Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021
Quân đội chủ trì lo lương thực cho TP HCM
TP HCM thực hiện Chỉ thị 16 nghiêm ngặt hơn theo phương châm “mỗi xã phường là một pháo đài”; trong đó quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân.
Tối 19/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về phòng chống Covid-19.
Theo đó, việc chống dịch thời gian tới sẽ chuyển từ tập trung cao độ ở cấp thành phố sang "hai mũi" vừa tập trung, vừa phân tán xuống tận phường, xã.
Chính phủ và thành phố bảo đảm mọi nhu cầu để mỗi xã phường là một pháo đài trong mọi khâu: Dứt khoát thực hiện "ai ở đâu ở đó", giãn cách, phong toả nghiêm ngặt; bảo đảm an sinh xã hội, lo ăn, ở cho người dân; tăng cường xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện F0, bóc tách nguồn lây khỏi cộng đồng, điều trị F0 ngay tại xã phường.
Thủ tướng yêu cầu phải đánh giá tình hình, phân loại toàn bộ 312 xã phường tại TP HCM theo mức nguy cơ "xanh, đỏ, vàng" để giữ vững, mở rộng các xã, phường "vùng xanh", cô lập, thu hẹp "vùng đỏ", "vùng vàng". Để thực hiện nghiêm ngặt, thực chất hơn Chỉ thị 16 tại TP HCM, Thủ tướng yêu cầu "thực hiện bằng được" sáu nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, thực hiện cách ly triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã phường với xã phường; nếu thiếu lực lượng bảo đảm cho công tác này thì công an, quân đội sẽ đáp ứng.
Thứ hai, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương và phối hợp của các lực lượng khác, quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân; đồng thời hết sức linh hoạt, tận dụng các biện pháp khác để cung ứng lương thực, thực phẩm.
Theo Thủ tướng, muốn thực hiện cách ly nghiêm ngặt, người dân chấp hành theo tinh thần "ai ở đâu ở đó" thì phải đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của người dân, gồm: Bảo đảm an sinh xã hội, không để bất kỳ ai thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng mọi yêu cầu y tế của mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. "Trên cơ sở đó, vận động, kêu gọi và hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định. Đây là hai mặt của một vấn đề để thực hiện thành công giãn cách xã hội", ông nói.
Thứ ba, năng lực y tế cho cấp xã phường sẽ được tăng cường về oxy, trang thiết bị, vật tư, y tá, bác sĩ, điều dưỡng... để điều trị người bệnh ngay tại đây; chuẩn bị xe cấp cứu, trung tâm cấp cứu tại từng quận, huyện để đáp ứng khi cần. Như vậy, có ba tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19: Xã phường; quận huyện và thành phố. Tuyến trên chủ yếu lo cho những trường hợp nặng.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục thí điểm điều trị tại nhà các F0 không có triệu chứng; nghiên cứu nhiều biện pháp phù hợp khác như điều trị tại bất cứ nơi nào tốt nhất, có không gian thoáng mát; kết hợp đông y và tây y...; giảm tối đa các trường hợp tử vong. Bộ Y tế hướng dẫn những nội dung này.
Thứ tư, tăng cường lực lượng công an để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân.
Thứ năm, về an sinh xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để không bỏ sót nhóm người cần cứu trợ; lực lượng công an cơ sở tăng cường nắm tình hình để cung cấp ngay lương thực, thực phẩm cho những người vô gia cư, lang thang...
Thứ sáu, tổ chức xét nghiệm "thần tốc" theo hướng dẫn của Bộ Y tế với các hình thức phù hợp, kể cả đến tận nhà xét nghiệm; phát hiện F0 nhanh nhất, tuyệt đối không bỏ sót, phân loại điều trị ngay, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Thủ tướng cũng yêu cầu tính toán khả năng di dời một bộ phận người dân ra khỏi một số địa điểm để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực, như kinh nghiệm đã được thực hiện tại một số tỉnh phía Bắc; sử dụng doanh trại quân đội, trường học, cơ sở lưu trú... cho việc này.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp tục thúc đẩy ngoại giao vaccine. Phó thủ tướng Lê Minh Khái phụ trách hậu cần, tài chính, xuất cấp dự trữ quốc gia... Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách phòng chống dịch và y tế. Phó thủ tướng Lê Văn Thành phụ trách cung ứng hàng hóa.
Cùng với đó, "các Bộ trưởng phải vào cuộc ngay, không chập chờn", để thực hiện các nhiệm vụ nói trên.
Thủ tướng cũng chỉ đạo cụ thể các nhiệm vụ liên quan tới tiêm vaccine, theo hướng có thể huy động lực lượng y tế của công an và quân đội hỗ trợ; huy động nguồn lực tư nhân trong phòng chống dịch... Ông lưu ý, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng nhất, là ưu tiên số một hiện nay, nhưng cũng không thể bỏ quên, lơ là, để tê liệt các hoạt động, các nhiệm vụ quan trọng khác.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý "mặc dù xác định mỗi xã phường là một pháo đài" nhưng trong triển khai thực tế phải cố gắng đánh giá nguy cơ dịch bệnh nhỏ nhất đến từng khu phố, từng tổ dân cư, để giữ, củng cố vùng xanh nhỏ nhất, "không mặc đồng phục" chống dịch ngay từ quy mô xã, phường.
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của các tỉnh, thành; trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân... Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các bộ ngành làm việc trực tiếp, cụ thể với từng địa phương để tính toán phương án chi tiết cung ứng hàng hóa cho người dân.
"Cố gắng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu muôn hình vạn trạng trong thực tiễn", Đại tướng Phan Văn Giang nói.
Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Sơn cũng khẳng định, Bộ sẵn sàng huy động lực lượng cao nhất cho các tỉnh phía Nam để tham gia bảo vệ an ninh, an toàn, an dân, có thể chi viện cả lực lượng y tế nếu cần thiết.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, trong những ngày tới có thể chi viện thêm 3.000 nhân lực cho TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Thời gian tới, khi các địa phương tăng cường xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng thì sẽ phát hiện thêm các ca nhiễm, đẩy số ca nhiễm tăng cao. Vì vậy, Bộ Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị kỹ các phương án điều trị với các kịch bản số ca nhiễm cao. Mục tiêu là phải giảm tối đa số trường hợp tử vong.
Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong nói thành phố đặt mục tiêu trong giai đoạn từ 15/8 đến 31/8 phải giảm tối đa trường hợp tử vong, không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng không được tiếp nhận điều trị; kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại một số quận, huyện.
Thành phố sẽ triển khai các biện pháp với dự kiến từ ngày 1/9 đến ngày 15/9 duy trì kiểm soát được lây nhiễm trong cộng đồng.
Bộ Tư lệnh thành phố, Công an và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố sẽ thành lập khoảng 200 đội công tác đặc biệt để kiểm soát việc thực hiện giãn cách, hỗ trợ lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân; 400 trạm y tế lưu động tại các phường, xã có nhiều F0; xét nghiệm nhanh và PCR toàn bộ các hộ dân trong "vùng đỏ"; bổ sung thêm một số trường hợp nguy cơ cao...
Thành phố đề nghị hỗ trợ thêm hàng nghìn cán bộ y tế, hàng trăm đội lấy mẫu, xét nghiệm; một số xe xét nghiệm lưu động... Với tốc độ tiêm vaccine hiện nay, đến cuối tháng 8, địa phương có thể đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm vaccine.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh khẳng định với việc kiên trì xét nghiệm diện rộng để đánh giá tình hình, tỉnh đã có các biện pháp ứng phó phù hợp theo từng vùng nguy cơ. Đến nay Bình Dương đã ghi nhận 52.000 ca nhiễm, chuẩn bị kịch bản 100.000 ca nhiễm.
Đến ngày 15/8 Bình Dương đã có 5 huyện, thị cơ bản chuẩn bị trở lại trạng thái bình thường mới; dự kiến sẽ có thêm 2 địa phương nữa được "xanh hoá". Còn hai "vùng đỏ" là TP Thuận An và thị xã Tân Uyên, với khoảng 22 xã, phường. Tỉnh Bình Dương đã xác định sẽ "xanh hoá" 11 phường và tập trung lực lượng để kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại 11 phường, xã còn lại với 880.000 dân vào ngày 15/9.
Bí thư Tỉnh uỷ Long An Nguyễn Văn Được cho biết, đến nay số ca lây nhiễm cộng đồng trên địa bàn tỉnh cơ bản đi ngang. Từ nay đến cuối tháng 8, tỉnh sẽ xét nghiệm theo xã, phường, những "vùng đỏ" sử dụng xét nghiệm nhanh, quét nhiều lần, "vùng xanh" làm xét nghiệm PCR mẫu gộp.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng báo cáo tỉnh có 5 huyện, thành phố được xác định là "vùng đỏ"; trong 2 tuần tới quyết tâm "bóc tách" hết F0 ra khỏi cộng đồng.
Sáng nay, ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM cho biết, từ 0h ngày 23/8, thành phố tăng cường biện pháp chống dịch với yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố... Chủ trương này được đưa ra khi TP HCM đã ghi nhận 164.342 ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ tư và trải qua 43 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, và 16 tăng cường.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét