Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2019

TẬN DỤNG THỜI CƠ TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM


Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam đã nêu một tấm gương sáng và một hình mẫu đáng tự hào về tổng khởi nghĩa giành chính quyền cho các dân tộc bị đế quốc, thực dân nô dịch trên thế giới noi theo. Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã diễn ra với khí thế như một cơn lốc cực mạnh, không đầy hai tuần lễ đã lật nhào ách thống trị hàng trăm năm của đế quốc, đạp đổ ngai vàng phong kiến đã ngự trị hàng ngàn năm trên đất nước ta, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Một nhà nước tiến bộ nhất trong lịch sử nước ta và cũng là nhà nước tiến bộ nhất ở Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Sự thành công của Cách mạng Tháng Tám là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của một dân tộc anh hùng, bất khuất có lịch sử hàng ngàn năm chống phong kiến và ngót 100 năm chống ách thống trị của bọn đế quốc thực dân. Đó cũng là kết quả của 15 năm đấu tranh ( 1930-1945) của giai cấp công nhân và của toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói rằng, Cách mạng Tháng Tám giành được thắng lợi là nhờ sự hội tụ những điều kiện khách quan và chủ quan khác nhau, một trong những vấn đề đó chính là việc Đảng ta đã biết nhận định về thời cơ và chớp lấy thời cơ, Cách mạng Tháng Tám diễn ra đúng quy luật: Cách mạng không tự dưng nó đến mà phải chuẩn bị cho nó và phải biết giành lấy nó.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là biểu hiện mẫu mực của khoa học và nghệ thuật chính trị dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, trong đó nổi bật là khoa học, nghệ thuật chủ động chuẩn bị lực lượng, nắm bắt mau lẹ và chớp thời cơ một cách quyết đoán hiệu quả. Thời cơ là một hoàn cảnh thuận lợi đến trong một thời gian ngắn, đảm bảo một việc nào đó có thể tiến hành có hiệu quả. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin thì thời cơ trong cách mạng hay tình thế cách mạng có ba nhân tố chủ yếu sau:
Thứ nhất: Giai cấp thống trị đã suy yếu, khủng hoảng đến mức không thể tiếp tục thống trị bằng những phương thức cũ được nữa.
Thứ hai: Các giai cấp và tầng lớp bị trị bên dưới cũng rơi vào tình trạng cơ cực, bị bần cùng không thể chịu đựng được nữa, không thể sống nổi nữa. Mâu thuẫn đã gay gắt đến cực độ và quần chúng đã sẵn sàng đi tới hành động giải phóng.
Thứ ba: Tầng lớp, bộ phận trung gian, những người tri thức yêu nước có tư tưởng dân chủ tiến bộ, những người có tinh thần dân tộc, kể cả một bộ phận trong giai cấp hữu sản nhưng gần với quần chúng, nhận thức được xu thế lịch sử, ngã về phía cách mạng, tương quan lực lượng có lợi cho phía cách mạng. Đội tiên phong của cách mạng, tức Đảng lãnh đạo đã sẵn sàng lãnh đạo cách mạng.
Hội đủ những điều kiện đó, về cơ bản tình thế cách mạng đã chín muồi. Như vậy, một cuộc khởi nghĩa diễn ra thành công không phải dựa vào một âm mưu, một đảng phái mà phải dựa vào cao trào cách mạng của nhân dân, dựa vào một chuyển hướng lịch sử quyết định.
           Xét trên bình diện đó, chúng ta có thể nhận thấy ở Việt Nam vào đầu những năm 1940, đặc biệt sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra thất bại thì vấn đề thời cơ được bàn luận đến rất nhiều. Vào tháng 5-1941, trong Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ Tám tại Pắc Bó, Cao Bằng dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và quyền Tổng Bí thư Trường Chinh, Nghị quyết đã dự báo một cách chính xác về cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và hệ lụy của nó:“Nếu cuộc chiến tranh đế quốc lần trước đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc chiến tranh đế quốc lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó cách mạng nhiều nước thành công…” .Như vậy, thời cơ sẽ đến với nhiều nước trên thế giới khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, phần thắng nghiêng về Liên Xô và phe dân chủ. Đó là một khả năng làm xuất hiện thời cơ có lợi cho cách mạng nhiều nước, trong đó có cách mạng nước ta. Sang cuối năm 1941, đầu 1942, khi chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra, Nhật tràn vào Đông Dương thì lúc này khả năng đội quân kháng Nhật của Trung Quốc sẽ tràn vào đánh Nhật ở trên đất nước ta, lúc này, vấn đề thời cơ lại được nêu ra. Gần ba năm sau, tháng 10 năm 1944, cục diện chiến tranh thế giới thứ hai đã bắt đầu đi đến hồi kết, Hồng quân Liên Xô đã đánh lùi quân Đức ra khỏi biên giới Liên Xô và đang tiến qua Trung Âu, quân Nhật thất bại thảm hại ở chiến trường Thái Bình Dương. Trong thư gửi cán bộ và đồng bào, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh:“phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các nước đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng”. Từ sự phân tích trên, Người khẳng định:“cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh” .Tuy nhiên, “nhanh” nhưng không nóng vội, vì vậy Người đã chỉ thị thành lập đội “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” vào ngày 22 tháng 12 năm 1944.
Trong suốt đầu năm 1945, Trung ương Đảng luôn chú ý đến vấn đề “cuộc đảo chính của phát-xít Nhật” nhằm hướng công tác chuẩn bị của Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng chủ động đón nhận nó. Vì vậy, ngày 9 tháng 3 năm 1945, nhận thấy Nhật sắp lật Pháp đến nơi, đồng chí Trường Chinh đã triệu tập Hội nghị Ban thường vụ Trung ương mở rộng ngay trong tối 9 tháng 3 năm 1945. Hội nghị bắt đầu họp ở làng Đình Bảng (Từ Sơn – Bắc Ninh) thì phát xít Nhật nổ súng đánh Pháp ở Hà Nội và trên toàn Đông Dương. Hội nghị đoán trước sự thất bại của Pháp, thắng lợi tạm thời của quân đội Nhật và cuộc đảo chính sẽ tạo ra một tình hình khủng hoảng chính trị sâu sắc, làm cho những điều kiện khởi nghĩa của Đông Dương chưa chín muồi đang đi tới chín muồi nhanh chóng. Vì vậy, Hội nghị đã ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” vào ngày 12 tháng 3 năm 1945. Ðảng quyết định phát động cao trào kháng Nhật cứu nước. Giữa trưa ngày 13 tháng 8 năm 1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng các lực lượng Đồng minh trên sóng phát thanh của Nhật Bản. Người nhận thấy thời cơ có một không hai đã đến với dân tộc chúng ta, bởi vậy,“dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do độc lập!”. Lập tức, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và lệnh khởi nghĩa được ban ra kịp thời:“Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân dân Việt nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập cho nước nhà!… Chúng ta phải hành động cho nhanh với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”.
               Nghe theo tiếng gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu đồng bào trong cả nước nhất tề đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng. Trong vòng chưa đầy nửa tháng, các địa phương trên cả nước đã giành thắng lợi.Như trên đã nói, thời cơ xuất hiện và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Đối với cuộc cách mạng Tháng Tám, thời cơ tồn tại một cách khách quan trong vòng khoảng 20 ngày, bắt đầu từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng (ngày 13-8) và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta theo Hiệp định Pôt-xđam (ngày 5-9). Nếu phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc trước ngày 13-8 và sau ngày 5-9 đều không có khả năng thành công, bởi trước ngày 13-8, quân Nhật còn mạnh, nhân dân ta sẽ tổn hại nhiều xương máu, còn sau ngày 5-9, trên đất nước có nhiều kẻ thù (từ vĩ tuyến 16 trở ra là quân Tưởng - Mỹ, từ vĩ tuyến 16 trở vào là quân Anh và sau nó là quân Pháp trở lại xâm lược), cuộc cách mạng Việt nam sẽ mất đi thế chủ động và sẽ gặp nhiều khó khăn khác. Vì vậy, chỉ có thể giành chính quyền thắng lợi trong ngưỡng thời gian khắc nghiệt đó.
 74 năm đã trôi qua, nhưng bài học về nhận định thời cơ và chớp thời cơ cách mạng của Ðảng trong Cách mạng Tháng Tám 1945 vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Như vậy là tổng khởi nghĩa Tháng Tám diễn ra trong một thời gian ngắn chỉ trong vòng 2 tuần lễ đã dành được thắng lợi nhanh chóng, triệt để, ít đổ máu. Đó là do có sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân trong suốt 15 năm và trưc tiếp là cao trào kháng Nhật cứu nước, đó còn là kết quả về sự tài tình của Đảng ta trong việc tạo ra các điều kiện thời cơ chủ quan và biết đến thời cơ khả quan, tức là Đảng ta đã biết chuẩn bị cho nó và biết dành lấy nó.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét