Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, điều tra 98 vụ, 234 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán người (MBN), xác định 247 nạn nhân, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trước tình hình tội phạm MBN ở nước ta ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần có nhiều giải pháp, nỗ lực hơn nữa trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này.
Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật, chương trình, kế hoạch, triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tội phạm MBN. Theo đó, công tác phòng ngừa, nhất là công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống MBN được đặc biệt chú trọng, triển khai tích cực với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, hướng về cơ sở và các đối tượng có nguy cơ cao bị mua bán. Việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án MBN được lực lượng chức năng tích cực triển khai thực hiện, nhiều đường dây MBN ra nước ngoài, trong nội địa được triệt phá và đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Công tác tiếp nhận hồi hương, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, hợp tác quốc tế được triển khai đồng bộ, quyết liệt...
Tiêu biểu như Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai phối hợp toàn diện, thực chất công tác đấu tranh phòng chống tội phạm MBN trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; phối hợp xác lập, đấu tranh, triệt phá nhiều chuyên án, vụ án MBN liên tỉnh, xuyên quốc gia; xác minh, giải cứu nhiều nạn nhân bị mua bán. Từ năm 2023 đến nay, hai lực lượng đã trao đổi trên 400 thông tin liên quan đến tội phạm MBN; chỉ đạo nghiệp vụ phối hợp điều tra xử lý 29 vụ với 59 đối tượng, 56 nạn nhân.
Tại các địa phương, các đơn vị đã tiếp nhận 239 vụ với 4.488 công dân, phát hiện ngăn chặn 818 vụ với 3.774 công dân xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc. Qua công tác phân loại, sàng lọc, phát hiện 115 người bị nghi mua bán; khởi tố 106 vụ252 đối tượng phạm tội MBN...
Tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực, song tội phạm MBN vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên khắp cả nước, nhất là tại các tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào.
Theo các chuyên gia, thủ đoạn tội phạm trong các vụ án MBN không mới, nhưng phương thức đã có sự thay đổi. Ngoài hình thức gặp gỡ, tiếp xúc, làm quen trực tiếp với nạn nhân, tội phạm MBN thường lợi dụng mạng xã hội, kết nối, tương tác để tiếp cận, dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân qua Facebook, Zalo, Viber. Đồng thời, hứa hẹn “việc nhẹ lương cao”, dụ dỗ yêu đương, tuyển lao động đi xuất khẩu... sau đó bán nạn nhân ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp, bán dâm, cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc với số tiền lớn. Ngoài ra, các đối tượng tiếp tục lợi dụng hoạt động tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch, thăm thân,... để tuyển chọn, dụ dỗ, lôi kéo sau đó lừa bán nạn nhân.
Để ngăn ngừa tình trạng này cần tăng cường năng lực phòng chống tội phạm MBN trong toàn xã hội. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục làm cho người dân trong xã hội nhận biết được những dấu hiệu, nhận biết được những cạm bẫy, những phương thức, những hình thức rồi biết được những nguy cơ có thể xảy ra, để tăng cường năng lực, tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân, bảo vệ người mình quen biết trong xã hội rất quan trọng. Cùng với đó, cần phát huy năng lực phòng, chống tội phạm trong toàn xã hội và kết hợp phòng, chống tội phạm xã hội với phòng, chống trong nghiệp vụ thì sẽ tăng cường thực tạo thêm sức mạnh.
Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã tiếp thu, giải trình những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 8 tới đây được kỳ vọng là một trong những giải pháp hữu hiệu khắc phục những hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống MBN trong tình hình mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét