Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết nhóm tàu Hải Dương 8 đã rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ hôm 7/8.
Trả lời câu hỏi về hoạt động của tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng biển của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 8/8 cho biết: "Chiều 7/8, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã dừng hoạt động khảo sát địa chất và rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi".
“Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như đã xác lập tại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
“Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp phù hợp đúng pháp luật”, bà Hằng nói.
Theo người phát ngôn, Việt Nam đề nghị các nước tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam.
Việt Nam cũng luôn thể hiện, khẳng định thiện chí sẵn sàng thông qua đối thoại, trao đổi với các nước liên quan để xử lý bất đồng, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển tại Biển Đông, cũng như vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia.
Trước đó, trong tuyên bố đưa ra hôm 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết trong những ngày qua nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 khi đó có hai tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống, một trong hai tàu đó nặng 12.000 tấn là một trong những tàu tuần duyên lớn nhất châu Á.
Theo China Daily, tàu Hải Dương Địa chất 8 có chiều dài 88 mét, có thể chạy hành trình dài 16.000 hải lý và có tốc độ tối đa trên 15 hải lý/giờ. Tàu được trang bị công nghệ tạo ra hình ảnh ba chiều có độ phân giải cao về cấu trúc địa chất của đáy biển.
Đến ngày 5/8, Cục Hải sự Trung Quốc phát đi hai cảnh báo hàng hải về hoạt động "huấn luyện quân sự" tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lần lượt diễn ra trong hai ngày 6-7/8.
Theo các thông báo vắn tắt, cuộc tập trận thứ nhất diễn ra trong các khung giờ 9h30-11h30 và 15h-18h ngày 6/8, trong khi cuộc tập trận thứ hai diễn ra từ 15h tới 17h ngày 7/8. Tọa độ được nêu trong các thông báo cho thấy khu vực tập trận nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm đóng phi pháp từ năm 1974.
Phản ứng trước động thái này, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết ngày 7/8, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp và trao công hàm phản đối hành động vi phạm nêu trên của phía Trung Quốc.
"Việc Trung Quốc tiến hành các cuộc huấn luyện quân sự ở Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này", thông cáo của Bộ Ngoại giao dẫn lời bà Hằng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét