Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021

 

HIỆU ỨNG ĐÁM ĐÔNG - CON DAO HAI LƯỠI

 

Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - kỹ thuật, các ứng dụng khoa học - công nghệ liên tục được sử dụng vào thực tế, bạn chỉ cần ngồi một chỗ, sử dụng một loại phương tiện cố định, có thể khiến cho một số đông người hoặc đồng ý, hoặc phản ứng với ý tưởng của bạn, hoặc sẽ biến ý tưởng ấy trở thành hiện thực trong quãng thời gian chỉ tính bằng... giây. Và với cái hiệu ứng đám đông mỗi khi tham gia vào một sự kiện như thế, nếu không tỉnh táo phân tích kỹ bản chất vấn đề, sẽ cực kỳ có hại.

Hiệu ứng đám đông có thể được hiểu là những suy nghĩ hoặc hành vi của con người thường xuyên chịu ảnh hưởng của những người khác. Người ta thường chạy theo những cái mà số đông cho là hay, đúng và sáng suốt, nhưng bản thân lại không suy nghĩ về ý nghĩa của sự việc. Đây là trạng thái tâm lý khá phổ biến ở mọi lứa tuổi trong xã hội. Như tất cả yếu tố khác thuộc về cuộc sống, xã hội, hiệu ứng đám đông cũng ẩn chứa trong nó 2 khía cạnh: tích cực và tiêu cực. Hiệu ứng đám đông có sức mạnh liên kết, thôi thúc, khích lệ con người cùng tạo ra những hành vi dẫn đến một xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng nếu rơi vào tiêu cực, hiệu ứng đám đông có thể gây nên những hậu quả rất tai hại, thậm chí có thể giết chết một con người theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Nhìn từ góc độ đánh giá con người, hiệu ứng đám đông có thể tạo ra tác dụng tích cực như động viên, khích lệ con người vươn lên, đạt được những kết quả tốt đẹp hơn. Khi sự ghi nhận, khi sự tin tưởng không chỉ đến từ một cá nhân mà từ cả tập thể, nó sẽ có sức mạnh liên kết thực sự, thôi thúc con người, thậm chí tạo ra áp lực buộc con người phải không ngừng nỗ lực để xứng đáng với sự đánh giá đó, xứng đáng được là thành viên của tập thể đó.

Tuy nhiên, mặt trái tiêu cực của hiệu ứng đám đông cũng không ít. Nhất là trong thời đại internet phát triển, mạng xã hội lên ngôi như hiện nay. Bất kể sự việc đã kiểm chứng hay chưa, nhiều người cứ phán xét như đúng rồi. Thế là hàng trăm, hàng nghìn người like, bình luận, chia sẻ tạo nên hiệu ứng đám đông thật khủng khiếp, gây nên nhiều phiền toái, oan ức. Hiệu ứng đám đông có thể tạo ra phản ứng dây chuyền của những nội dung đánh giá phiến diện, thiếu khách quan đối với mỗi người. Một khi bị chi phối bởi sự sai lệch, “số đông” không còn đứng về phía lẽ phải, thì những nhận định, đánh giá của số đông về một cá nhân, hành động sẽ gây nên những hậu quả lớn. Nó có thể “dập tắt” mọi niềm tin, sự say mê, cố gắng, những mong muốn được cống hiến, đóng góp của con người; thậm chí nghiêm trọng hơn là “giết chết” một con người.

Năm 1993, các báo và tạp chí khắp nơi trên thế giới đã đăng tải bức ảnh một em bé đói khổ vùng Sudan đang gục ngã trên đường tới trạm cứu nạn, phía sau lưng là con kền kền chờ đợi sẵn. Tác giả của bức ảnh này là Kevin Carter-phóng viên chụp ảnh cho một tờ nhật báo ở Nam Phi - đã tự tử ngay sau đó khi liên tục bị dư luận cáo buộc là kẻ độc ác, vô tâm đứng chụp hình mà không ra tay cứu giúp đứa trẻ. Nhưng có ai biết được rằng, vào thời điểm ấy, những phóng viên tác nghiệp tại Sudan đều được cảnh báo rằng không nên tiếp xúc với người dân nơi đây để tránh lây lan dịch bệnh. Kevin Carter chỉ có thể làm được một việc là đuổi con kền kền đi. Và những người đang hùa theo hiệu ứng đám đông để lên án anh có biết rằng, chính nhờ bức ảnh của anh mà cả thế giới bàng hoàng nhận ra một châu Phi đang đói khát và khổ cực đến thế nào để ra tay cứu giúp. Thế nên, anh có thể đã không cứu được đứa bé ấy nhưng không thể phủ nhận rằng anh đã gián tiếp cứu được nhiều mạng người.

Tại Việt Nam, cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội, những hiệu ứng đám đông đi ngược lại các chuẩn mực, đạo lý cũng ngày càng trở nên nguy hại hơn, đáng báo động hơn. Theo phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, từ năm 2014 đến năm 2017, có ít nhất 5 - 6 người tự tử vì bị bôi xấu, “ném đá” tập thể trên mạng xã hội. Chứng kiến thực trạng đó, chúng ta có còn muốn tham gia vào một cuộc chỉ trích, phê phán người khác nếu biết được rằng một lời nói nhỏ bé của mình có thể khiến họ phải tìm đến cái chết không?!

Gần hơn, trở lại công tác đánh giá tại các cơ quan, đơn vị, khi một người bị chỉ trích có chủ đích mà chưa có cơ hội chứng minh, giải thích cặn kẽ, liệu rằng có ai trong tập thể dũng cảm thoát khỏi ảnh hưởng một chiều của đám đông để nói lên sự thật và những đánh giá theo chính kiến của mình không? Câu hỏi còn bỏ ngõ, bởi thực tế, có không ít người sống ngay thẳng, dám nghĩ, dám làm, đầy nhiệt huyết cống hiến và sẵn sàng đem sức mình xây dựng xã hội, đã và đang rời bỏ nhiều vị trí tại các cơ quan, đơn vị.

Mạng xã hội và thực tế đời thường, được coi là mối liên hệ cực kỳ mật thiết. Máy tính, không còn là những dãy số nhị phân lập trình như ngày xưa, mà nó là nơi truyền bá một sự kiện, thể hiện một thái độ, mô tả một hành vi đang diễn ra và có tác động trực tiếp tới con người. Mạng xã hội, nếu không có những hình ảnh về các vụ việc bạo lực học đường xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố, có lẽ người ta sẽ không tường tận về những nguy cơ mà chính con em họ có thể trực tiếp mắc phải. Không có những hình ảnh được tung lên mạng, chính quyền Đà Nẵng, nơi được gọi là “thành phố đáng sống” liệu có thể tin được rằng, công dân của họ vốn là cô giáo mầm non lại có thể bạo hành với trẻ em đến thế.

Cũng đã có không ít vụ việc đáng tiếc xảy ra, và đám đông hiếu kỳ, thiếu hiểu biết lại chính là lực lượng tham gia thúc đẩy sự việc ấy thành ra khó kiểm soát, gây ra những hậu quả đáng tiếc. Điển hình là vụ việc xảy ra tại Hải Dương cách đây một thời gian. Khi giám đốc một công ty gỗ ở Thái Nguyên về thôn Đồng Hởi, xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, Hải Dương thì bị nghi ngờ là đối tượng thôi miên, bắt cóc trẻ em. Vụ việc sẽ không có gì nghiêm trọng nếu người ta bình tĩnh, tìm hiểu tận tường sự việc. Nhưng chỉ vì bị một số đối tượng kích động, người giám đốc và lái xe của anh ta bị đám đông quá khích đánh thừa sống thiếu chết, còn chiếc xe Fortuner bị đẩy xuống ruộng và đốt cháy. Vụ án đã được công an kết luận, và đã có người vướng vòng lao lý.

Mấy ngày qua, nhân sự việc quân nhân Trần Đức Đô đã có nhiều tổ chức, cá nhân, đám dân chủ cuội lợi dụng để làm bàn đạp tấn công vào Quân đội nhân dân Việt Nam. Họ kích động người thân của Trần Đức Đô với chiêu bài "đi tìm sự thật, công lý cho Trần Đức Đô", "Đi bộ đội, bị đánh đến chết, vậy ai còn dám đi", thủ đoạn cắt ghép clip hay dùng nguồn của Quân đội nước ngoài để quy chụp, mặc định đó là Quân đội nhân dân Việt Nam... Từ đó chúng kêu gọi ướp xác, không chôn cất...gây mất an ninh trật tự. Đánh vào điểm yếu là tính hiếu kỳ và cảm tính của một số người. Từ đó, chúng đánh phá Quân đội nhân dân, hòng hạ uy tín của Đảng, nhà nước và Quân đội. Có lẽ, để hỏi trong số đám đông kích động ấy, rằng họ nổi giận vì cái gì, ít người trả lời được cụ thể. Chỉ biết rằng, họ thấy những con người bên cạnh họ đang giận dữ kêu gào đòi xử lý.

Ai cũng biết rằng, với một tập thể người có chung ý chí và mục đích, sẽ đem lại sức mạnh mà không cá nhân nào cưỡng lại nổi. Có thể tin rằng, nếu các cá nhân lồng ghép ý tưởng, lợi ích của họ để lợi dụng niềm tin của đám đông, thì chính cá nhân ấy sẽ phải trả giá bởi những đám đông hỗn loạn. Cũng với sức mạnh ấy, nếu cùng nhau xây dựng nên những tiêu chí tốt đẹp, cùng nhau thực hiện những hành động có ích, có ý nghĩa thì xã hội sẽ bớt đi nhiều điều phiền toái, xấu xa.

Có thể khẳng định, đánh giá là khâu tiền đề quan trọng, quyết định công tác bố trí, sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả. Nếu để hiệu ứng đám đông và dư luận chi phối, công tác đánh giá khó đạt được kết quả sát thực. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần phải đủ tỉnh táo, độc lập trong nhìn nhận, đánh giá và phải biết chịu trách nhiệm về những quyết định, những việc làm của chính mình.

Hiệu ứng đám đông là một hiệu ứng tâm lý mang tính dây chuyền, số lượng người tham gia càng nhiều thì kết quả của hiệu ứng càng lớn. Nếu rơi vào tiêu cực, có thể bị chi phối bởi sự sai lệch, gây nên những hậu quả lớn, thậm chí có thể giết chết một con người theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét