Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

  

SỬ DỤNG DƯ LUẬN XÃ HỘI HIỆU QUẢ TRONG LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ 

Để nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho mỗi cán bộ, đảng viên, kịp thời ứng phó linh hoạt, đấu tranh hiệu quả các quan điểm đi ngược lại đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước, thường xuyên nắm bắt dư luận xã hội là yêu cầu quan trọng, cấp bách và cần thiết. Kết quả nắm bắt dư luận xã hội là một trong những cơ sở thực tiễn quan trọng để các nhà lãnh đạo, quản lý cân nhắc trước khi ra các quyết định quản lý phù hợp và có hiệu quả.

Trong một thời gian dài, ở Việt Nam có nhiều quyết định, văn bản pháp lý được ban hành nhưng tính khả thi trên thực tế không cao. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến các văn bản, chính sách chưa đạt như mong muốn về tính khả thi trên thực là do cơ quan soạn thảo chưa chú ý hoặc chưa tiến hành điều tra dư luận để làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc ban hành các chính sách. Nắm bắt được dư luận xã hội không chỉ giúp cho các nhà lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ của mình mà còn đem đến hiệu quả nhiều mặt về kinh tế - xã hội. Thông qua nắm bắt dư luận, các nhà quản lý biết được phản ứng của người dân trước các quyết định của các nhà quản lý có thể dự đoán được phản ứng của người dẫn để những quyết sách phù hợp, cũng như giúp người dân nhận thức thực hiện được quyền làm chủ của mình. Kết quả điều tra dư luận xã hội dùng làm thông tin đầu vào, phương tiện để định hướng dư luận

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng. đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”[1].  “Nắm bắt dư luận xã hội kịp thời được coi là phương pháp tiếp cận, tìm hiểu, lắng nghe dư luận xã hội của quần chúng nhân dân và dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên”[2]. Mỗi người mỗi ý và có thể có nhiều ý kiến khác nhau, do vậy cần biết cách thu thập, tập trung các kiến và phân tích, so sánh để rút ra những ý kiến đúng đắn để có thể đưa ra quyết định giải quyết vấn đề. Phương pháp nắm bắt dư luận xã hội gồm các bước cụ thể như sau: 1) Thu thập các loại ý kiến của các tầng lớp xã hội khác nhau về những vấn đề nhất định; 2) So sánh kỹ, phân tích kỹ các nội dung của các loại ý kiến thu được; 3) Phát hiện ra mâu thuẫn trong các ý kiến, phân biệt cái đúng và cái sai trong các ý kiến, lựa chọn ý kiến đúng trong số các ý kiến đã có; 4) Đem ý kiến đúng đã được lựa chọn cho người dân bàn bạc, so sánh và giải quyết vẫn đề. Chỉ nắm bắt được dư luận xã thì vẫn chưa đủ, mà quan trọng là phải làm cho dân giác ngộ và tham gia bày tỏ ý kiến, bàn bạc, lựa chọn, quyết định, thực hiện.

Trên thực tế, phương pháp nắm bắt dư luận xã hội có thể được thực hiện thông qua việc tiếp xúc, gặp gỡ và hỏi chuyện các cá nhân có liên quan. Trong trường hợp này, tốt nhất là nên tìm gặp những người thạo tin, những “thủ lĩnh dư luận xã hội" ở cơ quan, tổ chức, cộng đồng. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, việc nắm bắt thông tin có thể được thực hiện nhanh chóng và có hiệu quả thông qua việc tiếp cận các phương tiện truyền thông đại chúng như: nghe đài, xem tivi, đọc báo chí và lướt mạng, truy cập các trang tin và tìm thông tin đại chúng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng không phải dễ dàng bởi có quá nhiều thông tin đại chúng để có thể tìm chọn được thông tin cần thiết.

Trong giai đoạn hiện nay, tận dụng thành tựu phát triển của công nghệ 4.0, các thế lực thù địch đã sử dụng nhiều chiêu bài khác nhau, đặc biệt là lợi dụng những ưu thế của mạng xã hội để chống phá. Các đối tượng thù địch rêu rao về "thanh trừng, đấu đá nội bộ trong Đảng". Khi chúng ta kiên quyết đấu tranh với tệ “tham nhũng”, xử lý các cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao trong lực lượng vũ trang có vi phạm pháp luật nhằm giữ nghiêm kỷ cương, không ngừng làm trong sạch bộ máy thì các phần tử phản động, chống đối chính trị lại rêu rao rằng: "đang có cuộc thanh trừng, đấu đá nội bộ trong Đảng", "cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc đấu đá phe cánh". Chúng âm mưu làm xói mòn lý tưởng cách mạng, xúi bẩy lực lượng vũ trang từ bỏ trách nhiệm bảo vệ Nhà nước và chế độ…

Vì vậy, trước tình hình thực tiễn phức tạp hiện nay, cán bộ, đảng viên nói chung, người lãnh đạo, quản lý trong bộ máy quản lý Nhà nước nói riêng cần phải nắm bắt dư luận xã hội kịp thời, sàng lọc chính xác, sử dụng hiệu quả dư luận xã hội có lợi cho Đảng, Nhà nước và quân đội là quan trọng, cấp bách và cần thiết.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, E5, tr.326..

[2] Lê Ngọc Hùng: Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất và phương pháp tiếp cận dư luận xã hội, Tạp chí Cộng sản, số 11 (6), 2006, tr.27-31

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét