Hai lần dọa “trốn”

Giữa những ngày nóng bỏng của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 ở Vinh - Bến Thủy, tại làng Trung, xã Yên Dũng Hạ, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An có một sinh linh bé bỏng cất tiếng khóc chào đời. Đó chính là Nguyễn Văn Phước, con trai ông Nguyễn Văn Tiến và bà Nguyễn Thị Duẩn.

Năm 1946, Toàn quốc kháng chiến, Nguyễn Văn Phước theo cha gia nhập Công binh xưởng Huỳnh Thúc Kháng. Trong khi đó, chiến sự giữa ta và Pháp ngày một lan rộng. Quân Pháp đã chiếm được hầu hết các thành phố lớn và nhiều địa bàn quan trọng của ta trên cả ba miền. Tuy nhiên, hầu hết các địa bàn nông thôn, rừng núi của vùng Thanh - Nghệ Tĩnh vẫn nằm trong sự kiểm soát của ta.

Thời kỳ này, Thanh - Nghệ Tĩnh thuộc sự quản lý của Liên khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Sơn làm Tư lệnh. Ở công binh xưởng, Nguyễn Văn Phước được nghe rất nhiều chuyện về ông Thiếu tướng này. Từ chuyện ông đi hoạt động cách mạng phải đổi họ đổi tên, sang Trung Quốc tham gia cuộc Vạn lý trường chinh hàng vạn dặm trong băng tuyết đến chuyện ông có thể nói về Truyện Kiều hàng tiếng đồng hồ không cần sách vở, kể cả chuyện ông suýt từ chối nhận phong tướng, phải có thư của Hồ Chủ tịch gửi vào ông mới đồng ý nhận quân hàm... Nhiều chuyện nghe cứ như huyền thoại ấy. Nhưng có một cái rất thực, đó là thư của ông kêu gọi thanh niên Liên khu 4 tham gia nhập ngũ chuẩn bị cho Tổng phản công. Được đọc bức thư của ông, Nguyễn Văn Phước thấy trong người cứ nóng bừng bừng như lên cơn sốt vậy. Những dòng chữ tuy ngắn gọn nhưng đầy nhiệt huyết của ông dường như đã truyền sang và thúc giục Nguyễn Văn Phước nhanh chóng lên đường. Không đừng được, Nguyễn Văn Phước tìm cha và năn nỉ:

- Thưa chú (cha của Nguyễn Văn Phước- PV), ông Tư lệnh quân khu vừa có thư kêu gọi thanh niên nhập ngũ. Con xin phép chú cho con đi Vệ quốc đoàn đợt này.

Cha Nguyễn Văn Phước nhìn con chăm chú một lát, rồi ông mới chậm rãi:

- Sao con lại phải đi? Ở đây con cũng đóng góp được cho kháng chiến cơ mà.

Nguyễn Văn Phước hơi lúng túng không biết diễn giải ý mình thế nào:

- Nhưng con thấy nó cứ... tù túng thế nào ấy!

Cha Nguyễn Văn Phước lắc đầu:

- Ở đâu cũng có khuôn phép của nó. Hay là con chán việc đập gang với đốt than rồi chứ gì? Thôi được, để cha nói với các bác, các chú cho con đi học lấy một nghề chuyên môn thì sẽ hết chán ngay.

Nguyễn Văn Phước dứt khoát:

- Con không chán! Mà con cũng không học cái gì cả. Chú cho con đi đi!

Cha Nguyễn Văn Phước lắc đầu rồi buồn bã bỏ đi.

Nguyễn Văn Phước vẫn không bỏ cuộc. Cứ vài hôm lại nằn nì cha một lần nhưng ông vẫn chưa đổi ý. Cho đến lần Nguyễn Văn Phước tuyên bố nếu cha không cho đi, anh sẽ trốn thì ông mới đồng ý.

Đó là một ngày đầu tháng 10-1949. Tướng Nguyễn Sơn đóng quân ở huyện Yên Định, Thanh Hóa. Nguyễn Văn Phước quyết định: “Cứ ra Yên Định, Thanh Hóa nhất định sẽ tìm được bộ đội!”.

Đầu tháng 11-1949, thấy trời khô ráo lại không quá lạnh, Nguyễn Văn Phước quyết định lên đường. Sau mấy ngày trời rong ruổi, anh đã đến đất Yên Định, Thanh Hóa. Đó là một vùng bán sơn địa, đồng bằng xen kẽ với đồi núi thấp, được bao quanh bởi hai con sông: Sông Mã ở phía Đông và sông Cầu Chày ở phía Nam. Cũng giống như khi đến các địa phương khác, Nguyễn Văn Phước dừng chân hỏi thăm một nhà dân ven đường: “Ở quanh đây có đơn vị Vệ quốc đoàn nào đóng không?” thì nhận được câu trả lời và một cái chỉ tay về hướng núi: “Có đấy! Trong đó có một đơn vị bộ đội”. Nguyễn Văn Phước cảm ơn và đi theo hướng tay của người ấy chỉ.

Quả thật, trong cái khe núi ấy có một đơn vị bộ đội đóng quân thật. Doanh trại của đơn vị chỉ là mấy dãy lớn tranh tre nứa lá song phân khu rất rõ ràng, có lán ở bộ đội, lán chỉ huy, nhà bếp, nhà ăn đàng hoàng. Khi thấy Nguyễn Văn Phước hỏi ở đây có nhận quân mới không thì một người dẫn anh lên gặp chỉ huy. Đó là một anh bộ đội đã đứng tuổi, mặc bộ quân phục ka-ki đã bạc màu đang ngồi sau chiếc bàn ghép bằng tre chăm chú đọc cái gì đó trong cuốn sổ mở trước mặt. Sau này Nguyễn Văn Phước mới biết đó là Đại đội trưởng Lê Đức Định. Khi thấy Nguyễn Văn Phước xuất hiện, anh ngẩng lên rời mắt khỏi cuốn sổ tươi cười hỏi:

- Đồng chí muốn nhập ngũ à?

Nguyễn Văn Phước giật mình không trả lời ngay được. Lần đầu anh được gọi là “đồng chí”. Phải mấy giây sau Nguyễn Văn Phước mới cất lời được:

- Vâng ạ!

Anh chỉ huy nhíu mày:

- Tại sao đồng chí muốn nhập ngũ?

Nhớ lại tất cả những gì mình đã chuẩn bị, Nguyễn Văn Phước tuôn ra:

- Dạ... Thưa cấp chỉ huy! Sau Cách mạng Tháng Tám, nước ta đã giành được độc lập. Nhưng bọn thực dân Pháp lại xâm chiếm nước ta một lần nữa, buộc chúng ta phải cầm súng kháng chiến. Hiện nay, cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã chuẩn bị chuyển sang phản công, vì vậy cần rất nhiều bộ đội. Vừa rồi, em đã được đọc thư kêu gọi thanh niên nhập ngũ của ông Tư lệnh Nguyễn Sơn. Em thấy rất phù hợp với nguyện vọng của mình nên quyết tâm đi ra Thanh Hóa tìm bộ đội để xin nhập ngũ ạ! Bây giờ đã tìm được rồi, em xin cấp chỉ huy chấp nhận nguyện vọng của em, cho em được đầu quân tại đơn vị mình. Em chỉ biết thế thôi ạ!

Anh chỉ huy tỏ ra xúc động. Một lát sau anh cầm bút và hỏi:

- Thế đồng chí họ tên là gì? Quê quán ở đâu? Bố mẹ là ai?

Đồ chừng có thể được nhận, Nguyễn Văn Phước phấn khởi trả lời ngay:

- Dạ, em là Nguyễn Văn Phước, quê quán Yên Dũng Hạ, thị xã Vinh - Bến Thủy, tỉnh Nghệ An. Bố em là Nguyễn Văn Tiến, là công nhân nhà máy Trường Thi; mẹ em là Nguyễn Thị Duẩn, làm ruộng ở nhà ạ!

Anh chỉ huy lúi húi ghi chép vào cuốn sổ, miệng lầm bầm:

- Ái chà, dân Xô viết Nghệ Tĩnh nòi đây! Thế mấy năm nay, ở nhà thì đồng chí làm gì?

Đã quen với việc được gọi là đồng chí rồi nên Nguyễn Văn Phước không thấy bỡ ngỡ nữa:

- Dạ, hai năm vừa rồi, cha em đưa em lên chiến khu Phủ Quỳ làm việc trong Công binh xưởng Huỳnh Thúc Kháng ạ!

Anh chỉ huy ngừng viết, ngẩng lên nhìn Nguyễn Văn Phước một lượt từ đầu đến chân rồi nói:

- Thôi được! Chúng tôi sẽ nhận đồng chí vào đơn vị. Trước mắt, do đồng chí chưa được huấn luyện gì cả nên tạm thời về tiểu đội cấp dưỡng, còn mọi việc tính sau. Đồng chí thấy thế nào?

Vậy là Nguyễn Văn Phước đã được nhận vào Vệ quốc đoàn!