Chủ tịch Hồ Chí Minh
không chỉ là một lãnh tụ thiên tài, nhà hoạt động chính trị kiệt xuất, người
anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại mà Người còn là một nhà văn hoá lỗi lạc, một
danh nhân văn hoá thế giới. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ
Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá
mới Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá
nói riêng là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta.
Theo Hồ Chí Minh thì văn hóa có vai trò to lớn trong đời sống
của mỗi quốc gia dân tộc. Trước hết, văn hóa là mục tiêu, động lực của cách
mạng. Văn hóa là kiến trúc thượng tầng của xã hội, vì vậy việc lật đổ chế độ xã
hội cũ, xã hội thực dân phong kiến và xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ
nghĩa tốt đẹp là mục tiêu của văn hóa. Người cũng chỉ rõ “văn hóa phải soi đường
cho quốc dân đi”,
chính là khẳng định vai trò động
lực của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Thứ hai, Văn hóa
là một mặt hợp thành toàn bộ đời sống xã hội. Người nhấn mạnh: “trong công cuộc
kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề chú ý đến; cùng phải coi trọng ngang nhau:
chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Vì thế, văn hóa không thể đứng ngoài “mà
phải ở trong kinh tế và chính trị” và ngược lại kinh tế, chính trị cũng nằm
“trong văn hóa”. Thứ ba, Văn hóa là linh hồn, bản sắc dân tộc. Hồ Chí Minh cho
rằng, văn hóa không thể tách rời với quốc gia dân tộc, văn hóa trước hết là văn
hóa của một dân tộc, nó mang tâm hồn, diện mạo dân tộc, đó chính là bản sắc dân
tộc của văn hóa. Từ đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phương Đông hay Phương Tây có
cái gì hay, cái gì tốt ta phải học lấy”; song điều cốt yếu là “đừng biến ta
thành kẻ bắt chước”, và “đừng chịu vay mà không trả” - “cái gốc của văn hóa mới
là dân tộc”.
Ngày nay, toàn cầu hóa là một xu thế khách quan mà mọi dân
tộc, dù muốn hay không cũng đều chịu sự tác động của nó. Toàn cầu hóa đang đưa
lối sống của nhiều nước trên thế giới mà điển hình nhất là lối sống của các
nước Phương Tây vào nước ta. Lối sống ấy, tác động tích cực đến việc làm thay
đổi lối sống khép kín, cam chịu, phụ thuộc, ỷ lại vốn có của người Việt Nam
sang một lối sống cởi mở, năng động, tự lập, dám chịu trách nhiệm, phù hợp với
xu thế thời đại. Nhưng bên cạnh đó, trong lúc chúng ta tiếp thu lối sống đó một
cách thiếu định hướng, dẫn đến việc xa rời lối sống theo chuẩn mực văn hóa, đạo
đức dân tộc. Các công nghệ thông tin hiện đại đang truyền bá các giá trị thực
dụng phương Tây, sùng bái vật chất, cá nhân, vị kỷ, háo danh, đua đòi, ăn chơi
xa hoa, lãng phí, sống trụy lạc, thác loạn, ưa dùng bạo lực…, làm băng hoại các
giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc. Lối sống đó đang tác
động mạnh mẽ đến một bộ phận nhân dân, trong đó có cả tầng lớp cán bộ, đảng
viên và nhất là lớp trẻ - những người đang xây và những người sẽ xây dựng đất
nước. Nhiều cán bộ đảng viên nịnh trên, mắng dưới, đánh trống bỏ dùi, chỉ biết
bo bo giữ lấy những lợi ích của mình, vơ vét cho đầy túi, thỏa mãn cuộc sống cá
nhân. Trong đó có rất nhiều người mất hết cả nhân tính để thỏa mãn dục vọng, và
nấc thang danh vọng của mình đã đưa cả học sinh của mình làm “vật hiến tế” cấp
trên, cặp bồ, chơi gái và coi đó là chuyện đương thời… Đặc biệt, trong giới trẻ
hiện nay, nhiều học sinh, sinh viên bỏ học, ký nợ để “sống chung” với games,
net. Theo số liệu thống kê có 30,9% sinh viên đã vào các trang websex, và hiện
tượng “sống thử” cũng đang tồn tại khá phổ biến trong đời sống sinh viên… Đó
chính là biểu hiện của sự xuống cấp về lối sống của một bộ phận thanh, thiếu
niên Việt Nam, là biểu hiện của quan niệm “lệch chuẩn”, đối lập với quan niệm
văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa từ lâu đã trở thành
kim chỉ nam của Đảng trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản
sắc dân tộc. Trong tình trạng “báo động đỏ” về lối sống của một số cán bộ, đảng
viên và thanh niên hiện nay, chúng ta cần tăng cường vận dụng tư tưởng của
Người vào việc giáo dục nhân cách cho họ. Có thể nói, lối sống là tiêu chí đầu
tiên, tiêu chí tổng hợp nhất, thể hiện chất lượng văn hoá và trí tuệ của một
con người. Thực hiện tốt lời dạy của Người, chắc chắn chúng ta sẽ tạo dựng được
một lối sống lành mạnh, xây dựng được môi trường văn hóa tiến bộ; góp phần vào
sự phát triển chung của đất nước. Trong xu thế đối thoại giữa các nền văn hóa
trên thế giới hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa mãi mãi là ánh sáng soi
đường cho dân tộc ta trong quá trình xây dựng “nền tảng tinh thần của xã
hội”./.
THU THỦY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét