Hơn 40 năm quân ngũ, thì hơn một phần ba thời gian ông tham gia chiến đấu ở mặt trận phía Nam và chiến trường Campuchia. Lửa đạn chiến tranh đã tôi rèn ông trở thành một người lính dũng cảm thời chiến, bản lĩnh trong thời bình. Ông là Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hà Minh Thám, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật.
Mới đây, chúng tôi được trò chuyện với Trung tướng Hà Minh Thám trong buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống Tổng cục Kỹ thuật (10-9-1974 / 10-9-2024). Vẫn giọng nói hào sảng và phong cách gần gũi như những lần gặp trước, ông vui vẻ kể về những kỷ niệm thời quân ngũ không quên của mình.
Sinh ra và lớn lên ở xã Vĩnh Hòa, huyện Ninh Thanh (nay là Ninh Giang và Thanh Miện) của tỉnh Hải Dương, ngay từ thời niên thiếu, chứng kiến lớp lớp trai làng xung phong ra tiền tuyến, trong lòng chàng trai Hà Minh Thám đã sớm hun đúc mong muốn được lên đường nhập ngũ, thực hiện trách nhiệm với Tổ quốc. Cuối năm 1972, khi đế quốc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, Hà Minh Thám mang lá đơn tình nguyện được viết bằng máu tới gặp lãnh đạo xã Vĩnh Hòa xin được nhập ngũ. Nhiệt huyết của người thanh niên vừa tròn 17 tuổi được chấp nhận. Sau 3 tháng huấn luyện và 4 tháng hành quân, Hà Minh Thám đã có mặt tại Khu 5 và tham gia chiến đấu nhiều trận trong đội hình tiểu đội trinh sát của Tỉnh đội Bình Định đến ngày miền Nam giải phóng.
Trung tướng Hà Minh Thám kể lại: "Tôi là một trong những người lính tình nguyện Việt Nam có mặt đầu tiên trên đất Campuchia và cũng là những người cuối cùng rút khỏi nước bạn. Tham gia hàng chục trận chiến đấu, trận nào cũng cam go và khốc liệt cả. Giữa sự sống và cái chết mong manh, chính tình đồng chí, đồng đội và khát vọng hòa bình đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả".
Nói đến kỷ niệm những ngày trực tiếp cầm súng chiến đấu của mình, Trung tướng Hà Minh Thám cho biết, với ông sâu sắc nhất là 11 năm, 3 tháng cùng đồng đội làm nhiệm vụ giúp nước bạn Campuchia. Chứng kiến người dân Campuchia phải hứng chịu sự khủng bố diệt chủng tàn khốc của chính quyền Pol Pot - Ieng Sary, bằng tinh thần quốc tế trong sáng của Bộ đội Cụ Hồ, Hà Minh Thám và đồng đội đã phối hợp với lực lượng cách mạng bạn lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, giải phóng đất nước Campuchia, củng cố chính quyền cách mạng. Hàng chục năm đã trôi qua, đến giờ ông vẫn không thể nào quên những giờ phút chỉ huy đơn vị giữ chốt bảo vệ biên giới Tổ quốc và giúp đỡ nhân dân nước bạn. Giữa lúc địch pháo kích điên cuồng, xung quanh không ngừng tiếng gầm rú của các loại súng pháo bắn phá vào chốt, bộ đội ta vẫn kiên cường bám trụ, hoàn thành nhiệm vụ. Chiến tích từ trận đánh này đến trận đánh khác trong những ngày chỉ huy chiến đấu ở biên giới Tây Nam và chiến trường Campuchia đã “tạo nên” phẩm chất anh hùng của ông.
Vị tướng nay đã gần ở tuổi thất thập kể, trong trận chiến đấu bảo vệ biên giới tại Đức Cơ vào giữa năm 1978, ông chỉ huy Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 95, Sư đoàn 307, Quân khu 5 chốt giữ điểm cao suốt 3 tháng liền, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tiêu biểu là các trận đánh: Ngày 14-9-1978, Đại đội phó Đại đội 5 Hà Minh Thám chỉ huy đơn vị chiến đấu, đồng thời trực tiếp sử dụng nhiều loại vũ khí đánh lui các đợt tiến công của địch. Trong lúc đang cơ động chiến đấu, ông bị một quả đạn cối nổ gần hất ra xa. Mặc cho máu và thương tích đầy mình, ông vẫn lao về phía tiền duyên trận địa để xử lý tình huống khi trung đội trưởng ở đó cũng vừa bị thương cho đến khi có lệnh rút lui bảo toàn lực lượng. Ông bị đến 12 vết thương trên cơ thể, buộc phải trở về tuyến sau điều trị. Nhưng chỉ sau 2 tháng dù chưa lành hẳn, Hà Minh Thám kiên quyết đề nghị cấp trên cho được trở về đơn vị chiến đấu.
Ngày 8 và 9-12-1984, đơn vị Hà Minh Thám được giao nhiệm vụ tiến công hướng chủ yếu Điểm cao 677 (núi Cụt). Là Bí thư chi bộ, Phó tiểu đoàn trưởng về chính trị Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 95 trong lúc bộ đội bị thương vong, đạn gần hết, ông đã động viên anh em giữ vững quyết tâm chiến đấu, bám trụ trận địa suốt 8 giờ liền. Gần một tháng sau, ông lại trực tiếp chỉ huy 2 đại đội chốt sau lưng địch. Kết thúc đợt chiến đấu này, ông và đồng đội đã diệt gọn 96 tên địch, bắt sống 42 tên.
Trong trận phục kích căn cứ Núi Hồng (Siem Reap, Campuchia), Hà Minh Thám tiếp tục khẳng định phẩm chất của một người anh hùng. Lúc này lực lượng địch có khoảng 300 tên từ biên giới Thái Lan theo đường mòn biên giới đang tiến vào nội địa. Ban chỉ huy Trung đoàn 95 khi ấy chỉ có Phó trung đoàn trưởng về chính trị Hà Minh Thám trực ở đơn vị. Không phụ lòng tin của trên, trận này Hà Minh Thám đã chỉ huy trung đoàn giành thắng lợi kép. Chỉ bằng một đòn đón lõng và sau 2 giờ chiến đấu, Trung đoàn 95 của ông đã diệt 93 tên địch, thu 96 súng. Không dừng ở đó, ông còn táo bạo tổ chức cho bộ đội cắt rừng tiếp tục truy kích địch.
Trung tướng Hà Minh Thám nhớ lại: “Đêm hôm đó, khi đã lệnh cho đơn vị lùi về phía sau củng cố lực lượng, tôi trằn trọc không ngủ được. Đêm đã khuya, trèo lên chòi quan sát, bất chợt tôi phát hiện trên trời thỉnh thoảng lại có một pháo hiệu xanh của địch bắn về hướng Tây Nam. Từ kinh nghiệm chiến đấu cùng sự hiểu biết địa bàn, tôi phán đoán khả năng địch sẽ về đồi Không Tên (trên hướng Tây Nam). Tôi lập tức triệu tập chỉ huy các tiểu đoàn để phổ biến kế hoạch tác chiến mới và ngay sáng hôm sau tổ chức cho bộ đội cắt rừng hành quân về hướng đồi Không Tên. Đúng như nhận định, địch mới đến khu vực này và đang tranh nhau lấy nước. Bị ta tiến công bất ngờ, chúng chạy tán loạn, bỏ lại nhiều xác chết và vũ khí, trang thiết bị chiến đấu”. Trận đánh này, Hà Minh Thám được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất và đây là tấm huân chương chiến công thứ tư trong 11 năm chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Với những thành tích đặc biệt trong chiến đấu, ngày 13-12-1989, Hà Minh Thám được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Trung tướng Hà Minh Thám nhiều lần nhấn mạnh rằng, chính tình đồng chí, đồng đội trong chiến đấu đã nuôi dưỡng, vun đắp lên ý chí, trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ của mình. Ông luôn tâm niệm, phải kiên quyết, thẳng thắn, nghiêm túc trong công việc, những nhiệm vụ đã đề xuất và được tập thể đồng tình thì phải quyết tâm, có biện pháp tổ chức để làm cho bằng được. Đồng thời, luôn quan tâm sẵn lòng giúp đỡ bạn bè, đồng chí, đồng đội, cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền cả về sự rèn luyện, phấn đấu trong công tác và tình cảm gia đình, cá nhân...
Thời chiến cùng như thời bình, cần phải quan tâm, chăm lo tốt cho đời sống cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền và gia đình họ khi khó khăn thì lúc có yêu cầu nhiệm vụ cao, lúc có chiến tranh họ mới sẵn sàng tận tâm tận lực thi hành nhiệm vụ. “Đó cũng chính là những bài học rút ra của bản thân tôi suốt mấy chục năm qua và mãi mãi nhớ ghi để phấn đấu, rèn luyện mình và vận dụng cụ thể vào thực hiện chức trách, nhiệm vụ từ khi đảm nhiệm cương vị trung đội trưởng đến cán bộ trung đoàn, sư đoàn, Chính ủy Quân đoàn 3 và sau này là Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật”, Trung tướng Hà Minh Thám khẳng định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét