Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

THỰC TIỄN CHỨNG MNH XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN Ở VIỆT NAM LÀ CHIẾN LƯỢC ĐÚNG ĐẮN

 

Trong thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội lại xuất hiện một số thông tin cho rằng; việc thực hiện Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, là không thực tế; không khả thi và cần phải bác bỏ. Đó là những luận điệu cố tình bóp méo, xuyên tạc sự thật của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam. Bài viết đưa ra một vài dẫn chứng thực tiễn; Đảng, nhà nước, nhân dân ta đã và đang làm rất thành công trong hơn 75 năm qua, không như những gì các thế lực phản động, thù địch đã xuyên tạc.

     Trước hết quan điểm của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là quá trình đúc kết, kế thừa có chọn lọc tư tưởng nhà nước pháp quyền trong lịch sử tư tưởng nhân loại và là sự vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể ở nước ta. Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề Nhà nước và pháp luật giữ một vị trí đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân.

Hồ Chí Minh cho rằng, nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực Nhà nước. Toàn bộ quyền lực Nhà nước đều bắt nguồn từ nhân dân. Điều 1, Hiến pháp 1946 do Người làm Trưởng ban soạn thảo, khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được thể hiện xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Đó là xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, dân tộc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo”, được cụ thể hóa tại Khoản 1, Điều 2, Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị...”.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được khẳng định trong các bản Hiến pháp của Việt Nam. Với Hiến pháp năm 1946, chủ nghĩa lập hiến và quyền con người từ các giá trị tư tưởng đã trở thành các giá trị pháp luật hiện thực trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. Những quy định của Hiến pháp năm 1946 là những chuẩn mực hiến định đầu tiên cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Đã hơn 75 năm qua, 5 bản Hiến pháp đã lần lượt tương ứng với các giai đoạn phát triển của cách mạng nước ta. Vượt lên tất cả sự thăng trầm, phức tạp của thời cuộc, mỗi bản Hiến pháp (các năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013) là một mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và củng cố Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đang thấm dần vào cuộc sống; với những mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành một nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” dưới sự lãnh đạo của Đảng là một xu thế khách quan, mang tính quy luật; tạo sự đồng thuận và quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Với sự đồng thuận của trên 90 triệu người dân Việt Nam, đã tạo thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, không có thế lực phản động nào có thể phủ nhận hay xuyên tạc, bôi nhọ được thực tế này./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét