Môi trường và ô nhiễm môi trường là vấn đề mang tính toàn cầu. Tất cả các quốc gia, không phân biệt trình độ phát triển kinh tế, chế độ chính trị, xã hội đều đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, với cách nhìn thiếu thiện chí và chống phá đất nước, các thế lực thù địch đã đưa ra những quan điểm, thủ đoạn xuyên tạc cho rằng, chỉ có ở Việt Nam mới có tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời, các thế lực thù địch còn vu cáo Việt Nam bắt bớ, bỏ tù những nhà hoạt động môi trường.
Ngày 28/9/2023, bà Hoàng Thị Minh Hồng, sinh năm 1972, bị Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt 3 năm tù về tội trốn thuế. Tại tòa, bị cáo Hoàng Thị Minh Hồng đã thừa nhận hành vi phạm tội và rất ăn năn, hối hận về hành vi phạm tội của mình. Có điều đáng ngạc nhiên là, sau khi bà Hoàng Thị Minh Hồng bị bắt, trên các trang mạng như RFA, VOA tiếng Việt... liên tục đăng tải các bài viết vu cáo xuyên tạc cho rằng, Việt Nam đàn áp các nhà hoạt động môi trường. Phi lý hơn, chúng còn kêu gọi các tổ chức và quốc gia nước ngoài can thiệp, yêu cầu Việt Nam phải trả tự do cho Hoàng Thị Minh Hồng.
Liên quan đến vụ việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng đã khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những thông tin sai sự thật với dụng ý xấu về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của Việt Nam cũng như về quan hệ đối ngoại. Đây đều là những trường hợp vi phạm pháp luật Việt Nam và đã bị điều tra, khởi tố và xét xử theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam”.
Môi trường là vấn đề toàn cầu, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang có nhiều nỗ lực, cố gắng cao nhất để giảm thiểu các hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Nhưng các thế lực có ý đồ xấu chống phá Việt Nam luôn tìm cách để đào bới, khoét sâu những hạn chế, khuyết điểm. Chỉ một vụ việc nhỏ liên quan đến xả thải ra môi trường, hay xây dựng các công trình làm ô nhiễm nguồn nước... là ngay lập tức các đối tượng quy kết, quy chụp thành bản chất của chế độ chính trị.
Nhiều đối tượng còn hô hào lập nhóm, tổ chức diễn đàn trao đổi, thảo luận về vấn đề môi trường ở Việt Nam, nhưng thực chất là để kích động, chống phá Việt Nam. Thiếu tướng Trần Kim Tuyến, nguyên Cục trưởng Cục Phòng chống phản động, Bộ Công an cho biết: “Nói về những diễn đàn bảo vệ môi trường thì theo tôi, cái mục đích của họ không phải là bảo vệ môi trường, mà là lợi dụng vấn đề danh nghĩa bảo vệ môi trường để tiến hành những hoạt động phá rối an ninh trật tự”.
Mạng xã hội đã và đang trở thành một công cụ hữu hiệu để các đối tượng chống phá Việt Nam sử dụng để thổi phồng các vấn đề liên quan đến môi trường ở Việt Nam, tạo thành những điểm nóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt, dưới sự điều hành của tổ chức phản động Việt Tân, các đối tượng liên tục tung tin, hình ảnh về các hoạt động gây ô nhiễm môi trường ở Việt Nam. Chúng tạo dựng, cắt ghép, nhào nặn thông tin nhằm làm cho người đọc mơ hồ, hoang mang, hoài nghi, mất niềm tin vào chế độ.
Nhớ lại sự việc ô nhiễm môi trường diễn ra tại Khu kinh tế Vũng Áng do Công ty Formosa gây ra vào năm 2016, các thế lực thù địch sử dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, môi trường đã kích động người dân tập trung đông người tuần hành trái phép, chống người thi hành công vụ, phá hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng. Đặc biệt, đối tượng Hoàng Đức Bình đã nhiều lần sử dụng facebook phát trực tiếp với những hình ảnh, lời lẽ vu khống lực lượng chức năng, mang tính kích động, xuyên tạc sự thật. Theo điều tra của lực lượng chức năng, Hoàng Đức Bình đã từng tham gia nhiều hội nhóm phản động, quan hệ, móc nối với các đối tượng phản động, chống đối trên địa bàn, thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên facebook cá nhân những thông tin, tài liệu tuyên truyền nói xấu chế độ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống cho rằng, đằng sau những chiêu trò của các thế lực thù địch, không đơn thuần là vấn đề môi trường mà đó là nuôi dưỡng tiến hành một cuộc cách mạng màu ở Việt Nam, nhằm lật đổ chế độ chính trị của Việt Nam. “Chúng ta biết rằng, các thế lực thù địch, phản động không ưa gì chế độ chúng ta. Dù chúng ta có đạt thành tựu đến đâu chăng nữa và có tiến bộ xã hội đến đâu chăng nữa, thì các đối tượng không bao giờ thừa nhận. Cái thứ hai là, chúng lợi dụng tất cả các sự kiện thổi phồng, cắt ghép, bóp méo xuyên tạc kích động, trong đó có vấn đề về môi trường, bé biến thành to, nhỏ biến thành lớn, nhằm gây bất ổn ở Việt Nam” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn cho biết.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng, tác động rất lớn từ biến đổi khí hậu và môi trường. Việt Nam cũng đã chung tay cùng cộng đồng quốc tế để làm cho trái đất xanh hơn. Rất nhiều chương trình được triển khai như trồng 1 tỷ cây xanh, giảm thiểu đun đốt xả thải khí CO2. Tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 diễn ra vào tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030, tham gia tuyên bố về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: “Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường”. Như vậy, Việt Nam luôn tích cực, nỗ lực cố gắng để bảo đảm môi trường sống trở nên trong sạch và thân thiện hơn. Đồng thời, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các tập thể, cá nhân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Những cá nhân, tổ chức nào vi phạm về môi trường sẽ bị xử lý công bằng, nghiêm minh, đúng người, đúng tội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét