Sau 15 năm thành lập và tích cực chuẩn bị với 3 cuộc tổng diễn tập, đến giữa tháng 8 năm 1945, khi thời cơ ngàn năm có một xuất hiện, Đảng ta đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước gia nhập Việt Minh, đoàn kết chung quanh Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, đứng lên “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh tụ Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân ta nô nức, hừng hực khí thế khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước triệu người như một đã nhất tề nổi dậy từ đồng bằng tới miền núi, từ đô thị đến nông thôn, từ khởi nghĩa từng phần đến tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc. Chỉ trong 15 ngày, sự đoàn kết của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo nên sức mạnh to lớn và trở thành nhân tố quyết định đưa cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi hoàn toàn.
Phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc trong lịch dựng nước và giữ nước cũng như trong cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã trở thành bài học quý giá để nhân dân ta làm nên thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam chủ nghĩa xã hội; đặc biệt là trong 35 năm đổi mới.
Hiện nay, đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp trên toàn cầu. Tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã lan ra hầu khắp các tỉnh, thành phố. Đặc biệt thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đang trở thành điểm nóng của dịch bệnh. Trong quá khứ toàn dân ta đã đoàn kết chống giặc, bảo vệ giang sơn, bờ cõi; đoàn kết chống chọi với thiên tai. Trước tình hình trên, hơn lúc nào hết toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vận dụng linh hoạt, sáng tạo bài học từ cách mạng Tháng Tám năm 1945 phát huy tinh thần đại đoàn kết tạo sức mạnh tổng hợp để từng bước đầy lùi đại dịch.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng và Chính phủ ta đã ban hành hàng loạt các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị thể hiện tinh thần quyết liệt, quyết tâm phòng, chống dịch bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân. Tinh thần, quyết tâm ấy đã nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội và sự chung tay đầy trách nhiệm của cả cộng đồng. Hàng chục nghìn bác sĩ, nhân viên y tế; cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đã xung kích trên tuyến đầu. Hàng trăm sinh viên, cựu chiến binh, thầy thuốc đã nghỉ hưu cũng tình nguyện tham gia chống dịch. Các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch của Đảng và Chính phủ được toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành. Tinh thần “tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của nhân dân Việt Nam được nhân lên mạnh mẽ. Quân và dân trên địa bàn cả nước đã có nhiều hoạt động thiết thực, kịp thời, hiệu quả giúp nhân dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vượt lên khó khăn, chiến đấu với dịch bệnh. Hàng chục tấn lương thực, thực phẩm được quyên góp hỗ trợ, giúp đỡ để người dân các địa phương vượt qua khó khăn.
Hàng chục đoàn công tác từ các bộ, ngành, địa phương miền Bắc đã vào giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố phía Nam phòng, chống đại dịch. Hàng nghìn tỷ đồng đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ hỗ trợ kịp thời các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch và các địa phương khó khăn. Ngay sau khi thành lập và phát động Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Có thể khẳng định, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 một lần nữa bài học đại đoàn kết rút ra từ lịch sử trường tồn của dân tộc, nhất là từ cách mạng Tháng Tám năm 1945 được phát huy cao độ.
Những ngày gần đây, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương. Sau khi đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước ra lời kêu gọi phòng, chống đại dịch Covid-19, mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính – Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng đã phát động phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19".
Bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm, ý chí, quyết tâm trước hết cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp cần quán triệt sâu sắc mục tiêu, nội dung, biện pháp của phong trào thi đua đặc biệt này đến mọi tầng lớp nhân dân. Mục tiêu, nội dung của phong trào thi đua đặc biệt phải được cụ thể hóa gắn sát với diễn biến tình hình dịch ở từng địa phương. Mỗi gia đình, mọi người dân, nhất là cán bộ, đảng viên cần gương mẫu tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch. Mỗi cán bộ, công chức; mỗi cán bộ, chiến sĩ LLVT phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngại khó khăn gian khổ, hoàn thành nhận và xuất sắc các nhiệm vụ được giao, thực sự là một chiến sĩ tiên phong trên tuyến đầu, đồng tâm, hợp lực cùng các y, bác sĩ, nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch.
Cùng với thi đua quyết tâm chiến thắng đại dịch, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn để từ đó nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh với sự chống phá ngày càng ráo riết, quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động. Đặc biệt hiện nay tình trạng thông tin thất thiệt, xấu độc, xuyên tạc diễn tình hình dịch và các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch của Đảng và Chính phủ ta hòng chia rẽ khối đại đoàn kết, gây hoang mang trong dư luận, kích động người dân,…xuất hiện ngày càng nhiều. Bằng ý thức chính trị, trách nhiệm công dân mỗi người chúng ta cần tỉnh táo trong tiếp nhận thông tin; tránh viết bài, đưa tin thất thiệt, sai sự thật, gây ly tán lòng người để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét