Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn.

 

Nhân loại đã chứng kiến trong thế kỷ XIX - XX, chủ nghĩa tư bản đã tỏa vòi đi khắp các châu lục để vừa “hút máu” nhân dân lao động ở chính quốc, vừa hút máu nhân dân lao động ở các nước thuộc địa. Nhân dân Việt Nam đã trải qua những khổ đau, cơ cực dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc nên thấy hết bản chất của chủ nghĩa tư bản. Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, các phong trào yêu nước đã dấy lên hết sức mạnh mẽ nhưng đều bị thất bại. Chưa bao giờ như lúc bấy giờ, công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam ở trong tình hình đen tối, không có đường ra.

Nhưng rồi lịch sử đã có lời giải đáp. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã là người gieo hạt, gây mầm và tạo dựng cách mạng Việt Nam. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc tìm thấy ánh sáng soi đường trong Luận cương của V.I. Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên khắp thế giới khỏi ách nô lệ”. Với kỳ công của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào yêu nước và phong trào công nhân Việt Nam chuyển hóa thành một sự kiện trọng đại: ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Vừa ra đời, Đảng ta tuyên bố: “Chủ trương tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Lời tuyên bố ấy đồng nghĩa với việc bác bỏ thẳng thừng chế độ phong kiến và chế độ tư bản chủ nghĩa; chủ nghĩa xã hội không chỉ là mục tiêu lựa chọn mà đã thực sự thúc đẩy lịch sử dân tộc Việt Nam chuyển mình, là con đường mà dân tộc Việt Nam đã và đang đi theo dòng thời đại.

Sự lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân ta, xét về logíc là một tất yếu khách quan; xét về lịch sử, hoàn toàn phù hợp với sự vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế của thời đại; xét về nhu cầu, hoàn toàn xuất phát từ điều kiện cụ thể của một nước thuộc địa, nửa phong kiến và nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam; xét về mặt xã hội, đó là một hệ giá trị cơ bản lớn nhất quyết định sự phát triển của đất nước hôm nay và mai sau. Vì thế, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng khẳng định: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”; “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét