Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

PHẢI LÀM GÌ ĐỂ CÓ TRỌN CHỮ LIÊM?

 1. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh đến việc xây dựng, giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên theo tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Trong đó, liêm là yêu cầu quan trọng rất được chú trọng quan tâm. Hồ Chí Minh và Đảng thường xuyên nhắc nhở, căn dặn và có những giải pháp tích cực, hiệu quả để cán bộ, đảng viên thực hiện đầy đủ chữ liêm. Vào tháng 10- 1947, trong Lời nói chuyện tại buổi lễ bế mạc lớp bổ túc trung cấp, Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: “Một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điểm sau đây: Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm”.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rất rõ ràng, cụ thể những nội dung, biểu hiện chữ liêm của người cách mạng, người cộng sản. Theo Hồ Chí Minh, liêm là phải trong sạch, không tham lam, phải quang minh chính đại, không hủ hóa. Người nhấn mạnh liêm là không tham địa vị, tiền tài; không tham sung sướng, không tham sống, không tham danh vọng, không ham người tâng bốc mình… Người chỉ rõ hậu quả của sự tham lam, ví dụ như tham sắc thì hay bị mỹ nhân kế. Người nêu rõ các biện pháp thực hiện, như phải luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công, của dân, “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân”. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu phải thực hiện đồng bộ, toàn diện, biện chứng giữa cần, kiệm, liêm, chính với nhau để có được con người mẫu mực, hoàn chỉnh.

Trên thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương mẫu mực, tiêu biểu của đạo đức cách mạng, của cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, trọn đời cống hiến hy sinh vì dân, vì nước. Tháng 9-1969, trong Điếu văn tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã khẳng định: Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Cả cuộc đời vĩ đại của Hồ Chủ tịch là tấm gương mãi mãi sáng ngời chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn giản dị…

Vì vậy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là yêu cầu quan trọng, là biện pháp tích cực, hiệu quả để người đảng viên rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành.

3. Cùng với sự rèn luyện, trau dồi, phấn đấu để thực hiện chữ “Liêm” cho chính bản thân cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn, nhắc nhở từng cán bộ, đảng viên phải chú ý đến sự lan tỏa, làm gương, hướng dẫn cho người khác noi theo. Người từng biểu dương các cán bộ Quân đội về việc không lấy của công làm của tư, không lấy chiến lợi phẩm về cho gia đình bè bạn, nhưng theo Người đó “mới chỉ là liêm một nửa”. Người căn dặn, nhắc nhở: “Các chú phải dạy cho bộ đội và khuyến khích nhân dân không lấy của công, không lấy chiến lợi phẩm làm của riêng mới thật là liêm”. Quan điểm này cũng được Hồ Chí Minh đưa ra trong thực hiện các yếu tố khác của cần, kiệm, liêm, chính. Ví dụ, khi nói về chữ “Cần”, ngày 25-10-1951, trong Bài nói chuyện với Trường Chính trị trung cấp quân đội, Người phân tích cụ thể: “Nếu cả ngày các chú chỉ hùng hục làm việc của mình, không dạy cho bộ đội chăm chỉ học tập chính trị, quân sự để giết được nhiều giặc, không khuyến khích và giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất, phục vụ tiền tuyến thì cũng chưa thực hiện được chữ cần”.

4. Để bảo đảm được chữ liêm, thực hiện tốt cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư phải có nhiều giải pháp, cách làm tích cực, đồng bộ. Phải kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, phát huy tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận, giúp đỡ của nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa cần, kiệm, liêm, chính… Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy Quân đội: Không được để tham ô, tiêu cực xuất hiện trong Quân đội, mà muốn vậy phải thấm nhuần tinh thần làm chủ, cần kiệm xây dựng Quân đội, phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, để tự cải thiện mức sống của mình và giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân; phải nghiêm khắc chống quan liêu, tham ô, lãng phí, quản lý phải dân chủ, tài chính phải công khai, sổ sách phải minh bạch.

Một biện pháp quan trọng luôn được đặt ra là bản thân từng cán bộ, đảng viên phải tự giác thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, đồng thời cần làm gương, tuyên truyền giáo dục, thuyết phục để gia đình, người thân, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cùng hiểu, cùng thực hiện nghiêm túc những nội dung liên quan.

Đặc biệt, Quy định số 144-QĐ/TW đã nêu trên, được nhanh chóng triển khai thực hiện rất nghiêm túc. Tại Điều 3 của Quy định về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, có quy định rất cụ thể: quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định, tiết kiệm và hiệu quả; không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất khác của tập thể và cá nhân; trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu; chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Từ những quy định trên, các cấp, các ngành, các tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên cũng có những cách làm phù hợp, cụ thể để thực hiện hiệu quả cao nhất phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Tiêu biểu như Quân đội nhân dân Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI: Cán bộ phải làm gương cho chiến sĩ, cấp trên làm gương cho cấp dưới, đảng viên làm gương cho quần chúng, theo đúng với tinh thần “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét