Dịch Covid-19 đang
diễn biến phức tạp gây nguy cơ ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất, cung ứng trên địa
bàn thành phố Hà Nội, ảnh hưởng trực tiếp đời sống dân sinh. Ứng phó với dịch bệnh,
Hà Nội đã chủ động các kịch bản bảo đảm hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân,
triển khai các giải pháp hỗ trợ, đồng hành với người dân vững vàng vượt qua đại
dịch.
Bảo đảm đủ hàng
hóa thiết yếu trong mọi tình huống..
Qua một tuần giãn
cách xã hội, khác với tâm lý lo lắng, mua hàng tích trữ như trước, nhiều người
dân Hà Nội bình tĩnh, yên tâm hơn trong mua sắm. Ghi nhận tại các chợ, siêu thị,
hàng hóa được cung ứng khá tươi mới, đa dạng, phong phú từ thịt các loại, hải sản
tới rau, củ, quả... Mức giá các mặt hàng vẫn như bình thường, không tăng đột biến.
Thị trường hàng hóa bình ổn là kết quả của công tác chủ động chuẩn bị các kịch
bản, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống của ngành công
thương Thủ đô.
Trước lo lắng của
người tiêu dùng về việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô
trong thời gian giãn cách xã hội, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị
Phương Lan cho biết: "Với việc bảo đảm hàng hóa, Hà Nội đã chủ động các
phương án theo từng cấp độ của dịch. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 459 chợ,
28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi,
2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa... sẵn
sàng phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Ngành công thương hiện đang
triển khai phương án 5 với mức hàng dự trữ tăng 3 lần so với các tháng bình thường,
đạt tổng giá trị 194.000 tỷ đồng với 17 mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, các
doanh nghiệp (DN) còn chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn
thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng. Cụ thể, Hà Nội dự trữ 836.000 tấn gạo;
167.346 tấn thịt lợn; thịt trâu, bò 48.150 tấn; 55.782 tấn thịt gia cầm; hơn 1
triệu quả trứng gia cầm...".
Với kinh nghiệm từ
thực hiện cách ly xã hội năm 2020 và kinh nghiệm từ các địa phương, TP Hà Nội
đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng, tính toán kế hoạch để lưu thông, phân phối
hàng hóa, cùng với kiểm tra, giám sát để bảo đảm không tăng giá. Để phục vụ
công tác phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa
điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng; mở thêm các điểm bán hàng cố định,
các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết; sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở
hàng của các DN phân phối, các quận, huyện đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán
hàng thiết yếu trên địa bàn. “Trong bất kỳ tình huống nào, hàng hóa cũng bảo đảm
đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không
để xảy ra tình trạng thiếu hàng; phân bổ lượng hàng đầy đủ trong hệ thống, đổi
mới nhiều phương thức phục vụ, tăng cường khuyến khích, vận động người dân
thanh toán không dùng tiền mặt; phổ biến, thông tin đến các hệ thống siêu thị,
cửa hàng tiện lợi, các hộ kinh doanh trong chợ, website ứng dụng thương mại điện
tử, bán hàng trực tuyến”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.
Khơi thông dòng chảy
hàng hóa
Thực tế cho thấy, một
trong những thách thức khi thực hiện giãn cách xã hội là bảo đảm dòng chảy lưu
thông hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Trong ngày 24-7, ngày đầu thực hiện giãn cách, tại các cửa ngõ của Thủ đô đã xảy
ra tình trạng một số xe chở nguyên liệu đầu vào sản xuất hoặc hàng hóa thiết yếu
gặp khó khăn trong lưu thông, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân, DN.
Trước tình hình đó, lãnh đạo TP Hà Nội đã trực tiếp thị sát, đánh giá thực trạng
hoạt động và chỉ đạo biện pháp phân luồng từ xa, tạo thuận lợi lưu thông phương
tiện, hàng hóa, không để xảy ra "đứt gãy" sản xuất, lưu thông giữa Thủ
đô với các địa phương, trong thời gian Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND.
Những ngày qua, hoạt động lưu thông của phương tiện trên “luồng xanh” qua các
chốt kiểm dịch khi vào Hà Nội đã được cải thiện rõ rệt so với những ngày đầu lập
chốt.
Tại chốt kiểm soát đặt
ở trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ, lực lượng chức năng gồm: Quân đội, công an, y
tế, dân quân tự vệ... có mặt thường trực 24/24 giờ hằng ngày. Theo Thiếu tá
Phùng Quang Hưng, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) 14, Phòng CSGT
(Công an TP Hà Nội), phụ trách chốt kiểm soát này: Lực lượng chức năng kiểm tra
theo xác suất với các xe đã đăng ký "luồng xanh" được cấp mã QR Code
chứ không phải toàn bộ phương tiện qua chốt để tạo điều kiện cho lưu thông hàng
hóa. Mỗi xe đã đăng ký "luồng xanh" đều có lộ trình tương ứng, có xe
đi vào thành phố hoặc chỉ đi qua để kết nối với tuyến đường khác. Những người
qua chốt phải có chứng nhận test nhanh âm tính với Covid-19 còn hiệu lực và sẽ
tiến hành khai báo y tế. "Xe chở hàng thiết yếu, thiết bị, vật tư y tế hoặc
thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch, chúng tôi đều cố gắng để xe qua chốt
nhanh nhất. Có nhiều trường hợp xe chưa đăng ký được trên "luồng xanh"
nhưng vì hàng hóa thiết yếu nên vẫn căn cứ tình hình thực tế để giải quyết cho
qua chốt", Thiếu tá Phùng Quang Hưng chia sẻ. Nhiều trường hợp người dân
có công việc gấp phải vào Hà Nội như đi sân bay để xuất cảnh ra nước ngoài, đi
công tác vẫn được lực lượng chức năng xem xét giải quyết với điều kiện có kết
quả test nhanh âm tính với Covid-19.
Kịp thời triển
khai nhiều chính sách an sinh xã hội
Nhấn mạnh việc quan
tâm, chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo trước tác động của
dịch bệnh, nhất là người dân bị tác động của đợt giãn cách xã hội, Bí thư Thành
ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành phải thường xuyên rà soát,
kịp thời hỗ trợ, không để người dân bị thiếu đói, ốm đau mà không được giúp đỡ.
Các cơ quan tham mưu nghiên cứu, cần thiết đề xuất mở rộng, nâng cao khoản hỗ
trợ của thành phố so với quy định chung.
Đáng chú ý, để kịp
thời hỗ trợ người lao động (NLĐ) gặp khó khăn, Hà Nội đã nhanh chóng triển khai
gói hỗ trợ an sinh xã hội năm 2021 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của
Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ
về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch
Covid-19. Trao đổi với báo chí, bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động-Thương
binh và Xã hội Hà Nội cho biết: "Thành phố thực hiện theo nguyên tắc nhất
quán: Điều gì tốt nhất cho NLĐ sẽ áp dụng tối đa; đồng thời đưa nguồn lực đến
đúng đối tượng, tạo điểm tựa cho NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn. Theo đó, UBND
TP Hà Nội ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21-7-2021 về việc thực hiện
chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch
Covid-19. Chị Tống Thị Thoa (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội)
chia sẻ: “Tôi là lao động tự do, mở tiệm may tại nhà. Do ảnh hưởng giãn cách xã
hội nên tôi phải đóng cửa hàng, không có thu nhập. Rất may, tôi nhận được trợ cấp
từ thành phố. Số tiền tuy không nhiều nhưng cũng giúp gia đình tôi bớt đi phần
nào khó khăn, đủ để mua những hàng hóa thiết yếu".
Nỗ lực tạo việc làm
mới cho NLĐ cũng là một trong những giải pháp trọng tâm được Hà Nội triển khai
thực hiện, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân. Mặc dù dịch Covid-19 vẫn
diễn biến phức tạp, thị trường lao động thành phố đã ghi nhận những tín hiệu lạc
quan hơn so với cùng kỳ năm 2020 và tình hình thất nghiệp cũng giảm hơn so với
năm trước. 6 tháng đầu năm 2021, toàn thành phố giải quyết việc làm cho
97.865/160.000 lao động, đạt 61,2% kế hoạch năm, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm
2020; đã tiếp nhận và ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho
33.360 người với số tiền 830 tỷ đồng cho thấy tình hình thất nghiệp đã giảm (giảm
8,4% so với cùng kỳ năm 2020); hỗ trợ học nghề cho 1.153 người với số tiền 3,58
tỷ đồng.
Cũng trong 6 tháng đầu
năm, sở và các phòng lao động-thương binh và xã hội quận, huyện, thị xã đã tiếp
nhận và giải quyết 12.149 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và
thân nhân người có công với kinh phí thực hiện trên 68,5 tỷ đồng. Đến nay,
thành phố đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp 6 tháng đầu năm cho hơn
88.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng
tháng với số tiền 950 tỷ đồng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét