Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là nhà chính trị, quân sự, văn hóa nổi tiếng trong nước, ông còn được cả thế giới ngưỡng mộ và kính phục tài năng quân sự, phẩm chất đạo đức, văn hóa của một vị tướng...
Archimedes Patti, cựu sĩ quan tình báo Mỹ, người đứng đầu phái bộ tiền trạm OSS đến Hà Nội tháng 8-1945 để thực hiện nhiệm vụ giải cứu tù binh và chuẩn bị cho việc giải giáp quân Nhật ở Bắc Đông Dương, từng có những tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh và chứng kiến ngày lễ Độc lập của Việt Nam. Năm 1980, ông cho xuất bản cuốn hồi ký “Why Vietnam?” (Tại sao Việt Nam?), trong đó ông dành sự kính trọng, đánh giá cao với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông viết: “Dưới sự lãnh đạo tài tình của Võ Nguyên Giáp, họ đã tiến hành đánh phá các tiền đồn của Pháp và Nhật)...”.
Giáo sư sử học người Mỹ Cecil B.Currey trong cuốn “Chiến thắng bằng mọi giá-Thiên tài quân sự Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp” viết: “Lòng yêu thương trên hết của tướng Giáp dành cho đất nước và sau đó là lòng trung thành của ông đối với Đảng Cộng sản. Ông đã thề giải phóng Việt Nam khỏi sự đô hộ của nước ngoài và phấn đấu cho sự nghiệp thống nhất đất nước... Trong công việc điều binh khiển tướng, ông tỏ ra điềm tĩnh đáng kinh ngạc, không để cho những cơn xúc động nhất thời chi phối, nhưng đằng sau đó là một tính cách hăng say, cuồng nhiệt mà người Pháp đã miêu tả ông như một núi lửa phủ tuyết”.
Cecil B.Currey dẫn câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đảng ta giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc để thúc đẩy cách mạng Việt Nam tiến lên”, “... Đảng động viên toàn thể nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi những ai giày xéo Tổ quốc, cuộc chiến đấu trở thành cuộc cách mạng dân tộc, vì lợi ích của nhân dân. Đảng cùng với Võ Nguyên Giáp hứa rằng, kết cục của cuộc xung đột Pháp-Việt sẽ chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp, xóa bỏ mọi hình thức thống trị và bóc lột giai cấp, giải phóng thợ thuyền và dân cày, đi tới công bằng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”. Đối với Võ Nguyên Giáp, nhân dân là nguồn gốc của sức mạnh, từ đó sinh ra ý chí chiến đấu và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vì vậy, phải thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng...
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Quyết định khó nhất trong đời binh nghiệp của ông là trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ mà chính ông nói đó là “quyết định khó khăn nhất”, là chuyển từ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. “Phải là một vị tướng vĩ đại... mới không bám khư khư lấy một luận thuyết. Trong quân đội Pháp không có một vị tướng như vậy...". (G.Boudarel) và F.Cavigglioli, bài đăng trên Tạp chí "Người quan sát mới" (Le Nouvel Observateur), số ra ngày 8-4-1983).
Trong hồi ký "Đông Dương hấp hối", để đánh giá về đối thủ đáng gờm, tướng Henri Navarre đã thú nhận: “Chưa bao giờ chúng ta có được một sự liên tục về mặt nhân sự. Từ 17 năm qua, đối đầu với một nhà lãnh đạo chính trị duy nhất là ông Hồ Chí Minh và một nhà lãnh đạo quân sự duy nhất-Đại tướng Giáp, là 19 chính phủ kế tiếp, cùng với 5 nhà lãnh đạo chính trị ở Đông Dương (Cao ủy Pháp ở Đông Dương: Đô đốc Georges Thierry d'Argenlieu, Paul Doumer, Pignon, tướng Jean de Lattre de Tassigny, Letourneau, Dejean là người thứ 6) và 6 tư lệnh quân đội (tướng Leclerc, tướng Valluy, tướng Blaizot, tướng Carpentier, tướng Jean de Lattre de Tassigny, tướng Raoul Salan và tôi (chỉ Navarre là người thứ 7-NV). Chúng ta cũng chưa bao giờ có được một đường lối chính trị nhất quán. Nói cho chính xác, chúng ta chẳng hề có đường lối nào”.
Nếu như tiêu chí chọn tướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “đánh thắng đại tướng được phong đại tướng” thì suốt cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh thắng nhiều tướng lĩnh của Pháp và Mỹ, chưa kể những viên tướng của ngụy quyền Sài Gòn. Các tướng lĩnh Mỹ khi nhắc đến ông vẫn thường gọi ông là “Đại tướng 5 sao”, William Westmoreland gọi ông là “Tướng huyền thoại”.
Đại tướng Peter Mac Donald, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự người Anh, trong công trình nghiên cứu của mình đã viết: “Từ năm 1944 đến 1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những vị thống soái lớn của mọi thời đại... Với 30 năm làm Tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh”.
Nhiều tác giả phương Tây cũng tự hỏi, làm thế nào một giáo sư sử học, một cựu nhà báo lại trở thành một vị tướng có nhiều chiến công hiển hách có thể so sánh với các tướng lĩnh giỏi nhất trong lịch sử. Câu trả lời của Đại tướng được nhắc lại trong nhiều dịp: “Trường quân sự duy nhất tôi đã học là chiến tranh nhân dân”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có hai lần tiếp Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và những người Mỹ cùng đi. Lần thứ nhất là vào ngày 9-11-1995 và lần thứ hai là ngày 23-6-1997. Theo McNamara, đó là những lần gặp gỡ đầy ấn tượng. Các ghi chép cho biết, khi phía Mỹ đưa ra các câu hỏi về vấn đề có những cơ hội nào có thể vãn hồi hòa bình ở Việt Nam mà đã bị cả hai bên bỏ qua..., Đại tướng khẳng định rằng: “Phía Việt Nam đã không để lỡ một cơ hội nào vì dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình...”.
Từ điển Bách khoa quân sự Pháp, Từ điển Bách khoa quân sự Mỹ, công trình của các nhà khoa học, chính khách, tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử... đều tỏ thái độ kính phục, ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên và hình ảnh của ông được ghi lại như một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất.
Thế giới kính trọng, tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nghe tin ông qua đời. Tin tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần đã chiếm vị trí nổi bật trên hầu khắp ấn phẩm của các hãng truyền thông quốc tế. Reuters, AFP, AP, CNN, The Straits Times, Bloomberg, TIME, Financial Times, Aljazeera, Kyodo news, Yonhap, Tân Hoa xã... đều đồng loạt đăng tải thông tin, phân tích, bình luận, đánh giá về sự ra đi của vị Đại tướng huyền thoại với những từ ngữ tốt đẹp nhất. Sẽ khó có một Võ Nguyên Giáp thứ hai trong lịch sử quân sự thế giới...
The Times, tạp chí danh tiếng của Mỹ từng 3 lần sử dụng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở trang bìa (trong các số ra ngày 17-6-1966, 9-2-1968, tháng 5-1972). Ngay trong số báo ra ngày 5-10-2013 cũng đã dành hẳn một bài viết 1.483 chữ với tựa đề: “Đại tướng huyền thoại của Việt Nam Võ Nguyên Giáp”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét