Đồng chí Bùi Thanh Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo, Tỉnh ủy Phú Yên đã khẳng định như vậy tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong Đảng ủy BĐBP Phú Yên. Đây không chỉ là lời khen ngợi, mà còn là đúc kết thực tiễn sống động từ những câu chuyện nghĩa tình máu thịt giữa người lính Biên phòng với nhân dân trên tuyến biên giới biển Phú Yên.
Trong công cuộc vượt gian nan, khó nghèo vươn lên xây dựng cuộc sống, cán bộ, chính quyền, nhân dân thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên vẫn lưu giữ nhiều câu chuyện đẹp về những người lính Biên phòng tận tụy vì dân.
Bên bờ chân sóng
Đứng chân trên địa bàn huyện Đông Hòa có Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam và Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Rô. Đây chính là hai “tấm lá chắn”, cùng với các lực lượng vũ trang địa phương, bảo vệ người dân nơi đầu sóng, ngọn gió, vùng ven biển của huyện. Mùa mưa năm 2017, cơn bão số 12 đổ bộ vào đất liền, tâm bão quét qua huyện Đông Hòa khiến cho nhiều làng xóm tan hoang, xơ xác.
Có mặt tại địa bàn Vũng Rô thị sát tình hình ngay sau bão, ông Bùi Thanh Toàn thực sự lo lắng, xót xa. Cả dãy nhà dân trước mặt biển ở Bãi Lách bị sóng bổ lên tận mái nhà, hất tung cát phủ xuống nhà cửa, đường đi trong xóm. Hàng chục ngôi nhà sát biển bị bão đánh sập hoàn toàn, hơn một nửa bị tốc hết mái, nhà nào cũng bị cát ngập cao gần nửa mét. Sau bão, bà con đi trú tránh bão trở về, đứng trước căn nhà trống hoác, căn bếp bị cát vùi, những thùng gạo, thức ăn trộn cát, ướt sũng, ai nấy đều thẫn thờ, không biết làm lại từ đâu.
Chính trong lúc đó, Thiếu tá Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Rô cùng anh em đơn vị đã điện thoại về thành phố, nhờ người thân của mình tức tốc chuyển vào Vũng Rô 20 thùng mì gói để giúp bà con nơi đây có cái ăn.
Bữa ăn đầu tiên sau bão của cả xóm Bãi Lách là những suất mì gói mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Rô chuyển xuống. Rồi những ngày kế tiếp, cũng chính BĐBP là cầu nối, kêu gọi bạn bè, người thân, các hội từ thiện từ nhiều nơi quyên góp, chuyển tiền, gạo, nhu yếu phẩm về hỗ trợ để cho dân Bãi Lách có cái ăn, vượt nạn.
Ông Toàn nhớ lại, thời điểm ấy, nhìn khung cảnh tan hoang, bề bộn, khó tránh khỏi ngao ngán, vậy mà nhờ có BĐBP, bà con đã vững tâm hơn rất nhiều. Anh em BĐBP vừa làm, vừa động viên bà con giúp nhau, cùng cào dọn cát, chặt cây đổ giải phóng đường sá, dựng lại những mái nhà, trục vớt lồng bè, cứu kéo ghe thuyền. Có BĐBP sát cánh, sức lực cả làng như tăng thêm bội phần. Những khó khăn, bề bộn đã trở nên nhẹ nhàng, bà con sớm ổn định cuộc sống.
Cũng theo ông Toàn, huyện Đông Hòa có bờ biển dài hơn 50km. Mùa mưa bão, những xóm làng nằm sát biển dễ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, nhà cửa bị đánh sập. Cùng với đó là mối lo cho tính mạng của hàng chục ngàn người dân làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản đang ở giữa biển. Tuy nhiên, nhiều năm qua, nhờ có sự giám sát chặt chẽ của BĐBP, Đông Hòa không có thiệt hại về tính mạng do mưa bão, những sự cố tàu thuyền trục trặc trên đường làm ăn đều được lai dắt về bờ an toàn.
Để bảo vệ an toàn cho dân, mỗi mùa mưa bão, anh em BĐBP đi rà soát từng xóm làng, khu vực bè nuôi trồng thủy sản, tổ chức chằng chống nhà cửa, di dời dân ở vùng nguy hiểm ra nơi an toàn. Doanh trại của hai đồn, trạm Biên phòng trở thành nơi bà con trú tránh mưa bão ấm áp, được chăm sóc sức khỏe, lo từng bữa ăn.
Bệ đỡ vượt nghèo
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam hạnh phúc cho biết, sau hơn 5 năm được BĐBP Phú Yên nhận đỡ đầu theo Kế hoạch 68-KH/TU của Tỉnh ủy Phú Yên về triển khai thực hiện mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”, cùng với những nỗ lực của chính mình, Hòa Hiệp Nam (nay là phường Hòa Hiệp Nam) từ một xã bãi ngang, nghèo khó nhất, nhì trong tỉnh, năm 2019 đã thành xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 15/15 hộ được BĐBP nhận đỡ đầu đã thoát nghèo. Đó là niềm vui lớn mà chính quyền và người dân làng biển này không thể không nhắc đến sự chung lưng, đấu cật quý báu của anh em BĐBP.
Nhớ lại ngày cán bộ Phòng Chính trị, BĐBP Phú Yên đến bàn cách giúp gia đình vượt nghèo, chị Nguyễn Thị Hạnh, một người dân thoát nghèo, bùi ngùi cho biết, tài sản gia đình chỉ là căn nhà mái tôn, chi chít chỗ thủng, cùng khoản nợ vài chục triệu sau nhiều năm làm ăn thâm hụt. Phương tiện mưu sinh là vùng đìa nuôi tôm 6 sào, nhưng chị không còn nổi một đồng vốn lận lưng để mua con giống. Hơn nữa, hai vợ chồng đã kiệt quệ cả sức lực lẫn tinh thần, không còn tâm trí nào để làm ăn.
Sau nhiều lần bàn bạc phương cách, ngày cuối tuần, một tổ công tác của Phòng Chính trị xuống nhà cùng vợ chồng chị khôi phục lại chuồng trại chăn nuôi. Tiếp đó, anh em mang xuống 5 triệu đồng, cùng chị Hạnh đi chọn mua 3 con heo giống thật khỏe đem về thả vào chuồng, mua thêm vài bao cám dự trữ.
Lứa heo đầu tiên sau 3 tháng rưỡi thả nuôi, ngày xuất chuồng, chị Hạnh dư được 6 triệu đồng. “Nắm đồng tiền trong tay, nước mắt tui cứ chảy. Đây là khoản tiền mà tui chưa bao giờ nghĩ mình làm ra được” - chị Hạnh bộc bạch. Vừa xuất đợt heo, chị mua liền cặp heo giống khác thả vào chuồng. Khoản tích góp sau vài lứa heo, chị mở rộng đầu tư, mua thêm 200 con vịt thả sau vườn. Cứ theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, sau một vụ chăn nuôi, chị tiếp tục “nới thêm” bầy vịt, tăng thêm đàn heo.
Rồi chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” do BĐBP và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên vận động, tài trợ gia đình chị 45 triệu đồng để xây nhà. Thấy BĐBP hết lòng giúp đỡ gia đình chị Hạnh vượt nghèo, bà con trong xóm rất cảm động. Ngày anh em BĐBP đến đào móng, khởi công xây nhà, mọi người đóng góp, cho anh chị mượn thêm 50 triệu đồng để có được căn nhà khang trang. Sau 2 tháng tất bật xây dựng, cận Tết năm 2016, gia đình chị đã về nhà mới trong niềm hân hoan của cả xóm. Từ khi có nhà cửa khang trang, vợ chồng chị Hạnh đã vững tâm làm ăn, đời sống gia đình như đã sang trang mới.
Cũng như thế, 15/15 hộ gia đình nghèo trên vùng ven biển Hòa Hiệp Nam được BĐBP Phú Yên trợ giúp để thoát nghèo, từ khi có sự đồng hành, động viên mạnh mẽ của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Phú Yên đã tự tin, tìm những hướng phát triển kinh tế, tạo nền tảng làm ăn vững chắc cho gia đình mình.
Ông Phạm Văn Công còn xúc động chia sẻ, khi người dân nghèo làm nhà trong điều kiện kinh phí eo hẹp, cán bộ BĐBP đã chủ động cùng gia đình bàn bạc khâu thiết kế xây dựng, rồi tính toán vật liệu cho phù hợp. Có đồng chí còn đứng ra nhận nợ với cửa hàng để ứng trước vật liệu làm nhà cho dân. Ngoài ra, tất cả các phần việc cần nhân lực, từ dỡ bỏ nhà cũ, đào móng, đổ cát san nền, phụ hồ, khiêng vác vật liệu, BĐBP Phú Yên đã giúp sức tối đa nên chi phí nhân công giảm đáng kể.
Bên cạnh việc giúp đỡ các hộ nghèo, BĐBP Phú Yên còn tập trung lực lượng giúp địa phương bê tông đường giao thông, lắp hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến đường trong khu dân cư, xây dựng khu sinh hoạt cộng đồng, chỉnh trang các nhà văn hóa trong các thôn xóm. Người Chủ tịch UBND phường cũng bộc bạch: “Tiền hỗ trợ, nguồn lực vật chất là một phần, song, điều có ý nghĩa hơn, khi cái nghèo cuốn người dân vào vòng lẩn quẩn khó khăn, bế tắc, sự kề cận của anh em BĐBP vừa động viên, vừa định hướng đường làm ăn đã giúp họ giải tỏa bi quan, bế tắc, có thêm động lực, niềm tin để vươn lên, xoay chuyển cuộc sống”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét