Lợi dụng việc cơ quan chức năng ra
quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
cho người” liên quan đến chuỗi lây nhiễm ở điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, các
đối tượng thù địch đã tung tin chính quyền phân biệt đối xử, kỳ thị, gây khó
khăn cho hoạt động tôn giáo. Đây là sự vu cáo trắng trợn, đi ngược lại diễn biến
thực tế của vụ việc...
Liên quan đến chuỗi lây nhiễm ở điểm
nhóm truyền giáo Phục Hưng, mới đây, Công an quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh
đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy
hiểm cho người” để tiến hành điều tra vụ án theo quy định của pháp luật. Việc
khởi tố hành vi vi phạm là cần thiết và hoàn toàn đúng pháp luật, vì một số cá
nhân liên quan không thực hiện phòng ngừa dịch bệnh theo đúng quy định của
Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền địa phương, như không đảm bảo giãn cách,
không thực hiện Thông điệp "5K" một cách đầy đủ, không hợp tác khai
báo để truy vết, không tự giác trong việc đi xét nghiệm…
Tuy nhiên, sau khi cơ quan Công an khởi
tố vụ án, một số thế lực, đối tượng xấu đã lợi dụng vụ việc để tung tin chính
quyền phân biệt đối xử, kỳ thị, gây khó khăn cho hoạt động tôn giáo. Các đối tượng
này đã cố tình “bóp méo” bản chất vụ việc nhằm mục đích “lái” dư luận theo chiều
hướng tiêu cực; phá vỡ khối đại đoàn kết giữa tín đồ các tôn giáo tại Việt Nam
hiện nay.
Trước hết cần nhận thức rõ, đây là khởi
tố về hành vi gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội theo quy định tại Điều 240 Bộ
luật Hình sự để điều tra xem mức độ vi phạm đến đâu; từ đó xử lý theo quy định
của pháp luật. Hoàn toàn không có việc chính quyền khởi tố tổ chức tôn giáo, điểm
nhóm tôn giáo, hoặc hoạt động có liên quan đến sinh hoạt tôn giáo, chức sắc,
tín đồ tôn giáo..., như luận điệu xuyên tạc của các đối tượng phản động, thù địch.
Vì thế, cũng không có việc chính quyền kỳ thị, phân biệt đối xử, gây khó đối với
hoạt động tôn giáo. Vụ việc đang được điều tra, xử lý với mục tiêu trước hết và
cao nhất là đảm bảo sức khỏe cho người dân, cho cộng đồng, trong đó có những
tín đồ tôn giáo.
Mặt khác, điểm nhóm truyền giáo Phục
Hưng liên quan đến vụ việc nêu trên là điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung
đăng ký hoạt động ở cấp phường theo quy định của pháp luật, chưa được công nhận
là một tổ chức tôn giáo; người phụ trách chính ở đây được gọi là người đứng đầu
điểm nhóm, không phải là mục sư và là điểm nhóm sinh hoạt theo kiểu tư gia, lấy
nhà riêng làm nơi sinh hoạt, không phải là nhà thờ hoặc cơ sở thờ tự tôn giáo.
Từ lúc được cấp phép đến nay, điểm nhóm hoạt động tuân thủ luật pháp, tích cực
tham gia các phong trào của địa phương. Có thể do sự chủ quan, chưa ý thức được
mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, thiếu nghiêm túc trong thực hiện các biện
pháp chống dịch của người đứng đầu điểm nhóm và tín đồ nên đã để xảy ra hậu quả
rất nghiêm trọng. Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm truyền giáo
Phục Hưng có 55 hội viên, trong đó 40 người đã xác định mắc COVID-19 (chiếm tỷ
lệ 70%); đến nay đã lây lan ra thêm khoảng 160 người khác tại 20/22 quận huyện
và 6 tỉnh miền Nam (gồm Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh, Bạc
Liêu).
Thực tế hoạt động của các tôn giáo ở
Việt Nam thời gian vừa qua cho thấy rõ ràng chính sách nhất quán và đúng đắn của
Đảng, Nhà nước Việt Nam là: Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo của các công dân; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên,
cũng như các quốc gia khác, Việt Nam không chấp nhận việc lợi dụng quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng các hoạt động sinh hoạt tôn giáo để phá hoại hòa
bình, độc lập, thống nhất đất nước hay kích động bạo lực, chia rẽ nhân dân,
chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng,
sức khỏe của người khác... Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; mọi cán
bộ, đảng viên, chức sắc tôn giáo hay công dân khi vi phạm đều bị xử lý tùy thuộc
vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Do đó, liên quan đến chuỗi lây nhiễm ở
điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, việc Công an quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí
Minh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm
nguy hiểm cho người” để tiến hành điều tra là hoàn toàn phù hợp với quy định của
pháp luật. Điều này không chỉ thể hiện sự nghiêm minh, bình đẳng trước pháp luật
của tất cả mọi người, mà còn là điều kiện để bảo đảm hoạt động sinh hoạt tôn
giáo thực sư an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19
tại các địa phương trong cả nước./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét