"Mỗi
người dân là một chiến sĩ" - câu khẩu hiệu này từng trở thành suy nghĩ và
hành động của các thế hệ người Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống ngoại
xâm để giành và bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.
Nhớ lại những tháng năm chống Mỹ, cứu nước hào hùng, cả
dân tộc ta bừng bừng khí thế, làm theo lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ
Chí Minh "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp
tục chiến đấu, quét sạch nó đi".
Nhưng đấy là
cuộc chiến đấu mà thời đó, mỗi chúng ta nhận rõ hình hài kẻ thù là bọn đế quốc
xâm lược, nên mỗi người dân đất Việt bừng bừng khí thế "cả nước ra
trận". Các chiến sĩ quân đội của chúng ta nêu khẩu hiệu: "nhằm thẳng
quân thù mà bắn!". Các trường học sơ tán về nông thôn hoặc miền núi tiếp
tục những giờ lên lớp. Nhưng hôm nay, cuộc chiến đấu chống dịch Covid-19 - một
kẻ thù vô hình, đã và đang làm đau đầu nhiều nhà khoa học ở nước ta và thế giới
vì chưa xác định được hình hài của nó. Bầu trời không có tiếng gầm rú của máy
bay thù; và mặt đất không rung chuyển bởi đạn bom, không có cảnh đầu rơi máu
chảy, nhưng loại vi-rút này đang lặng lẽ hoành hành, mới chỉ vài tháng thôi, đã
xâm nhập hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, cướp đi hàng chục nghìn người! Ở
nước ta, tốc độ lây lan đang tăng lên chóng mặt, nguy cơ tử vong có thể là cấp
số nhân, nếu chúng ta không kịp thời điều chỉnh, bổ sung nhiều giải pháp hữu
hiệu…
Với tinh thần
"chống dịch như chống giặc", Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Ban
Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã họp và nhấn mạnh rằng, chúng
ta sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để cứu người thoát dịch; coi con
người là vốn quý nhất, là trung tâm của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã
hội. Từ nhận thức sâu sắc đó, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các địa phương
và cả hệ thống chính trị nước ta đã "vào cuộc" mạnh mẽ, đồng bộ. Toàn
lực lượng các ngành y tế, quân đội, công an đã phối hợp chặt chẽ các ngành chức
năng, đồng loạt "ra quân" với những biện pháp quyết liệt, bài bản.
Nhờ vậy, chúng
ta đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Song, trong bối cảnh toàn cầu hóa,
sự thông thương giữa các quốc gia ngày càng rộng mở; theo đó, số khách du lịch
cùng những nhà đầu tư đến nhiều quốc gia, trong đó có nước ta, dịch đang bùng
phát với tốc độ quá nhanh, tiềm ẩn những hệ lụy khó lường!
Bất giác tôi nhớ
bài tùy bút nổi tiếng của nhà văn Ê-ren-bua viết về lòng yêu nước: Yêu nước là
yêu cái gì nhỏ nhất, yêu rặng cây trồng trước nhà, yêu dòng suối chảy ra con
sông... Cứ li ti như thế, cứ dần dà như thế, nhiều suối đổ vào sông; nhiều con
sông đổ ra biển cả, hợp thành sức mạnh của một dân tộc!...
Những ngày qua,
chúng ta cảm động khi chứng kiến bao việc làm tình nghĩa thể hiện đạo lý nhân
văn "thương người như thể thương thân" của dân tộc ta. Các cơ quan
chức năng cùng các ngành, các cấp đã tạo mọi điều kiện để chăm sóc sức khỏe và
bảo đảm đời sống vật chất cho hàng nghìn người bị nghi lây nhiễm, phải thực
hiện cách ly. Quân đội sẵn sàng nhường doanh trại, đồng thời dựng hàng ngàn lều
bạt dã chiến tiếp nhận người cách ly, thành lập bệnh viện dã chiến, huy động
hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ đi chợ giúp dân và duy trì an ninh
trật tự. Hàng nghìn bộ đội biên phòng tăng cường kiểm tra ở tất cả các cửa khẩu
trên đường biên giới dài hàng nghìn km ở phía bắc và phía tây. Những bữa cơm
trải trên lá chuối rừng. Rồi hàng vạn cán bộ, chiến sĩ công an suốt ngày đêm
tham gia chốt chặn ở những khu vực nghi có dịch hoặc tâm dịch. Quân đội, công
an, bác sỹ…những chiến sĩ ấy, có rất nhiều người đã mấy tháng liền, chưa về
thăm vợ, con và bố, mẹ...
Ðúng như lời
biểu dương của Thủ tướng trong thư khen gửi lực lượng quân đội và công an...
Với lực lượng quân đội, Thủ tướng đánh giá: Quốc phòng là một trong những lực
lượng tiên phong, trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19, các đồng chí
đã có nhiều biện pháp, cách làm hết sức cụ thể, quyết liệt, hiệu quả… Với lực
lượng công an, Thủ tướng cho rằng: "các đồng chí là lực lượng tuyến đầu,
không quản ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh, có thể bị lây nhiễm dịch
Covid-19 trong bất cứ lúc nào để sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, thể
hiện lòng trung thành tuyệt đối với Ðảng, Tổ quốc và nhân dân, vì nhân dân phục
vụ"…
Trong số các lực
lượng chủ công chống dịch, Ðảng, Nhà nước và nhân dân dành tình cảm đặc biệt
với các "chiến sĩ áo trắng" đã dồn tâm huyết, kỹ thuật chuyên môn với
ý thức "cứu người là tối thượng", mặc dù tính mạng mình luôn cận kề
cái chết do lây nhiễm từ người bệnh. Hàng trăm bác sĩ, y tá… đã tình nguyện xa
gia đình, vợ con để ngày đêm chữa trị người bệnh hoặc theo dõi hàng nghìn người
ở các khu cách ly.
Với tinh thần
"Cả nước chung tay chống dịch", "mỗi người có một tí để cứu
người bệnh", các tổ chức, đoàn thể quần chúng, các doanh nghiệp, cơ quan,
đơn vị, địa phương… tự nguyện góp hàng trăm bộ quần áo, hàng vạn thùng mì ăn
liền, hàng vạn khẩu trang, cùng nhiều lương thực, thực phẩm, trái cây… gửi đến
các bệnh viện và các khu cách ly. Bình tĩnh, tự tin, hành động quyết liệt đã
tạo nên thành công quan trọng bước đầu, nhưng không cho phép ta chủ quan, thỏa
mãn. Hai tuần này là giai đoạn cao điểm của cuộc chiến đấu, đòi hỏi phát huy
cao nhất trí tuệ, nghị lực, ý chí và bản lĩnh Việt Nam. Hơn bao giờ hết, lời
tổng kết sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn
kết,/ Thành công, thành công, đại thành công" đang cổ vũ chúng ta xốc tới,
đẩy lui đại dịch!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét