chuyển hóa” là thủ đoạn hết sức thâm độc của các thế lực thù địch. Để giữ vững ổn định chính trị, tăng cường, củng cố nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng, cần phải nhận diện và phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái.
“Diễn biến hòa bình” và tham nhũng là hai trong bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra từ giữa nhiệm kỳ Đại hội VII và đến nay. Hai nguy cơ này xuất phát từ hai chủ thể khác nhau, một là từ chiến lược phản động của các thế lực thù địch bên ngoài, hai là “giặc nội xâm”, nhưng lại có quan hệ với nhau rất chặt chẽ. Một trong những trọng tâm của chiến lược “Diễn biến hòa bình” là thúc đẩy suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, mà tham nhũng, tiêu cực là một trong những biểu hiện của nó, đồng thời, chính các hành vi tham nhũng, tiêu cực lại bị các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để tạo ra các chiến dịch xuyên tạc, kích động trong chiến lược của mình. Đây thực sự là thủ đoạn thâm độc của chúng.
Vì vậy, nhận diện đúng, phản bác có hiệu quả với những luận điệu sai trái xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các thế lực thù địch; đồng thời, đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là những nhiệm vụ, giải pháp hữu hiệu góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo dân tộc hoàn thành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhận diện sự xuyên tạc của các thế lực thù địch
Để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch bằng nhiều biện pháp thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh tuyên truyền, xuyên tạc với nhiều luận điệu sai trái, trong đó, nổi lên là: “Tham nhũng là vấn đề thuộc bản chất của chế độ một đảng ở Việt Nam”; hoặc: “Việt Nam không thể phòng, chống tham nhũng thành công”; “Việt Nam, càng chống, tham nhũng càng nặng, bởi vì đó là căn bệnh kinh niên của chế độ một đảng cầm quyền...”.
Chúng còn cho rằng, thực chất cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay là “thanh trừng phe phái”, “đấu đá nội bộ”, “triệt hạ lẫn nhau” trong Đảng Cộng sản Việt Nam... Những luận điệu đó lại được các đối tượng cơ hội chính trị, những kẻ “trở cờ”, bất mãn với chế độ hết sức cổ súy, tán dương và ủng hộ nhiệt tình.
Đây là những luận điệu hết sức thâm độc, xảo trá, phản động hòng xuyên tạc quyết tâm và những nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chia rẽ nội bộ Đảng và hệ thống chính trị, gây phân tâm trong xã hội, làm giảm sút ý chí, lòng tin của Nhân dân vào Đảng, vào chế độ, từng bước hạ thấp uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, công kích chế độ, kêu gọi Việt Nam phải thực hiện đa đảng, tam quyền phân lập thì mới có thể chống được tham nhũng, tiêu cực, với mục đích phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Đề xuất các nội dung, giải pháp đấu tranh
Để đập tan các luận điệu xuyên tạc, làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, chúng ta phải đồng thời tiến hành cả hai mũi giáp công. Một mặt, đẩy mạnh đấu tranh trực diện bằng những luận cứ đúng đắn, khách quan, khoa học. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để cho mọi luận điệu của kẻ thù lợi dụng trở nên “trơ trẽn”; làm trong sạch hệ thống chính trị, vì một xã hội tốt đẹp, công bằng, văn minh. Để thực hiện được điều đó, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; xử lý nghiêm việc lợi dụng vấn đề tham nhũng, tiêu cực để chống phá.
Đây là giải pháp rất quan trọng hiện nay, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất mạnh mẽ. Sự bùng nổ của thông tin, dẫn đến các thông tin đa chiều, khó kiểm soát, cả thông tin có lợi và có hại đều có thể được phát tán nhanh chóng, nhất là những thông tin nóng, đang được dư luận quan tâm và đặc biệt quan tâm. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận rõ những âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc và mục đích của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tham nhũng, tiêu cực và công cuộc chống tham nhũng tiêu cực.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở tất cả các cấp, các ngành.
Đây là giải pháp rất quan trọng mang tính căn cốt, để các thế lực thù địch không còn “cớ”, còn “nguyên liệu” để nhào nặn, xuyên tạc, kích động. Bởi vì, với bản chất phản động của những kẻ chống phá và mức độ nguy hại của tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, có thể khẳng định rằng, các thế lực thù địch vẫn sẽ tiếp tục lợi dụng triệt để vấn đề đang gây nhức nhối trong xã hội là tham nhũng, tiêu cực để đẩy mạnh tuyên truyền, xuyên tạc hòng làm rối ren xã hội, và thực chất là đánh vào lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.
Ba là, phát huy cao độ tinh thần, ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong phát hiện, tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Vai trò của nhân dân đã được khẳng định trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, là lực lượng “nâng thuyền, đẩy thuyền”, việc gì, khi nào, ở đâu được nhân dân đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ và tham gia tích cực, tự giác thì chắc chắn sẽ thành công. Ngày nay, nếu chúng ta làm tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia, đồng sức, đồng lòng trong công cuộc đấu tranh, loại trừ tham nhũng, tiêu cực, cũng chính là nâng cao được ý thức cảnh giác và trách nhiệm của công dân trong đấu tranh với các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tham nhũng, tiêu cực để chống phá.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh việc thực thi đồng bộ hệ thống luật pháp, chính sách và xây dựng môi trường văn hóa “trọng danh dự”, “trọng liêm sỉ” để phòng, chống tham nhũng.
Trong thời gian qua, với nỗ lực, quyết tâm của Đảng, hệ thống chính trị, hệ thống pháp luật, quy định, chính sách đã từng bước được xây dựng, ban hành, và từng bước bịt chặt mọi kẽ hở, để tham nhũng, tiêu cực không còn “đất” để tồn tại; đồng thời, các quy định xử lý vi phạm cũng đã từng bước chặt chẽ, tăng nặng hơn mức độ xử lý vi phạm. Nhưng để thực thi, cần phải rà soát, xem xét và đẩy mạnh sự công khai, minh bạch hóa tất cả những gì có thể minh bạch được. Trước hết là trong phạm vi cơ quan, đơn vị, từ quy trình, nguyên tắc, quỹ vốn, kinh phí, dự án, quy hoạch, công tác cán bộ,... để tránh “những cuộc đua trong bóng tối”, những hành vi “chạy chọt”, “mua bán”, “xin cho” trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong công tác cán bộ.
Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch đang tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến,”, “tự chuyển hóa”, trong đó, lợi dụng vấn đề tham nhũng, tiêu cực để xuyên tạc là một thủ đoạn rất thâm độc. Để loại trừ tham nhũng, tiêu cực, đồng thời chống sự lợi dụng tham nhũng, tiêu cực để xuyên tạc, chống phá, cần phải nhận diện đúng, có luận cứ phản bác kịp thời và các giải pháp đồng bộ, khoa học, tạo sức mạnh tổng hợp để loại trừ những nguy cơ đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ và cản trở sự phát triển của đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét