Thứ Hai, 2 tháng 8, 2021

Nhận diện những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội

 Những hình thức lừa đảo thông qua mạng Internet càng ngày tràn lan khiến người sử dụng không phân biệt được thật giả. Những người dễ bị dụ dỗ, lôi kéo là những người không hiểu biết về tin học, biết chút ít hoặc những bạn sinh viên, người thất nghiệp, người có thu nhập thấp,…muốn kiếm thêm tiền thông qua mạng. Thông thường, đối tượng mà những kẻ xấu muốn nhắm đến là những người nhẹ dạ, cả tin, dễ mắc bẫy vào những lời giới thiệu hấp dẫn, có vẻ thuyết phục, đáng tin,… Theo thống kê của những nhà mạng uy tín, nhiều hình thức, chiêu trò lừa đảo qua mạng phổ biến hiện nay đã được cảnh báo nhưng vẫn còn khá nhiều người vướng phải và rồi chịu cảnh mất tiền, túng quẩn.

Sau đây sẽ là thống kê 10 chiêu trò lừa đảo qua mạng phổ biến hiện nay để bạn đọc nắm rõ và thật cảnh giác để không bị “dính bẫy” của những kẻ xấu:

1. Lừa đảo bằng cách câu like qua Facebook

Trò lừa câu lượt like, share, bằng các thông báo trúng thưởng trên Facebook tuy không mới nhưng vẫn có hàng ngàn tài khoản Facebook bị mắc lừa. Cách đánh lừa bằng các chương trình khuyến mãi ảo đã xuất hiện nhiều lần. Thông thường, kẻ gian sẽ sử dụng tên và hình ảnh để giả mạo các hãng sản xuất lớn rồi sử dụng cách thức trên để có thêm lượt like. Sau đó, các trang fanpage này sẽ được đổi tên và bán cho những người dùng có nhu cầu sử dụng cho mục đích khác. Trên thực tế, các trò lừa đảo dạng này vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất dữ liệu cá nhân nếu kẻ gian cài thêm đường dẫn yêu cầu người dùng “xác nhận trúng thưởng”.

2. Lừa đảo bằng cách bán hàng qua Facebook

Hiện nay, ngày càng có nhiều đối tượng thường xuyên lang thang trên Facebook, lập tài khoản Facebook mạo danh các shop bán hàng online nhằm mục đích lừa đảo khách hàng như đặt tên Facebook trùng tên với những cửa hàng bán quà lưu niệm, thời trang, shop quần áo uy tín để nhiều người đặt mua. Khi khách hàng có nhu cầu mua hàng, kẻ gian sẽ yêu cầu chuyển tiền đến một tài khoản ngân hàng đã định trước. Động cơ đó đã khiến hàng loạt người mắc bẫy mà vẫn không mua được sản phẩm. Nhiều đối tượng lừa đảo đã bị bắt vì thủ đoạn này với mức án từ 3-5 năm tù, nhưng hình thức lừa đảo này vẫn còn đang tiếp diễn.

3. Lừa đảo qua thư điện tử

Bộ Công thương cho biết gần đây, nhiều người Việt Nam nhận được thư điện tử từ các đối tác nước ngoài với những nội dung như mua hàng nhập khẩu giá rẻ, đầu tư cổ phần vào các dự án, hợp tác kinh doanh,…Thư điện tử giới thiệu có khi thêm những lời mời gọi, hình ảnh minh họa để thêm phần thuyết phục. Sau đó, kẻ gian sẽ gửi một thư điện tử khác đề nghị người nhận truy cập vào một địa chỉ trang mạng, đăng nhập với địa chỉ thư điện tử và mật khẩu để có thể thực hiện giao dịch. Nếu người nhận đăng nhập sẽ bị lấy cắp thông tin tài khoản thư điện tử, tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng,…

4. Lừa đảo bán hàng qua mạng online

Đây là một chiêu trò lừa đảo qua mạng phổ biến nhất và có nhiều người bị mắc bẫy nhất hiện nay. Các đối tượng lừa đảo sẽ lập một trang bán hàng online, sau đó giới thiệu những thương hiệu sản phẩm nổi tiếng như điện thoại, máy tình bảng, túi xách, đồ trang sức,…được bán với giá rẻ (xả hàng hoặc khuyến mãi vào dịp khai trương). Khi khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm, kẻ gian sẽ yêu cầu người mua gửi tiền vào tài khoản ngân hàng của họ, sau đó sẽ chuyển sản phẩm đến địa chỉ đã đặt hàng. Với hình thức đó, người mua sẽ mất tiền mà vẫn không nhận được sản phẩm như đã giới thiệu.

5. Lừa đảo của “Cháu ông chú Viettel”

Nhiều đối tượng lừa đảo đã lập trang web nạp tiền điện thoại, tự xưng là “Cháu ông chú Viettel” để lừa đảo hàng trăm triệu đồng của nhiều nạn nhân. Cách thức lừa đảo là những kẻ gian đăng tải thông tin lên các trang web hoặc Facebook với nội dung chia sẻ cách nạp thẻ giá tiền ít mà tài khoản khủng, hoặc là “Cháu của ông chú Viettel” biết được mật mã của các loại thẻ. Từ đó, các đối tượng sẽ yêu cầu người dùng vào website để nạp thẻ. Mọi người sẽ dễ dàng mắc bẫy, làm theo hướng dẫn trên website và bị chiếm đoạt số tiền đã nạp.

6. Lừa đảo bằng cách nhấp vào link trúng thưởng

Hiện nay, khi lướt Facebook hoặc lướt web quảng cáo, nhiều người thường bắt gặp những dòng link thông báo “Bạn đã trúng thưởng, bạn thật may mắn, cơ hội trúng thưởng trên 90%,…”. Nếu người dùng nhấp chuột vào những link ấy, một trang web sẽ hiện lên và yêu cầu người dùng nhập thông tin tài khoản, mật khẩu, thư điện tử,…để xác nhận trúng thưởng. Và dĩ nhiên, người dùng sẽ bị mắc lừa, bị đánh cắp thông tin mà không hề nhận được giải thưởng nào cả.

7. Lừa đảo bằng cách dựng trang web giả

Những trang web giả mọc lên như nấm và tràn lan trên mạng Internet. Điều này khiến nhiều người sử dụng mạng lúng túng không phân biệt được thật giả. Ngoài hình thức bán hàng online, các trang web còn “dụ dỗ” nhiều người bằng các hình thức tinh vi khác như nạp tiền giá rẻ, đầu tư tài chính, bất động sản, hợp tác kinh doanh,…Những hình thức lừa đảo này chủ yếu yêu cầu khách hàng gửi tiền vào tài khoản rồi biến mất, hoặc đánh cắp thông tin tài khoản, mật khẩu của khách hàng và từ đó chiếm đoạt tài sản. Đại đa số những trang web này không tồn tại quá 01 tháng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét