Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021

 

CẨN TRỌNG TRƯỚC "MA TRẬN" TIN GIẢ VỀ DỊCH COVID-19

Những ngày này, khi cả nước đang gồng mình, chung tay đồng lòng chống dịch Covid-19 thì vẫn có không ít người thiếu ý thức, đăng tải nhiều thông tin sai lệch, bóp méo, xuyên tạc trên mạng xã hội làm rối loạn thông tin, gây hoang mang trong dư luận.

*Ma trận tin giả

Những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh thời gian qua diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Cùng với thói quen chia sẻ thông tin tùy tiện, không kiểm chứng và thiếu trách nhiệm, không ít người vô tình đã tiếp tay cho những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt theo cấp số nhân và sự nguy hiểm của nó không thua vi-rút gây ra SARS-CoV-2.

Ngày 03/3/2020, nam thanh niên sinh năm 1991, đang tạm trú tại Phường 8, thành phố Mỹ Tho sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng thông tin "Giờ đi Sài Gòn không dám đi xe khách luôn. Nghe chị bạn nói, có 01 bé gái có biểu hiện sốt, sổ mũi, ho và được Công an xã Tân Thuận Bình với Y tế xã cho theo dõi cách ly rồi". Những thông tin kiểu "chém gió", nhằm mục đích "câu view, câu like" như thế tưởng chừng vô hại lại gây hậu quả rất nghiêm trọng. Mặc dù những thông tin là giả và ở trên không gian ảo nhưng lại khiến nhiều người hoảng loạn, mất ăn, mất ngủ, thậm chí hoang mang gom hàng hóa tích trữ là có thật.

Hay như trường hợp tối 15/02/2021, trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp văn bản tờ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. Tên người ký văn bản là ông Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở, nhưng thực tế, ông Oanh đã nghỉ hưu từ tháng 8/2020. Đến sáng 16/02, một số tài khoản mạng xã hội tiếp tục đăng hình giả mạo Công văn số 173/SGDĐT-TCHC của Sở GD-ĐT Tiền Giang quyết định việc kéo dài thời gian nghỉ học cho học sinh, sinh viên đến hết tháng 02/2021. Nhiều phụ huynh nháo nhào, hoang mang vì cứ nghĩ văn bản này là thật. Những phụ huynh nghi ngờ văn bản giả mạo thì cũng điện thoại, nhắn tin cho giáo viên, nhà trường để hỏi xem con em mình tiếp tục nghỉ hay đi học.

Ngày 06/6 vừa qua, nhiều trang Facebook lại có thông tin cảnh báo: "Hiện nay, xuất hiện số điện thoại 1088 1119 và số 018001119 (có số 0 ở đầu), giả mạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch để tiến hành lừa đảo. Đã có nhiề̀u người bị gọi, hỏi thăm và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng. Mọi người lưu ý không bắt máy khi nhận cuộc gọi từ số điện thoại này nhé". Tuy nhiên, không đúng như thông tin cảnh báo, số điện thoại 018001119 là đầu số tự động của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19, thực hiện cuộc gọi tự động để cập nhật dữ liệu sức khỏe cộng đồng. Những thông tin "cảnh báo sai sự thật" thế này khiến nhiều người tỏ ra e ngại không bắt máy và cung cấp thông tin, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

*Tỉnh táo trước thông tin giả

Trước tình trạng nhiều thông tin giả về tình hình dịch Covid-19 gây hoang mang dư luận, mới đây Bộ Công an đã hướng dẫn người dân các kỹ năng để nhận biết thông tin không đúng trên không gian mạng. Theo đó, Bộ Công an khuyến cáo người dân khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp chia sẻ, phát tán, bịa đặt thông tin sai sự thật, vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 đã bị xử phạt nghiêm minh, thậm chí có thể xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội vi phạm điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Tùy theo tính chất và mức độ, hành vi này có thể sẽ bị xử phạt tối đa 30 triệu đồng theo quy định tại Điều 101, 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Thậm chí, hành vi vi phạm này có thể bị xử lý hình sự, như Điều 288, Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 01 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 02 - 07 năm.

Đối với nam thanh niên ở Phường 8, thành phố Mỹ Tho đăng thông tin gây ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh trật tự và công tác phòng, chống dịch Covid-19 đề cập ở trên, Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh phối hợp Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang đã mời làm việc. Nam thanh niên này đã thừa nhận hành vi đăng tải thông tin trên mạng xã hội là sai sự thật. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử lý theo quy định của pháp luật. Hành vi đăng thông tin sai sự thật, nhất là thông tin về dịch Covid-19 cần được xử lý nghiêm khắc nhằm tăng tính răn đe, đồng thời làm gương giáo dục trong cộng đồng xã hội.

Dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, hơn lúc nào hết những thông tin liên quan đến đại dịch này đang được người dân hết sức quan tâm. Đó cũng là lý do khiến những thông tin xấu, độc, gây hoang mang cho người dân diễn ra ngày càng phức tạp và gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội. Mới đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã có khuyến cáo người dân nên chọn lọc thông tin từ các nguồn chính thống để đảm bảo việc phòng, chống dịch được thực hiện tốt. Ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong trận chiến chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, thì rất cần có sự chung sức, đồng lòng của người dân trong việc lên án những hành vi sai phạm và không chia sẻ những thông tin xấu, góp phần loại bỏ những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét