Từ năm 1983, Ấn Ðộ phát động Cách mạng xanh lần thứ hai, với mục tiêu "thay đổi về chất" trong sản xuất nông nghiệp, tiếp tục nghiên cứu, tạo ra các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu dịch bệnh; áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, nhằm tạo ra năng suất, sản lượng lương thực cao hơn; mở rộng việc cung cấp các yếu tố đầu vào và dịch vụ cho nông dân.
Năm 1991, khi Ấn Ðộ bắt đầu công cuộc cải cách toàn diện nền kinh tế, nông nghiệp được coi là lĩnh vực trọng tâm. Xuất phát từ nhận thức sâu sắc rằng, cải cách nông nghiệp một cách toàn diện có thể làm cho kinh tế tăng trưởng bền vững, xã hội ổn định thật sự. Hàng loạt những biện pháp được Chính phủ áp dụng, trong đó tập trung vào ba điểm chính: áp dụng công nghệ và kỹ thuật canh tác mới; Quản lý, điều phối nguồn nước tưới tiêu và bảo đảm thu nhập tăng và đời sống tốt hơn cho nông dân. Công nghệ và kỹ thuật canh tác mới đối với nông nghiệp là yếu tố hàng đầu, có vai trò quan trọng trong việc tăng sản lượng lương thực.
Ðối với một nước đông dân như Ấn Ðộ, việc bảo đảm an ninh lương thực là vấn đề lớn của quốc gia. Theo dự báo, đến năm 2020, dân số của Ấn Ðộ sẽ tăng lên 1,4 tỷ người. Ấn Ðộ cần 300 triệu tấn lương thực một năm, phải duy trì mức tăng sản lượng lương thực liên tục ở mức 6% mỗi năm. Nước là yếu tố hàng đầu trong nông nghiệp, đặc biệt trong trồng lúa nước.
Ấn Ðộ có hai lưu vực sông lớn, phía bắc, có lưu vực sông Hằng cùng với sông Jamuna và một số con sông khác, dẫn nước mưa và tuyết tan vào mùa hè từ dãy Himalaya vào vịnh Bengal. Lượng nước dư thừa ở phía bắc tới 34%, đây là hệ thống tưới tiêu chính và cũng là nguồn gây ra lụt lội vào mùa mưa.
Một hệ thống năm sông lớn khác bắt nguồn từ Himalaya chảy qua bang Punjab đổ ra biển Ả-rập. Lưu vực sông miền nam bảo đảm nước sinh hoạt và tưới cho bán đảo Ấn Ðộ. Dù có bốn con sông lớn chảy xuống bán đảo Ấn Ðộ, hằng năm khu vực này vẫn thiếu khoảng 20% lượng nước cần thiết. Trong 50 năm qua, ít nhất đã ba lần Ấn Ðộ có ý định thực hiện dự án sông nhân tạo với chi phí khoảng 200 tỷ USD, nhưng phải dừng lại do nhiều lý do.
Ấn Ðộ đang thực hiện dự án nhỏ hơn, chuyển lượng nước dư thừa ở miền bắc sang hướng tây. Theo đó nối 14 con sông lớn ở vùng núi Himalaya của Ấn Ðộ với 17 con sông lớn nhỏ ở miền nam; một con kênh dài khoảng 2.500 km dẫn nước từ miền bắc cung cấp khoảng 1.000 tỷ m3 nước hằng năm cho từ 25 đến 30 triệu ha lúa ở miền tây và tây-nam, góp phần làm tăng sản lượng lương thực của Ấn Ðộ hằng năm thêm 50-60 triệu tấn. Ðiều quan trọng hơn là Ấn Ðộ sẽ chế ngự được các dòng sông thường gây lụt vào mùa mưa. Tổng chi phí cho dự án này khoảng 40 tỷ USD thực hiện trong vòng 15 năm. Khi dự án hoàn thành, Ấn Ðộ có thể sản xuất khoảng 450 triệu tấn lương thực (trị giá 60 tỷ USD) hằng năm vào năm 2050, bảo đảm lương thực cho khoảng 1,5 tỷ dân và xuất khẩu.
Thu nhập của nông dân Ấn Ðộ còn có cách biệt lớn. Những người sở hữu nhiều ruộng đất giàu có, được hưởng sự trợ giúp tốt hơn, tiếp cận với nhiều nguồn vốn và nhiều khả năng tiếp thu, áp dụng thành tựu của khoa học và công nghệ. Những người sở hữu ít ruộng đất chiếm đa số, còn rất nghèo. Ðể bảo đảm thu nhập tốt hơn cho những nông dân nghèo, Chính phủ Ấn Ðộ thực hiện nhiều chính sách, biện pháp, phát triển hạ tầng nông thôn, cơ cấu giá cả, bảo đảm thu nhập công bằng cho nông dân, nâng cao năng suất nông nghiệp, cải thiện mức sống cho nông dân.
MLN. Nh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét