Tuy phải chịu thiệt hại nặng nề từ các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm để lại, nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị cộng với sự cần cù, đoàn kết, chịu thương chịu khó của cộng đồng các dân tộc, Tây Nguyên đã trở thành vùng đất vững về chính trị, quốc phòng, an ninh, phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn luôn ra sức chống phá nhằm chia rẽ, gây mất đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
"Hôm nay, đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui vẻ. Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự được. Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào. Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau..."[1]. Những lời căn dặn của Bác Hồ giữa lúc cuộc kháng chiến cứu nước đang diễn ra ác liệt ở cả hai miền Nam - Bắc đã thôi thúc hàng triệu người con của mảnh đất kiên trung tiếp tục bền bỉ, dẻo dai, quyết tâm giành từng tấc đất hùng vĩ để non sông được thống nhất. Lớp lớp các thế hệ cán bộ, nhân dân các dân tộc Việt Nam đã chia đôi từng miếng cơm, hạt muối của đồng bào để bám đất, bám buôn làng đánh giặc.
Kháng chiến thắng lợi, tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, không ngừng sáng tạo, vươn lên đổi mới của đồng bào các dân tộc. Bằng tinh thần đoàn kết, đồng lòng son sắt theo Đảng, với sự quyết tâm và đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự cần cù, chịu thương chịu khó của những người con Tây Nguyên trong công cuộc kiến thiết, diện mạo nơi đây đã “thay da đổi thịt”. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, kinh tế được chú trọng phát triển, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến, đồng bào không còn tình trạng thiếu đói, du canh du cư, phá rừng làm rẫy. Nhân dân miền “đất đỏ bazan” tiếp tục cùng với quân và dân cả nước đoàn kết, nỗ lực bám núi bám rừng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trải qua hai cuộc kháng chiến, nơi đây vẫn khoác trên mình những nét văn hóa ngàn đời của miền đất đại ngàn. Những con sông, ngọn núi, những cánh rừng, buôn làng còn mãi khắc ghi tên của Anh hùng N’Trang Lơng, Anh hùng Núp cùng biết bao thế hệ người con của đồng bào và quân giải phóng đã mãi mãi nằm xuống để giành lại non sông. Hậu quả nặng nề mà những cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm đã để lại là cơ sở hạ tầng vốn đã nghèo nàn, lạc hậu lại thêm sự tàn phá của chiến tranh làm đồng bào ta càng thêm cơ cực.
Với chủ trương phát triển Tây Nguyên, vùng đất chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh một cách nhanh và bền vững là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Đất nước yên bình, Tây Nguyên đang chuyển mình mạnh mẽ với ưu thế vượt bậc về tiềm năng công nghiệp năng lượng, khoáng sản, nông nghiệp chất lượng cao, kinh tế lâm nghiệp và du lịch sinh thái, văn hóa. Nhưng với những luận điệu xuyên tạc, các thế lực thù địch, chống phá vẫn ngày đêm lợi dụng, bịa đặt và khoét sâu mâu thuẫn giữa cộng đồng các dân tộc đoàn kết Việt Nam. Chúng triệt để lợi dụng những khuyết điểm, hạn chế của một bộ phận cán bộ, công chức Nhà nước để ra sức bôi nhọ, bêu rếu.
Cùng với đó, chúng xuyên tạc và vu cáo, đặc biệt xoáy sâu vào các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ và nhân quyền. Từ đó, xúi giục đồng bào các dân tộc thiểu số vốn thật thà, chất phác tụ tập gây rối, biểu tình, chống phá, kích động tư tưởng ly khai, tự trị. Đỉnh điểm, gần đây nhất là vụ việc kích động, tấn công trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023 làm 4 đồng chí Công an, 2 cán bộ xã và 3 người dân tử vong cùng nhiều người khác bị thương. Vụ việc xảy ra làm bàng hoàng bà con trong từng buôn làng đang sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, luôn đoàn kết một lòng tin theo sự lãnh đạo của Đảng và đang được thụ hưởng những thành quả của cách mạng và sự phát triển của đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét