Tin giả (tin thất thiệt, tin “vịt”...) là một thuộc tính, mặt trái của môi trường thông tin. Tin giả xuất hiện và tồn tại do tâm lý tò mò, hiếu kỳ của một bộ phận công chúng. Nó là tác nhân gây hại đời sống văn hóa tinh thần, là phương tiện để kẻ xấu lợi dụng “đục nước béo cò”.
Trong bối cảnh cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cam go, tin giả được các thế lực thù địch, phần tử phản động triệt để khai thác, lợi dụng như một chiêu bài để chống phá Đảng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Nó phát triển theo những “biến chủng” mới, nguy hiểm cả về cấp độ và tính chất...
Những cấp độ “biến chủng” của tin giả
Trong môi trường thông tin, truyền thông hiện nay, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, là mảng đề tài trọng tâm, chiếm phần lớn diện tích, lưu lượng thông tin của các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội (MXH). Bên cạnh những thông tin chủ lưu về tình hình dịch bệnh, diễn biến, hiệu quả chống dịch ở các cấp, các ngành, các địa phương... không gian mạng liên tục xuất hiện tin giả. Hệ thống hóa những loại tin giả xuất hiện trên không gian mạng thời gian qua, chúng ta thấy rõ quy luật và những diễn biến của nó, giống như những “biến chủng” của loại virus nguy hiểm.
Website www.11384vn.com giả mạo Cổng thông tin Bộ Công an. Ảnh: tingia.gov.vn. |
Để có cái nhìn mang tính hệ thống và cụ thể về vấn nạn tin giả nhằm làm rõ vấn đề trên, chúng ta cùng điểm qua một số dẫn chứng trong khoảng thời gian từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát tại TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam, cuối tháng 5-2021 đến nay.
Cấp độ đầu tiên, đó là những tin giả liên quan đến đời sống kinh tế-xã hội (KT-XH). Đối tượng tung tin giả nhằm mục đích gây hỗn loạn thị trường, gây bất ổn đời sống nhân dân. Ngay trước thời điểm TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, đời sống xã hội ngay lập tức xuất hiện tin giả, lan truyền về việc thị trường sẽ khan hiếm hàng hóa, giá cả sẽ tăng đột biến. Thông tin thất thiệt này đã lừa được một bộ phận người dân. Nhiều người đổ xô đi mua hàng dự trữ, gây sốt giá cục bộ. Khi TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cách ly xã hội toàn thành phố, những tin giả tương tự tiếp tục xuất hiện. Để dẫn dụ niềm tin của công chúng, đối tượng tung tin giả đã tinh vi thực hiện cách đưa tin và truyền tin theo kiểu tin từ “nội bộ cơ quan nhà nước”, giả mà như thật. Thêm một lần nữa, một bộ phận công chúng lại sa bẫy...
Tuy nhiên, những tin giả dạng này đã được chặn đứng kịp thời. Cơ quan chức năng ngay lập tức lên tiếng bác bỏ, nên hậu quả đối với đời sống xã hội là không đáng kể. Hiện thực đời sống KT-XH, trọng tâm là thị trường hàng hóa và hệ thống chuỗi cung ứng đến tận tay người tiêu dùng chính là bằng chứng sinh động, thuyết phục nhất chặn đứng sự lây lan, ảnh hưởng của những tin giả nói trên.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, số ca nhiễm ở tâm dịch TP Hồ Chí Minh tăng lên từ 3 đến 4 con số mỗi ngày, các đối tượng tung tin giả lập tức tăng cấp độ như một “biến chủng” mới. Chúng chuyển hướng nhắm vào nỗi lo lắng, sợ hãi, bất an của người dân bằng thủ đoạn “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Những hình ảnh về cái gọi là “xác người chết vì Covid-19 chất đầy trong phòng” hay “người dân tự thiêu để phản đối công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Thủ Đức”, “chống dịch hay chống dân”... gây cảm giác rùng rợn đối với người xem. Và cũng như trước đó, cơ quan chức năng đã nhanh chóng tìm ra sự thật, kịp thời lên tiếng bác bỏ, ổn định tình hình.
Số lượng tin giả xuất hiện trên không gian mạng trong giai đoạn cả nước đang căng sức chống đại dịch Covid-19 là không hề nhỏ. Bên cạnh những tin giả do một số đối tượng thực hiện nhằm mục đích vụ lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đa số những dạng tin giả phát triển theo những “biến chủng” như trên đều có yếu tố nước ngoài. Khi nguồn tin giả được tán phát từ máy chủ đặt ở nước ngoài, hoặc của người dùng MXH hải ngoại, cơ quan chức năng chỉ xác định tính thực-hư của thông tin, rất khó để điều tra xử lý đối tượng tung tin giả. Đối với dạng tin giả do một số đối tượng cực đoan, chống đối trong nước thực hiện, dưới sự điều khiển, cấu kết của các thế lực bên ngoài, cơ quan chức năng đã kịp thời điều tra, xử lý nghiêm minh. Đơn cử, đối tượng Phan Vũ Điệp Anh, sinh năm 1961, ngụ tại phường 19, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, vừa bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Bình Thạnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hai tháng để điều tra theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Phan Vũ Điệp Anh chính là đối tượng tung tin giả về vụ “người dân tự thiêu để phản đối chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống Covid-19”. Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan chức năng cho thấy, Phan Vũ Điệp Anh là đối tượng thường xuyên có hành vi viết bài, tán phát các thông tin có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước lên MXH...
Những đối tượng như Phan Vũ Điệp Anh cần được xử lý nghiêm khắc để tăng hiệu quả răn đe, siết chặt kỷ cương, tinh thần thượng tôn pháp luật của công dân.
Trang bị “vaccine” phòng ngừa cho công chúng
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông tại Công văn số 2765 ngày 23-7-2021, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật đang có chiều hướng gia tăng. Nội dung của các loại tin giả tập trung chủ yếu vào việc kích động mâu thuẫn vùng, miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vaccine Covid-19; xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vaccine của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương...
Các loại tin giả đều mang nội dung, thông điệp xấu độc. Thông qua những tin giả trên không gian mạng, nhiều phương tiện truyền thông phát tiếng Việt ở hải ngoại và hàng loạt tài khoản MXH từ nước ngoài đã thực hiện chiến dịch truyền thông rầm rộ, thể hiện rõ âm mưu, chiến lược chống phá, làm mất niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, quyết sách chống dịch của Đảng và Chính phủ. Đáng chú ý là những thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa... có nội dung tiêu cực, đã được truyền thông phản động triệt để khai thác. Chúng coi đây là những chất liệu, bằng chứng để lợi dụng kích động, xuyên tạc, thổi phồng hiện tượng, quy chụp bản chất, phủ nhận sạch trơn vai trò lãnh đạo của Đảng trong lãnh đạo toàn dân chống dịch.
Như phần đầu bài viết đã nêu, tin giả là một thuộc tính, mặt trái của môi trường thông tin. Đời sống KT-XH càng khó khăn thì tin giả càng nhiều, bởi làm cho đất nước suy yếu là mục tiêu không bao giờ thay đổi của các thế lực thù địch. Vì vậy, rất khó để ngăn chặn sự xuất hiện của tin giả, nhất là khi nguồn gốc của các loại, dạng tin giả có yếu tố nước ngoài.
Bên cạnh hoàn thiện các chế tài pháp luật và nền tảng công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý, phát hiện, ngăn chặn các thông tin xấu độc, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tán phát tin giả... cần phải đặc biệt coi trọng nâng cao toàn diện kỹ năng, khả năng “miễn dịch cộng đồng” trước các thông tin thất thiệt. Đây chính là loại “vaccine” phòng ngừa hiệu quả sự tấn công của tin giả và những “biến chủng” ăn theo do các thế lực thù địch và những phần tử phản động trong và ngoài nước cấu kết tán phát, xuyên tạc, chống phá. Nếu chỉ trông chờ vào sự can thiệp của pháp luật và trách nhiệm của cơ quan chức năng các cấp mà bỏ qua vai trò chủ động từ trận địa thông tin ở cơ sở, chúng ta sẽ có những “khoảng trắng” thông tin cho kẻ thù lợi dụng.
Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương về nhiệm vụ chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đi nhắc lại nhiều lần về việc phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của hệ thống chính trị ở cơ sở. Cần hiểu rằng, sự nhấn mạnh yêu cầu của Thủ tướng là nhằm tạo sức mạnh tổng hợp từ cơ sở, trong đó có “lá chắn” thông tin xấu độc.
Trước những khó khăn, thách thức từ dịch bệnh, vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên các tổ chức quần chúng từ mỗi khu phố, khu chung cư, tổ dân phố... đã phát huy khá hiệu quả. Nổi bật là chăm lo an sinh xã hội, giữ gìn trật tự trị an, vận động người dân tự giác chấp hành các quy định phòng, chống dịch... Tuy nhiên, sẽ là phiến diện, bất cập nếu chúng ta cứ mải mê với những công việc, phần việc cụ thể hằng ngày về phát quà từ thiện, hỗ trợ gia đình khó khăn... mà bỏ quên đời sống văn hóa trên không gian mạng. Đại đa số các mô hình công tác xã hội ở cơ sở đều tận dụng tiện ích công nghệ thông minh thành lập các nhóm trao đổi, bàn bạc công việc, tâm sự chuyện riêng tư. Hãy biến không gian ấy thành môi trường giáo dục, môi trường văn hóa lành mạnh để chung tay nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, ngăn chặn thông tin thất thiệt. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều tin giả, tin thất thiệt xuất hiện ngay ở cơ sở, nhưng hệ thống chính trị từ tổ dân phố, khu phố, phường, xã... lại thụ động trong giáo dục, ngăn chặn. Một trong những việc cần làm hiện nay là nhắc nhau và nhắc người khác sử dụng công nghệ thông minh bằng chính sự thông minh, tỉnh táo của người dùng. Tuyệt đối không quay, chụp, chia sẻ, lan truyền những clip, hình ảnh, bài viết, dòng trạng thái... có nội dung tiêu cực, những thông tin đi ngược lại ý chí và lợi ích chung của Đảng và nhân dân...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét