Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2021

Tư tưởng Hồ Chí Minh về hoạt động lập pháp

Tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất; từ tinh thần tương thân tương ái, lòng nhân nghĩa, ý thức đoàn kết cộng đồng và ý chí vươn lên vượt qua mọi khó khăn thử thách của con người Việt Nam; là sự kết hợp các giá trị truyền thống của văn hóa phương Đông với các thành tựu hiện đại của văn minh phương Tây. Nếu như chủ nghĩa yêu nước là nguồn gốc ra đời thì Chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc lý luận chủ yếu nhất cho sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật - một trong những nội dung cốt yếu trong kho tàng phong phú của hệ thống tư tưởng của Người - được hun đúc ngay từ tuổi thiếu niên đến trước ngày Người ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Từ khi hình thành đến năm 1969, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, trong đó có tư tưởng về hoạt động lập pháp, liên tục được Người bổ sung và phát triển làm cơ sở lý luận, kim chỉ nam cho hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước ta.

Những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về hoạt động lập pháp được thể hiện qua quan điểm chính sau:

Thứ nhất, tư tưởng Hồ Chí Minh về sự bất khả xâm phạm của chủ quyền quốc gia, tính thiêng liêng của độc lập dân tộc

Hồ Chí Minh khẳng định bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là tất yếu, là tuyệt đối và có ý nghĩa chiến lược, xuyên suốt quá trình cách mạng, chi phối đến các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp, đến mọi lĩnh vực hoạt động từ kinh tế - xã hội đến chính trị, từ văn hóa đến khoa học, từ ngoại giao đến quân sự, quốc phòng, an ninh… của quốc gia, dân tộc. Theo Hồ Chí Minh, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là nhiệm vụ bắt buộc, là hành động tất phải thế, chứ không thể khác, có chăng chỉ con đường, biện pháp, cách thức để bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia ở mỗi một thời điểm khác nhau mà thôi. Tính nhất quán đó xuất phát từ chính sự thiêng liêng của chủ quyền, lãnh thổ quốc gia với một dân tộc, bởi đó không chỉ là bảo vệ những giá trị hiện hữu như vùng đất, vùng trời, vùng biển - những thứ cha ông ta đã dày công xây dựng, gìn giữ và truyền lại - mà còn là bảo vệ những giá trị văn hóa, tinh thần phong phú, đa dạng, tốt đẹp có từ ngàn năm trên lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Độc lập dân tộc là tư tưởng chủ đạo, chi phối toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh, Người khẳng định: Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu. Theo Hồ Chí Minh, độc lập, tự do dân tộc phải thực sự, hoàn toàn, chứ không phải là thứ độc lập, tự do giả hiệu giống như "cái bánh vẽ" mà chủ nghĩa đế quốc nêu ra. Độc lập dân tộc phải được biểu hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, các quyền dân tộc, quyền con người phải được thực hiện trên thực tế. Độc lập dân tộc phải gắn liền với tự do của Nhân dân. Người chỉ rõ: "Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì".

Tư tưởng của Người về chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay. Đây là cơ sở ý thức hệ quan trọng cho mọi hoạt động của cơ quan nhà nước, cho ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân, là căn cứ, mục tiêu và động lực của hoạt động lập pháp ngày nay. Có thể dễ dàng nhận thấy, trong tâm thức mỗi người Việt Nam yêu nước vẫn còn vang vọng lời Bác dạy trong bản Tuyên ngôn độc lập: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Thứ hai, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền nhân dân, tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân

"Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam" - đó là tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh. Quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân, do nhân dân ủy thác cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, Hồ Chí Minh cho rằng nhân dân có quyền kiểm soát đại biểu mà mình đã bầu ra. Người viết: "Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình". Người căn dặn: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật".

Có thể khẳng định rằng, trong tư tưởng Hồ Chí Minh chữ “DÂN” được đặt vào vị trí tối thượng. Người luôn căn dặn: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Mọi việc lớn nhỏ đều nhằm làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân. Đem tài dân, sức dân để làm lợi cho dân, để mưu cầu hạnh phúc cho dân, bởi dân là chủ thể, dân là thước đo chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Đối với Người, ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý.

Thứ ba, tư tưởng Hồ Chí Minh về đề cao tính tối thượng của pháp luật - Trăm điều phải có thần linh pháp quyền.

Năm 1919, khi Hội nghị Hòa Bình Pa-ri họp tại Véc-xây, nhân danh nhóm người Việt Nam yêu nước, Hồ Chí Minh - lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, đã gửi đến Hội nghị "Bản yêu sách của nhân dân An Nam" gồm 8 điểm với các nội dung đòi cải cách nền pháp lý ở Đông Dương, dành cho người bản xứ cũng được hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như mọi người châu Âu, và đặc biệt, đòi "thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật".

Ba năm sau, năm 1922, Yêu sách về quyền của người dân và chế độ pháp lý của Nhà nước với Hiến pháp ở vị trí tối thượng được Người khái quát, nâng lên thành tâm niệm linh thiêng, khắc khoải lòng người trong "Việt Nam yêu cầu ca":

          "Bảy xin Hiến pháp ban hành

          Trăm điều phải có thần linh pháp quyền".

Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy được mối quan hệ hữu cơ, máu thịt giữa quyền làm chủ xã hội, quyền dân chủ, tự do của nhân dân với Hiến pháp và các đạo luật, thấy được vai trò của Hiến pháp, của các đạo luật trong việc làm thay đổi tính chất của một chế độ chính trị. Với Hồ Chí Minh, thần linh pháp quyền không mơ hồ, xa xôi. Người đã nhận thức rằng, để xây dựng được Nhà nước pháp quyền, nơi mà mỗi người đều phải phục tùng và tôn trọng luật pháp, thì pháp luật phải có vị trí tối thượng như thần linh. Đây được coi như một bản Cương lĩnh lập hiến dẫn dắt con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, thành lập Nhà nước dân chủ nhân dân, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ tự do và quyền làm chủ của nhân dân; là sợi chỉ đỏ cho hoạt động lập pháp, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta.

Thứ tư, tư tưởng Hồ Chí Minh về yêu cầu mục đích của pháp luật là phải nhân đạo, nhân văn, vì con người

Với lòng yêu nước thương dân vô hạn, Hồ Chí Minh luôn mong muốn xây dựng hệ thống pháp luật nhân đạo, nhân văn vì nhân dân lao động, vì con người sau khi đã giành được chính quyền. Với Người, pháp luật là do con người và vì con người, không theo kiểu pháp luật độc tôn. Pháp luật phải có tính hài hòa, giải quyết mối quan hệ giữa người với người, giữa người với công việc trên nền tảng có lý, có tình.

Hệ thống pháp luật mà Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng là sản phẩm của chế độ có một "mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người… đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy". Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Người yêu cầu: "Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ” và chính Người đã chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 với những nội dung thể hiện đậm nét tính dân chủ, vì con người. Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1950, Người chỉ rõ: "Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động… Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động". Như vậy, trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, pháp luật sinh ra không vì một cái gì khác hơn là vì dân. Đây là nguyên tắc cơ bản cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta từ khi giành độc lập cho đến tận hôm nay và mai sau.

Thứ năm, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng pháp luật quốc tế

Tôn trọng pháp luật quốc tế là tầm nhìn rất xa và rộng của Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn chủ trương đẩy mạnh mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với nhân dân thế giới. Hồ Chí Minh nói: Đối với tất cả các nước trên thế giới, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết tha mong muốn duy trì tình hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tương trợ để xây dựng hòa bình thế giới lâu dài. Lời Người nói đã diễn đạt đầy đủ nguyện vọng, quan điểm và đường lối đối ngoại của Việt Nam lúc bấy giờ là duy trì tình hữu nghị, sự hợp tác chân thành với tất cả các nước trên thế giới dù có chế độ chính trị khác nhau, trên nguyên tắc bình đẳng và tương trợ lẫn nhau nhằm xây dựng hòa bình trên thế giới. Quan điểm của Người là nền tảng tư tưởng cho đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta và là cơ sở để các nước có chế độ chính trị khác nhau trên thế giới công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây chính là kim chỉ nam cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đối ngoại và hội nhập của Việt Nam.

Thứ sáu, tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm dân chủ trong quá trình xây dựng pháp luật

 Trong xây dựng hệ thống pháp luật, Hồ Chí Minh rất chú trọng tính dân chủ. Theo Người, muốn có được hệ thống pháp luật như vậy, sự tham gia của nhân dân trong quá trình xây dựng pháp luật là điều kiện tiên quyết. Trong tác phẩm Thường thức chính trị, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Cách mạng tháng Tám thành công ta lập ra Chính phủ mới với “pháp luật mới của nhân dân để chống kẻ địch trong và ngoài, và để giữ gìn quyền lợi của nhân dân. Trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 1959, việc bảo đảm sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân vào xây dựng pháp luật được Người đặc biệt quan tâm. Để đảm bảo pháp luật thực sự của nhân dân, trong quá trình xây dựng Hiến pháp, Hồ Chí Minh yêu cầu: "Bản Hiến pháp chúng ta sẽ thảo ra… phải tiêu biểu được các nguyện vọng của nhân dân… Sau khi thảo xong, chúng ta cần phải trưng cầu ý kiến của nhân dân cả nước một cách thật rộng rãi. Có như thế bản Hiến pháp của chúng ta mới thật sự là một bản Hiến pháp của nhân dân, của chế độ dân chủ"

Hồ Chí Minh nhận định: "phải nhận thức cho tốt và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật"; "sự bình đẳng trong xã hội ở nơi pháp luật" và "dân chủ đúng đắn cũng ở nơi pháp luật". Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng pháp luật phải hướng tới mục tiêu dân chủ, tiến bộ để từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Từ những luận điểm nêu trên, có thể khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước, pháp luật nói chung, về hoạt động lập pháp nói riêng là tài sản tinh thần quý báu phải được gìn giữ, bảo vệ và phát huy trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập, công nghiệp hóa và hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền XHCN, góp phần củng cố, tạo nền tảng quan trọng cả về lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam. Học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, trong đó có tư tưởng của Người về hoạt động lập pháp là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, là mong mỏi, tâm huyết của toàn thể nhân dân.

Qua gần 76 năm xây dựng và phát triển của Nhà nước và sau 35 năm Đổi Mới, thế và lực của đất nước ta đã ở một tầm khác. Đời sống của đại đa số người dân - chủ nhân của đất nước có những thay đổi căn bản. Từ thôn quê tới đô thị đều mang một diện mạo mới mà chúng ta khó có thể hình dung vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới.

Về hoạt động lập pháp, cho tới nay, đại đa số các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đều có văn bản tầm luật điều chỉnh với hơn 230 bộ luật và luật đang có hiệu lực áp dụng. Chúng ta đã xây dựng được hệ thống pháp luật tương đối ổn định, đồng bộ, thống nhất, có sự gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các chỉ đạo, chủ trương của Đảng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng pháp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh, các quyền về an sinh xã hội của công dân, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp; ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội...  Những kết quả đó là thành quả của khát vọng, ý chí vượt khó vươn lên, sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về hoạt động lập pháp để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ sự nghiệp bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Mai Năm Mới (ST)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét