Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2024

Không ngừng phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới

Giá trị cốt lõi của văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” là phẩm chất nhân cách người quân nhân cách mạng, một nét đẹp đặc trưng, đặc sắc của văn hóa quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, là sản phẩm riêng có của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam - Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, Bộ đội Biên phòng Lai Châu giúp nhân dân thu hoạch lúa. Ảnh: CTV

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, Bộ đội Biên phòng Lai Châu giúp nhân dân thu hoạch lúa. Ảnh: CTV

“Bộ đội Cụ Hồ” là tên gọi trìu mến, thân thương, rất đỗi tự hào, gần gũi mà nhân dân tin yêu, dành tặng cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; được tôn vinh, lan tỏa mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một danh hiệu cao quý, niềm vinh dự, tự hào của mỗi quân nhân được mang tên Bác Hồ - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ kính yêu - Người Cha già dân tộc; đồng thời là sự phản ánh cô đọngsâu sắc nhất bản chất, truyền thống tốt đẹp về Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng.

Trong tình hình mới, việc không ngừng phát huy, lan tỏa giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” có vị trí, vai trò rất quan trọng nhằm xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị, là cơ sở để xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiên đại; làm cho Quân đội ta luôn là lực lượng chính trị tin cậy, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng, củng cố thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

(Ảnh minh hoạ. Nguồn: Tư liệu)

(Ảnh minh hoạ. Nguồn: Tư liệu)

Lịch sử xây dựng và phát triển, chiến đấu và chiến thắng của Quân đi ta đã khẳng định giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” là nhân tố cốt lõi của đời sống văn hóa, tinh thần - xã hội, được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước sáng tạo, kết tinh trong quá trình xây dựng và đấu tranh cách mạng; phản ánh sâu sắc kết quả và kinh nghiệm thực hiện các chức năng nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và là đội quân lao động sản xuất; tiếp thu, kế thừa tinh hoa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa thời đại, trải nghiệm và tích lũy lâu dài trong lịch sử phát triển bền bỉ, dẻo dai, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, bất khuất và lập nên những chiến công hiển hách. Nhờ đó, đã hướng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta vươn tới đỉnh cao của khát vọng hòa bình - độc lập - tự do - ấm no - hạnh phúc; lan tỏa các giá trị chân - thiện - mỹ và sự tiến bộ xã hội; tạo nên những giá trị trường tồn của dân tộc trong thời đại mới.

Lịch sử 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Quân đội ta đồng thời là lịch sử của quá trình hình thành, phát triển và lan tỏa các giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ”, bởi ngay từ khi mới ra đời, người quân nhân cách mạng đã thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ, đã phấn đấu thực hiện tốt 10 lời thề danh dự của quân nhân và 12 điều kỷ luật thép mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân dành cho quân đội. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa lịch sử truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha và những thuộc tính bản chất của quân đội cách mạng kiểu mới, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; lấy mục tiêu, lý tưởng của Đảng, Tổ quốc làm lẽ sống, cống hiến. Nhờ đó, luôn xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Điều đó hoàn toàn song trùng và phù hợp với hệ giá trị văn hóa - đạo đức Bộ đội Cụ Hồ: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Hình ảnh

Hình ảnh "Bộ đội cụ Hồ" giúp nhân dân trong trận bão số 3 lịch sử tàn phá nặng nề vừa qua.

Cùng với toàn Đảng, toàn dân, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đem lại cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; được nhân dân tin yêu, giúp đỡ; bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Vì lẽ đó, giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” luôn có vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần xã hội Việt Nam; là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, động lực mạnh mẽ thôi thúc cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta rèn đức, luyện tài, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Giữ gìn, lan tỏa và không ngừng phát huy giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp yêu cầu nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là niềm vinh dự, tự hào và là trách nhiệm cao cả thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta.

Giá trị văn hóa người quân nhân cách mạng không chỉ là sự kết tinh, tỏa sáng phẩm chất, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong đời sống tinh thần - xã hội và trong công tác đảng, công tác chính trị mà còn là sự đúc kết, khái quát và nâng lên tầm cao mới, trở thành một tài sản văn hóa riêng có, thiêng liêng và tự hào, thấm sâu vào từng thành tố xây dựng Quân đội trong thời kỳ mới. Trong đó, những nét riêng có phản ánh tập trung, cô đọng nhất bản sắc truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam; sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa tính dân tộc và tính giai cấp, tính truyền thống và tính hiện đại trong tôi rèn bản lĩnh chính trị, trí tuệphẩm chất nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong toàn quân, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã phát huy tốt những giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong rèn luyện phấn đấu, luôn đứng vững “nơi đầu sóng ngọn gió”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều cơ quan, đơn vị đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng phong trào thi đua yêu nước, là mẫu hình về sự lan tỏa giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân, góp phần xây dựng Quân đội ta vững mạnh về chính trị và phát triển nhân cách con người mới XHCN trong lực lượng vũ trang.

Tuy nhiên, do tác động, ảnh hưởng của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, nhất là từ mặt trái của cơ chế thị trường; âm mưu, thủ đoạn, hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, một số ít cán bộ, chiến sĩ chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của quân nhân trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”; thiếu tự tin, tự giác trong rèn luyện, tu dưỡng... Điều đó gây ảnh hưởng đến uy tín, vị thế, phẩm chất nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”, làm phai mờ các giá trị văn hóa quân sự của người lính được mang tên Bác kính yêu.

Vì vậy, nhận diện đúng và kiên quyết đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, mọi biểu hiện tiêu cực trong tình hình hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là vấn đề cấp bách, mang tính quy luật của việc phát huy các giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, nhất là việc tham mưu, đề xuất giải pháp phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong điều kiện thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/1/2022 của Bộ Chính trị  Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2/4/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp...

Để đạt được mục tiêu đã xác định, những giải pháp cơ bản mà toàn quân đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung thực hiện có chất lượng, hiệu quả hơn nữa là:

Một là, không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ chính ủy, chính trị viên, cán bộ chính trị, đảng viên và người chỉ huy trong phát huy, lan tỏa giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.

Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị về việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người mới XHCN góp phần xây dựng QĐND Việt Nam thời kỳ mới.

Chiến sĩ sư đoàn 316, Quân khu 2 khẩn trương tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn người mất tích tại thôn Làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai).

Chiến sĩ sư đoàn 316, Quân khu 2 khẩn trương tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn người mất tích tại thôn Làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai).

 

Thường xuyên quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; trong đó, nắm vững 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới mà Nghị quyết số 847- NQ/QUTW đã xác định.

Đồng thời, rà soát, bổ sung biện pháp thực hiện Kế hoạch số 1349/KH-CT ngày 15/8/2022 của Tổng cục Chính trị về thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong QĐND Việt Nam. Có biện pháp xây dựng, củng cố niềm tin, ý chí quyết chiến quyết thắng cho cán bộ, chiến sĩ, giúp họ luôn có ước mơ, hoài bão, khát vọng phát triển, xây dựng mục tiêu, lý tưởng sống cao đẹp, đóng góp tích cực trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Cùng với đó, tiếp tục lan tỏa sâu rộng những mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, gương người tốt, việc tốt; tập thể điển hình, tiên tiến trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh. Qua đó góp phần nâng tầm cao giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” và làm cho giá trị văn hóa này thực sự trở thành một trong những di sản văn hóa của quốc gia - dân tộc.

Hai là, tiếp tục khơi dậy, lan tỏa phẩm chất, hình ảnh và phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Đẩy mạnh nghiên cứu, đưa nội dung phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” vào trong các nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, các kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị hằng năm. Xây dựng và đưa vào chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học, bổ sung nội dung giảng dạy các môn học xã hội và nhân văn; đặc biệt là các môn học: Văn hóa học quân sự, Triết học về văn hóa, Công tác đảng, Công tác chính trị... Triển khai nghiên cứu một số đề tài, chuyên đề khoa học các cấp có liên quan đến phát huy phẩm chất và văn hóa của “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới sát với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ cơ quan, đơn vị.

Sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học để biên soạn giáo trình, tập bài giảng, tài liệu học tập, viết và công bố các bài báo khoa học; làm phong phú các chuyên trang, chuyên mục báo chí, phát thanh và truyền hình quân đội. Đồng thời, tổ chức xây dựng, dàn dựng chương trình biểu diễn và phổ biến văn hóa nghệ thuật phục vụ nâng cao đời sống tinh thần của bộ đội và nhân dân bằng nhiều hình thức, phương tiện. Đẩy mạnh công tác sơ kết, tổng kết việc phát huy các giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” gắn với việc làm tốt công thi đua, khen thưởng.

Ba là, tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới” gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của toàn quân, toàn quốc và địa phương; tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh.

Phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại thể hiện ở kết quả thực hiện các tiêu chí về nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai thực hiện các thành tố, cấu trúc tạo nên giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”gắn với thực hiện tốt Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới” và kết hợp chặt chẽ việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua những cách làm hay, sáng tạo, phù hợp, hiệu quả của mỗi cơ quan, đơn vị.

Yêu cầu khách quan của việc phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” là phải có nội dung mới, hình thức mới và phương thức giáo dục, tuyên truyền mới. Chất lượng, hiệu quả phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh cần gắn chặt với việc đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng và thực hiện hiệu quả các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, của cơ quan, đơn vị, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm trong việc tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm cho giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trở thành niềm tin, lẽ sống, phương châm hành động của cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Đồng thời, nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, phòng, chống có hiệu quả tác động tiêu cực từ mặt trái cơ chế thị trường, của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”.

Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở đơn vị; chú trọng rà soát, bổ sung và cụ thể hóa mô hình, tiêu chí “đơn vị văn hóa” phù hợp với đặc điểm của đơn vị gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương.

Triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 3672/QĐ-BQP ngày 24/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa trong QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Quản lý chặt chẽ các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, bảo tàng quân đội; động viên, cổ vũ và phát huy mọi tiềm năng, sức mạnh tinh thần, trí tuệ của cán bộ, chiến sĩ, văn nghệ sĩ và các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn quốc phòng, Hội đồng quân nhân trong xây dựng môi trường văn hóa quân sự ở đơn vị.

Các đơn vị văn hóa nghệ thuật toàn quân đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu về mục đích, yêu cầu, nội dung, phương thức xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh để sáng tạo nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị, góp phần tôn vinh và tiếp tục lan tỏa hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.

Chủ động đấu tranh ngăn ngừa các sản phẩm văn hóa xấu độc xâm nhập vào cơ quan, đơn vị. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan văn hóa, thiết chế văn hóa của Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ban, bộ, ngành, địa phương để phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Chú trọng tôn tạo, xây dựng và đưa vào sử dụng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam; nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng Phòng Hồ Chí Minh, các di tích văn hóa dân tộc gắn với tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống đơn vị để nâng cao ý thức văn hóa cho bộ đội, nhất là thế hệ quân nhân trẻ.

Bốn là, đẩy mạnh đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các luận điệu xuyên tạc giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”, ngăn ngừa các sản phẩm văn hóa xấu độc xâm nhập vào các cơ quan, đơn vị; bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng - văn hóa của Đảng trong Quân đội.

Đẩy mạnh nghiên cứu dự báo, đánh giá đúng diễn biến tình hình, sự biến dạng của các âm mưu, thủ đoạn, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Nghiên cứu đề xuất các biện pháp đấu tranh, chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa âm mưu, thủ đoạn chống phá, tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng lợi dụng tác phẩm báo chí, văn hóa, văn học, nghệ thuật để xuyên tạc bản chất quá trình xây dựng Quân đội thời kỳ mới. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”. Cùng với việc trang bị các tri thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, cần không ngừng chủ động, tích cực trang bị những kiến thức cơ bản về lịch sử, truyền thống của dân tộc, của Quân đội và các giá trị, chuẩn mực đạo đức cách mạng và thang giá trị đạo đức về chân, thiện, mỹ...

Bộ đội giúp dân chống lũ ở đồng bằng sông Cửu Long _Ảnh: Hà Quốc Thái

Bộ đội giúp dân chống lũ ở đồng bằng sông Cửu Long _Ảnh: Hà Quốc Thái

Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”; lấy “xây” là cơ bản trong hoạt động phát huy, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả. Kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mọi lĩnh vực, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.

Tập trung xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật. Phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo, nhà giáo, văn nghệ sĩ. Phát hiện sớm và có biện pháp đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; kiên quyết không để phương hại đến phẩm chất cao đẹp và giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để biểu dương kịp thời những cơ quan, đơn vị thực hiện tốt, chấn chỉnh những đơn vị, quân nhân nhận thức lệch lạc, thiếu trách nhiệm trong xây dựng môi trường văn hóa quân sự, trong phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới là kết quả của quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Quân đội ta. Phát huy giá trị văn hóa này là niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Việc chủ động nghiên cứu tiếp thu, kế thừa, xây đắp phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân là nhân tố quan trọng làm cho giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” không ngừng tỏa sáng, góp phần xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng QĐND Việt Nam hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; làm cho Quân đội ta luôn là lực lượng chính trị tin cậy, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; mãi xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” - Bộ đội của Nhân dân./.

ST.

70 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng: Vang vọng non sông lời Bác dặn

Ngay sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ “Thủ đô kháng chiến”, ngày 19/9/1954, Bác Hồ đã về thăm Đền Hùng. Tại đây, Người đã căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Ngày 19/9/1954, tại Đền Giếng, một di tích trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Đền Hùng, Bác Hồ đã có buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 (Đại đoàn quân Tiên phong) trên đường về tiếp quản Thủ đô. Bác căn dặn: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. (Ảnh: Đinh Đăng Định/TTXVN)

Ngày 19/9/1954, tại Đền Giếng, một di tích trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Đền Hùng, Bác Hồ đã có buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 (Đại đoàn quân Tiên phong) trên đường về tiếp quản Thủ đô. Bác căn dặn: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. (Ảnh: Đinh Đăng Định/TTXVN)

VANG VỌNG NON SÔNG LỜI BÁC DẶN

Khắc ghi lời dạy của Bác, 70 năm qua, Phú Thọ cùng nhân dân cả nước đạt nhiều thành tựu to lớn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dù không trang hoàng sắc đỏ cờ, hoa, không tổ chức hội thi, hội diễn kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng do ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 nhưng triệu trái tim người con quê hương đất Tổ vẫn bồi hồi nhớ về Người với niềm kính yêu vô hạn.

Bà Nguyễn Thị Lan, cán bộ nghỉ hưu ở phường Minh Nông, thành phố Việt Trì cho biết, lời căn dặn của Bác những lần về thăm Đền Hùng vang vọng cả non sông, thấm sâu vào trái tim mỗi người Việt Nam, nhất là người dân đất Tổ. Cả chặng đường dài mấy ngàn năm lịch sử dân tộc đã được Bác đúc kết trong một câu nói như một sự tổng kết quy luật tồn tại và phát triển.

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ thông tin, năm 2024 là tròn 70 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng. Tỉnh dự kiến tổ chức nhiều hoạt động trọng thể, xứng tầm sự kiện lịch sử quan trọng này. Nhưng để tập trung phòng, chống lũ bão, khắc phục hậu quả thiên tai, Phú Thọ quyết định dừng khai mạc hoạt động trưng bày tư liệu, hiện vật và hội thi, hội diễn. Sở phối hợp các đơn vị liên quan sẽ tổ chức khi có điều kiện phù hợp. Các địa phương có Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tùy tình hình thực tế tổ chức dâng hương, báo công.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng số thời gian qua đã tăng cường đăng tải thông tin, tư liệu Bác Hồ về thăm Đền Hùng, tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Báo Phú Thọ mở chuyên mục “Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng (19/9/1954 - 19/9/2024)"; xây dựng phim tài liệu, phóng sự tuyên truyền thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh…

GÓP SỨC CÙNG DÂN TỘC LÀM NÊN ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Bác Hồ chọn Đền Hùng là nơi gặp gỡ, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong ngay trước khi về tiếp quản Thủ đô. Ngày 19/9/1954, tại đền Giếng, Đền Hùng, Người căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Khắc ghi lời dạy của Bác, trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ đã làm tròn nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ quê hương và trách nhiệm của "hậu phương lớn", huy động cao nhất sức người, sức của cho kháng chiến. Phú Thọ có 92.782 thanh niên lên đường nhập ngũ, 4.000 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong.

Cùng với lực lượng bổ sung cho quân đội, Phú Thọ tổ chức trên 600 đơn vị dân quân, du kích và tự vệ với gần 20.000 cán bộ, chiến sĩ; huy động hàng chục vạn lượt người phục vụ các chiến trường. Tỉnh huy động hàng triệu ngày công vận chuyển, sơ tán, cất giấu hàng hóa, sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom, giữ vững mạch máu giao thông; xây dựng hàng vạn hầm hào phòng không nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, cơ quan, đơn vị của Trung ương và đồng bào các tỉnh về sơ tán.

Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lực lượng dân quân, du kích, tự vệ tỉnh Phú Thọ phối hợp với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực đánh địch trong hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, lập nhiều chiến công oanh liệt. Quân và dân Phú Thọ trực tiếp chiến đấu 783 trận, bắn rơi 86 máy bay Mỹ, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Qua hai cuộc kháng chiến, toàn tỉnh 14.678 người con anh dũng đã ngã xuống trên khắp các chiến trường. Hiện toàn tỉnh có 11.593 thương binh, 4.068 bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, gần 52.000 người có công với nước... Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Phú Thọ vinh dự được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Những thành tích đó của quân và dân Phú Thọ đã góp phần cùng toàn dân tộc làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội; đưa chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" - ước nguyện cháy bỏng của Bác Hồ trở thành hiện thực.

Chú thích ảnh
Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong" tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. (Ảnh: TTXVN)

ĐƯA KINH TẾ - XÃ HỘI PHÁT TRIỂN VƯỢT BẬC

Lời nói thiêng liêng của Bác Hồ mang sức mạnh tinh thần to lớn đã trở thành kim chỉ nam, động lực để Phú Thọ vươn mình, đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, cơ sở hạ tầng đô thị thấp kém, công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn; đến nay, kinh tế của Phú Thọ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá so với cả nước và các tỉnh vùng Trung du, miền núi phía Bắc.

Đồng chí Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh triển khai nhiều giải pháp mang tính chiến lược, dài hơi nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Tỉnh tập trung thực hiện khâu đột phá cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao vào khu, cụm công nghiệp; không ngừng cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư…

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Phú Thọ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng mở rộng sản xuất giống có năng suất, chất lượng cao, phát triển sản phẩm đặc sản, cây trồng có giá trị kinh tế cao; khuyến khích phát triển trang trại, gia trại… Tỉnh có cơ chế khuyến khích phát triển nguồn nhân lực; giao quyền tự chủ từng phần cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp…

Đến nay, Phú Thọ vươn lên đứng thứ 3/14 tỉnh trong vùng về tốc độ phát triển kinh tế. GRDP bình quân đầu người đạt 65,4 triệu đồng, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố; đứng thứ 5/14 tỉnh ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Giá trị xuất nhập khẩu vươn lên đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố…

Nhờ vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách và tranh thủ mọi thời cơ, những năm gần đây, Phú Thọ huy động nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2021 - 2023, tỉnh huy động được 118,7 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển, đạt 74,2% so mục tiêu cả giai đoạn.

Dự kiến trong năm 2024 - 2025, tỉnh phấn đấu huy động vốn đầu tư phát triển đạt từ 90.000 - 100.000 tỷ đồng, riêng năm 2024 huy động đạt trên 50.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đã tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó nổi bật là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và hạ tầng du lịch, thương mại.

Tỉnh hoàn thiện xây dựng và mở rộng 7 khu công nghiệp, 21/28 cụm công nghiệp. Trong 3 năm qua, tỉnh thu hút 478 dự án đầu tư tư nhân (DDI), vốn đăng ký 56,9 nghìn tỷ đồng, 78 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đăng ký ước đạt 2.126 triệu USD.

Hoạt động đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Các chỉ số PAR INDEX, PCI, SIPAS, PAPI có tiến bộ về thứ hạng so giai đoạn trước.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu thông tin, thời gian tới, Tỉnh ủy tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; nâng cao năng lực, thái độ thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Phú Thọ phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân 7,5%/năm trở lên. Đến năm 2025, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm từ 82% trở lên; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,8 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt trên 190.000 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2025 đạt từ 10.000 tỷ đồng trở lên. Phú Thọ trở thành trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; Việt Trì là thành phố hiện đại, thông minh, địa chỉ hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi. Đến năm 2030, Phú Thọ trở thành trung tâm kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, thành phố Việt Trì trở thành trung tâm lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, địa danh mang tính biểu tượng hội tụ tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc./.

ST.