Vừa qua, Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ công bố phúc trình thường niên về tệ nạn buôn người trên thế giới
năm 2018. Bản phúc trình xếp Việt Nam ở nhóm Tier 2 kèm thêm “watch”, tức cần bị
theo dõi trở lại.
Lý do đưa vào danh sách bị theo dõi trở
lại ghi trong bản phúc trình là “không đạt được những điều kiện tiêu chuẩn về
bài trừ cũng như giảm thiểu tệ nạn buôn người”. Bản phúc trình đánh giá: “Dù đã
nỗ lực đáng kể song Việt Nam không hoàn tất và không đáp ứng đúng mức yêu cầu
về những điều kiện, tiêu chuẩn tối thiểu trong công việc phòng chống buôn
người”.
Như vậy, sau 10
năm liên tục ở bậc 2 (không còn bị theo dõi) thì năm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
đưa lại vấn đề này khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về tính khách quan của báo
cáo và động cơ ở đây là gì?
Theo phúc trình,
Việt Nam đã áp dụng các điều khoản hướng dẫn Điều 150 và 151 Bộ luật Hình sự,
đã có sự tiến bộ trong việc truyền bá nâng cao ý thức phòng chống buôn người
trong các cộng đồng và địa phương dễ bị thương tổn, đã triển khai những cơ sở
giáo dục phòng ngừa, đã cởi mở hơn trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các tổ chức phòng
chống và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trong cũng như ngoài nước.
Thế nhưng, bản
phúc trình này cho rằng “bất kể mọi cố gắng, vấn đề buôn người vẫn tồn tại và
có phần nặng nề hơn trong hai năm trở lại đây”. Từ đó, phúc trình đã quy chụp
khi có những nhận xét rất sai lệch, cho rằng Việt Nam “không nghiêm túc trong
vấn đề điều tra, xử phạt theo luật pháp những hành vi lạm dụng xuất khẩu lao
động, đưa hàng loạt người ra nước ngoài mà không đảm bảo an toàn đời sống cũng
như công việc cho họ”.
Bên
cạnh đó là những cáo buộc có tính áp đặt, quy chụp Việt Nam không giải quyết
được tệ trạng nêu ra trước đây là “bạc đãi và cưỡng bức lao động” không công
đối với những người sử dụng ma tuý trong các trung tâm cai nghiện (trong khi
thực tế việc tổ chức lao động tại các trung tâm cai nghiện nhằm hỗ trợ việc cai
nghiện đạt kết quả tốt hơn, giúp người nghiện lao động, sản xuất, giảm thiểu
tác động từ ma tuý).
Sau
khi bản phúc trình được công bố, rất dễ nhận diện khi nhiều tờ báo có quan điểm
thù địch với Việt Nam đã đăng tải, đưa ra các bình luận, phỏng vấn cổ suý và
suy diễn. Người được phỏng vấn, lấy ý kiến đều là những cá nhân từng bị xử lý
theo pháp luật Việt Nam, có các hành động chống phá Nhà nước Việt Nam. Trên
mạng xã hội, nhân cớ này, các đối tượng bấu víu mặc sức “chém gió”, dùng những
câu từ miệt thị, đả kích Nhà nước, chế độ XHCN ở Việt Nam, thậm chí xuyên tạc
Việt Nam “dung túng” tội phạm buôn người.
Cùng
với đó là những nhận xét phiến diện của một số tổ chức, cá nhân. Đặt vấn đề
“Các tổ chức nước ngoài từng làm việc tại Việt Nam hơn 10 năm qua trong lĩnh
vực phòng chống nạn buôn người nghĩ sao về chuyện này”, Đài Châu Á tự do lấy ý
kiến của một số cá nhân, cho rằng: “Từ góc độ của những con số là vấn đề Việt
Nam đã lơi ra, không để nhiều tâm sức như những năm trước đây, thì bây giờ phải
rà trở lại”.
Để
hiểu rõ bản chất vấn đề, cần thấy thực trạng tệ nạn buôn người trên thế giới
hiện nay. Đây là vấn đề xuyên quốc gia và loại tội phạm này đang lan rộng khắp
thế giới chứ không phải là vấn đề riêng của quốc gia nào. Liên hợp quốc ước
tính rằng mỗi năm 700.000 đến 4 triệu phụ nữ và trẻ em bị buôn bán trên toàn
thế giới với mục đích ép buộc bán dâm, lao động và các hình thức bóc lột khác.
Buôn bán người được ước tính lên tới 7 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Buôn
bán người được định nghĩa là buôn bán tình dục trong đó hoạt động mại dâm bị ép
buộc bằng vũ lực; lừa gạt hoặc cưỡng ép, hoặc người tham gia hành vi đó chưa đủ
18 tuổi; tuyển dụng, chứa chấp, vận chuyển và quản chế một người nào đó để bóc
lột sức lao động hay làm dịch vụ thông qua việc sử dụng vũ lực, lừa gạt, cưỡng
ép với mục đích ép buộc lao động khổ sai, để trừ nợ, gán nợ, hoặc làm nô lệ…
Theo
thống kê của Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), các
cô gái chiếm 23% tổng số nạn nhân bị buôn bán. Con số dựa trên dữ liệu từ năm
2016, tăng cao hơn các năm 2014 (21%) và năm 2004 (10%). Theo báo cáo, các bé
trai chiếm 7% trong số nạn nhân buôn người, giảm so với năm 2014 (8%) và tăng
so với năm 2004 (3%). Như vậy, buôn người là vấn nạn có tính toàn cầu, nhất là
khu vực Á, Phi, Mỹ la tinh. Ngay cả các nước phát triển ở châu Âu, Bắc Mỹ, điều
này cũng không ngoại lệ.
Theo
báo cáo của UNODC, thời gian gần đây nổi lên tình trạng di cư từ các nước Trung
Mỹ qua Mexico vào Mỹ. Nghĩa là chính Mỹ cũng là nước chịu tác động mạnh từ hệ
quả nạn mua bán người, di cư bất hợp pháp.
Ở
khu vực Đông Nam Á, tại Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (từ ngày 24 đến
27-9-2018, tại Malaysia) và Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN lần thứ 12 (từ ngày
29-10 đến 2-11-2018) về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia đều đánh giá tình
hình tội phạm mua bán người và di cư trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp. Do
đó, không thể cáo buộc Việt Nam trong vấn đề có tính toàn cầu và phức tạp như
buôn người.
Xin
viện dẫn lại đánh giá của quốc tế về vấn đề này. Tại các phiên đối thoại thường
niên giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về quyền con người, nạn buôn bán
người được quan tâm đặc biệt. Phía EU đã ghi nhận các nỗ lực và thành tựu của
Việt Nam, đặc biệt là việc xây dựng nhà nước pháp quyền và hoàn thiện hệ thống
luật pháp về quyền con người; bày tỏ mong muốn tăng hợp tác với Việt Nam trong
lĩnh vực cải cách tư pháp, thực hiện Công ước chống tra tấn, phòng chống tệ nạn
buôn bán người và bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương.
Nhiều
cuộc hội thảo quốc tế, vấn đề này được các đại biểu đề cập và đánh giá cao nỗ
lực của Việt Nam (như hội thảo “Chiến lược phòng chống mua bán người, đặc biệt
là phụ nữ và trẻ em: Tăng cường tiếp cận thông tin và hệ thống bảo vệ cộng
đồng” tại Hà Nội, do Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ chương trình ưu tiên 2018
của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR).
Kết
quả của hội thảo giúp đạt được mục tiêu hỗ trợ các nạn nhân và những nhóm người
dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Các kết
quả và những sáng kiến mang tầm khu vực tại hội thảo được chia sẻ với các Ban
Thư ký quốc gia ASEAN để xem xét, thông qua và triển khai.
Tại
Việt Nam, năm 2018 xảy ra 211 vụ, 276 đối tượng, 386 nạn nhân, trong đó, nổi
lên tình hình hoạt động và phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mua bán
người.
Trước
thực trạng đó, thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đã bám sát mục tiêu,
yêu cầu nhiệm vụ, kịp thời ban hành chương trình, kế hoạch phân công nhiệm vụ,
thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; góp phần kéo giảm tình hình hoạt động tội phạm
mua bán người. Trong nhiều năm liền, Việt Nam được Liên hợp quốc xếp vào Nhóm 2
không còn bị theo dõi.
Việc
phòng chống mua bán người được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, sự vào cuộc
của cả hệ thống chính trị, tiến hành trên rất nhiều lĩnh vực. Lực lượng Công
an, chủ công là Cảnh sát Hình sự phối hợp với Bộ đội Biên phòng các cấp xây
dựng và phối hợp triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, điều tra theo tuyến, địa
bàn trọng điểm, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp với tuần tra, kiểm
soát và quản lý xuất nhập cảnh qua biên giới. Tổ chức triển khai thực hiện cao
điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.
Cơ
quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với cơ quan chức năng nước sở
tại nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và giải cứu nạn nhân, bảo vệ quyền
lợi hợp pháp, hồi hương công dân Việt Nam là nạn nhân bị mua bán trở về nước.
Như
vậy, việc phòng chống tệ nạn mua bán người được Việt Nam đặc biệt coi trọng, sự
vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, toàn xã hội. Còn những tồn tại trong
vấn đề này là khó khăn chung mà các nước cũng đang đối mặt, hoàn toàn không
phải Việt Nam “lơ là” như quy chụp của bản phúc trình và những cá nhân thiếu
thiện chí. Với sự thực hiển nhiên như thế, rõ ràng bản phúc trình của Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ đã nhìn nhận, đánh giá sai lệch, gây những hiểu lầm và tạo cớ để
các thế lực xấu mượn cớ suy diễn, xuyên tạc tình hình.
Nguyễn Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét