Thực tế tại các quốc gia trên thế giới đều cho thấy, khi công dân vi phạm pháp luật sẽ phải chịu xử lý theo quy định, không ngoại trừ đó là ai, hoạt động trong lĩnh vực nào. Tuy nhiên, các năm qua, mỗi khi Việt Nam khởi tố, điều tra, xét xử công dân hoạt động trong lĩnh vực báo chí có hành vi vi phạm pháp luật, ngay lập tức một số tổ chức, hiệp hội phóng viên, ký giả quốc tế lại lớn tiếng cho rằng đó là "vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí".
Việt Nam luôn quan tâm, bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân, đồng thời sẵn sàng nghiêm túc ghi nhận, xem xét báo cáo, đánh giá, thư ngỏ,… từ các tổ chức nhân quyền hoặc báo chí bằng thái độ công bằng, cầu thị. Các năm qua, Nhà nước Việt Nam thường xuyên tổ chức, tạo điều kiện cho các phóng viên quốc tế theo dõi, đưa tin tại các sự kiện quan trọng của Việt Nam và thế giới tổ chức tại Việt Nam, giúp phóng viên nước ngoài tham quan tìm hiểu về cuộc sống và tình hình nhân quyền trong nước, cho phép phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại một số cơ sở trại giam để có cái nhìn khách quan, công tâm hơn về vấn đề tù nhân, bác bỏ các cáo buộc vô căn. Tuy nhiên, như mọi quốc gia tôn trọng pháp quyền trên thế giới, Nhà nước Việt Nam tuyệt đối không nhượng bộ, bỏ qua hành động vi phạm pháp luật dưới chiêu bài "tự do ngôn luận, tự do báo chí". Vì thế những tổ chức xưng danh phóng viên, ký giả quốc tế cần xem lại sự nhân danh cũng như hành động thực tế của họ để sớm điều chỉnh hành xử một cách văn minh, không đưa ra các báo cáo sai lệch, thiên vị, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các quốc gia. Nếu không những hành vi đó sẽ tự làm tổn hại đến uy tín của chính họ và sẽ biến các tổ chức này trở thành lực cản, ngược chiều với xu hướng tự do, dân chủ, văn minh, tiến bộ của thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét