Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

 

Mệnh lệnh của tương lai

 “2022 sẽ phải là năm mà chúng ta chấm dứt đại dịch COVID-19” - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus “đặt mục tiêu”, ngày 20-12. Trong khi đó, tính đến sáng 21-12, tổng số ca tử vong trên toàn thế giới đã gần đạt mốc 5,4 triệu người. Và, nước Mỹ - cường quốc số 1 - cũng đã có ca tử vong đầu tiên do siêu biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2. Thế giới thực sự không có nhiều lựa chọn vào thời điểm năm 2021 này đang dần khép lại. 
“Có bằng chứng nhất quán cho thấy: Biến thể Omicron lây nhanh hơn đáng kể so với biến thể Delta. Những người đã tiêm phòng vaccine, hoặc đã hồi phục sau khi mắc COVID-19, vẫn có nhiều khả năng bị nhiễm hoặc tái nhiễm", người đứng đầu WHO khẳng định.
Thực tế đó là một cú đánh tàn nhẫn, giáng vào hy vọng le lói của những quốc gia, những nền kinh tế, những kết cấu xã hội và cả những cá nhân đã kiệt quệ sau cả một năm dài gắng gượng chống chọi với biến thể “tiền nhiệm” của Omicron, trong tư cách là mối hiểm họa đe dọa sự tồn vong của toàn nhân loại.
Và, ngay cả ở những đất nước phát triển hàng đầu, hiện thực cũng không mấy tươi sáng. 6 tháng trước, thí dụ như Anh hay Mỹ - những quốc gia đi đầu về nghiên cứu sản xuất cũng như tiêm chủng vaccine diện rộng - tưởng như cuộc sống bình thường đã trở lại, với các nhà hàng và quán bar chật người, với các sân vận động đầy ắp cổ động viên tại Vòng chung kết EURO, với các hãng hàng không bán sạch vé...
Nhưng, bây giờ, ngày 20-12, thủ đô Washington D.C của nước Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp và biện pháp đeo khẩu trang bắt buộc tại các khu vực công cộng cụ thể được khôi phục. Còn bên kia Đại Tây Dương, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không loại trừ khả năng thắt chặt hơn các biện pháp hạn chế, nếu cần phải làm để bảo vệ người dân”.
Cùng ngày, Hội đồng châu Âu (European Council/EC) đạt được thỏa thuận chính trị về quy định cho phép kích hoạt các biện pháp đối phó y tế khẩn cấp và có mục tiêu của Cơ quan ứng phó và chuẩn bị khẩn cấp y tế châu Âu (HERA) trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng ở Liên minh châu Âu (EU). Các biện pháp này bao gồm cung cấp và mua sắm nguyên liệu, cũng như thực hiện các biện pháp đối phó y tế liên quan đến khủng hoảng, kích hoạt các cơ sở công nghiệp dành riêng để sản xuất vaccine, phương pháp điều trị... và nhất là khả năng thành lập Ủy ban Khủng hoảng y tế với các quốc gia thành viên.
Thỏa thuận này được kỳ vọng biến HERA thành “tháp canh” và “lá chắn” của EU chống lại các mối đe dọa về sức khỏe trong tương lai. Nó đảm bảo cho HERA có thể hoạt động nhanh chóng trong các giai đoạn khủng hoảng, để châu Âu có thể đi trước đón đầu và có trang thiết bị y tế cần thiết ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế, cũng như bảo vệ công dân khỏi các mối đe dọa sức khỏe trong tương lai.
Và ở một khía cạnh khác, nó cũng phản ánh nỗi lo lắng trên tầm cao về các diễn biến khôn lường của đại dịch, kể cả ở một khu vực phát triển nhất thế giới như cựu lục địa.
Năm 2020 và 2021, có quá nhiều guồng máy đã ngưng trệ, quá nhiều thời gian đóng băng và phí hoài, khi tất cả đều tê liệt với nguyên nhân hàng đầu là chuyện không định lượng được chính xác sức tàn phá của dịch bệnh.
Vậy thì, làm thế nào để loài người chấm dứt được đại dịch trong năm 2022?
Chia sẻ, gắn kết và hy sinh
Thuần túy về lĩnh vực y tế, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm phủ vaccine toàn cầu vẫn là công cụ duy nhất nhằm ngăn chặn khả năng bùng phát của đại dịch, trước khi các đại gia ngành dược toàn cầu điều chế được thuốc điều trị COVID-19 đích thực. Cho dù vẫn có khả năng nhiễm hay tái nhiễm, song theo các báo cáo y học mới nhất, những người đã được tiêm vaccine sẽ mắc nhẹ hơn và có nhiều cơ hội sống sót hơn. Bên cạnh đó, Moderna hay Pfizer/BioNTech cũng khẳng định rằng mũi tăng cường thứ ba sẽ làm gia tăng khả năng bảo vệ của dược lực.
Vấn đề là, nói thì đơn giản, song chính điều này lại tạo một thách thức gần như không thể vượt qua, đối với hầu hết các quốc gia chưa và đang phát triển.
Hiển nhiên, với những khuyến cáo mới nhất ấy, các nước “giàu” sẽ chi tiền “bạo tay” hơn, nhằm có đủ vaccine tiêm chủng cho công dân của mình trước - điều không có gì là sai. Cũng vì thế, những nước “nghèo” sẽ lại càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn cung vaccine, đặc biệt là các khu vực không có đủ cả tiềm lực tài chính lẫn mức độ phát triển về khoa học y tế để gia tăng sự chủ động.
 Mà suốt năm qua, tình trạng bất bình đẳng về nguồn cung vaccine đã, đang và vẫn là một vấn đề nhức nhối. Bất cứ ai có lương tri cũng sẽ cảm thấy khó chấp nhận được việc hàng triệu liều vaccine bị quá hạn sử dụng phải tiêu hủy ở các nước giàu, trong khi đến tận tháng 12-2021 này, ở châu Phi, mới chỉ xấp xỉ 13% người dân được bảo vệ bởi tiêm chủng. Những nỗ lực san sẻ không mệt mỏi, nhất là thông qua cơ chế COVAX, vẫn chỉ như “muối bỏ bể”.
Song, hơn thế, như các chuyên gia của WHO từng nhận định: Chính các “lỗ hổng” tiêm chủng toàn cầu cũng khiến “phòng tuyến” chống đại dịch dễ bị xuyên thủng hơn, khi không tạo được một vành đai liền mạch và tạo điều kiện để các chủng virus SARS-COV-2 dễ dàng thích ứng hơn, để “biến hình” thành những thứ đáng sợ hơn.
Vậy thì, để 8 tỷ người đều có cơ hội được bảo vệ - dù ở mức độ khác nhau - vì một lợi ích chung, thế giới có lựa chọn nào ngoài việc kiến lập các cơ chế hay mạng lưới chia sẻ vaccine cũng như công nghệ điều chế vaccine hiệu quả hơn?
Song, điều này quả thực vẫn còn quá xa vời. Vaccine ngừa COVID-19 hiện đang không chỉ là những mỏ vàng (đối với các tập đoàn dược phẩm quốc tế, thí dụ như mức tăng doanh thu tới hàng chục tỷ USD của Pfizer), mà còn là công cụ khuếch trương tầm ảnh hưởng địa chính trị của các trung tâm quyền lực quốc tế. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng đứng trước cả điều lớn lao là sự tồn vong của loài người lẫn điều thiết thực là mục tiêu nhanh chóng vãn hồi sự ổn định của guồng máy kinh tế toàn cầu, những quyết định “rộng rãi hơn” sẽ được đưa ra trong năm tới. COVID-19 đã trở thành một hồi chuông cảnh tỉnh, rằng không một quốc gia nào đủ sứcmột mình giải quyết tất cả những thách thức liên quan đến các mối đe dọa về sức khỏe xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, cho dù các mạng lưới gắn kết và chia sẻ vaccine có được thiết lập hay không, một vấn đề then chốt khác vẫn tồn tại: Nhận thức chung rằng thế giới sẽ không bao giờ trở lại như khi COVID-19 chưa xuất hiện nữa. Chúng ta sẽ bắt buộc phải hy sinh ít nhiều niềm vui cũng như sự thoải mái, đổi lại là sự bình an, cho cả bản thân lẫn những người thân yêu nhất.
Có những tiền lệ đã từng xảy ra trong lịch sử nhân loại vẫn luôn xứng đáng được lật lại để tham chiếu, như những bài học xương máu mang đến sự thay đổi mạnh mẽ đối với mọi xã hội. Thí dụ, sau những thời kỳ bị bệnh dịch hạch tàn phá, chuyện bảo đảm vệ sinh trong điều kiện sinh hoạt tại các thành phố lớn ở châu Âu trở thành một nhu cầu thiết yếu. Và thí dụ, sau đại dịch AIDS/SIDA cuối thế kỉ trước, sự an toàn trong sinh hoạt tình dục thông qua các biện pháp bảo vệ cũng đã ăn sâu vào tâm thức loài người.
Còn lần này, hãy lắng nghe Tổng Giám đốc WHO: Trong bối cảnh lễ hội cuối năm đang đến gần, các quốc gia nên hạn chế các sự kiện “vui vẻ”, vì cho phép đám đông tụ tập sẽ là "nền tảng hoàn hảo" để Omicron lan rộng. "Sẽ tốt hơn nếu hủy các sự kiện ngay bây giờ và tổ chức sau, hơn là ăn mừng ngay bây giờ và đau buồn sau này" - một lựa chọn khắc nghiệt nhưng cần thiết. Bởi, với tốc độ ca nhiễm tăng như hiện tại, mọi hệ thống y tế đều có nguy cơ rơi vào tình trạng quá tải.

Các quốc gia cần phải tự biết cách bảo vệ chính mình, mà hơn thế, mọi cá nhân cũng vậy. Hòa mình vào đám đông đợi đếm ngược đón mừng năm mới trên quảng trường Thời đại ở New York có thể là một trải nghiệm vô song nhưng nếu cái giá phải trả là sức khỏe và sinh mạng của chính mình?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét