Một trong những sáng kiến quan trọng nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là không ngừng chăm lo mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân và thường xuyên vun đắp cho khối đại đoàn kết đó ngày càng kết gắn, bền chặt. Đặc biệt, từ khi trở thành lãnh tụ của Đảng và Nhà nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt của mình cho đồng bào trong các giới tôn giáo nói chung và đồng bào công giáo nói riêng.
Nhân mùa nô-en về, xin được nói vài khía cạnh về tấm lòng của Bác đối với đồng bào Thiên Chúa giáo để một lần nữa khắc thêm trong ta hình ảnh của một con người đại nhân, đại trí, đại dũng...
Còn nhớ, ngay sau ngày
Cách mạng Tháng tám 1945 thành công, nước ta còn bao khó khăn, bộn bề công
việc, nhưng Bác kính yêu của chúng ta luôn dành một phần giờ quý báu của mình
lưu tâm tới đồng bào Thiên Chúa giáo. Ngày 14/10/1945, sau khi nhận được bức
thư của các giám mục và đồng bào công giáo ở Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình gửi đến,
ngay lập tức, Bác liền có thư cảm ơn. Đặc biệt, trong ngày Lễ Giáng sinh đầu
tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 25/12/1945, Người đã có Thư gửi
các linh mục và đồng bào công giáo Việt Nam. Bằng trí tuệ trác tuyệt của mình,
Người đã có những lời nói như truyền lửa, truyền lòng tự hào đến với đồng bào
theo đạo Thiên Chúa. Hình ảnh đầu tiên mà Người nhắc đến trong bức thư lại là
hình ảnh của “Đức Thiên Chúa đã giáng sinh để cứu nhân loại. Đức Thiên Chúa là
một tấm gương hy sinh triệt để vì những người bị áp bức, vì những dân tộc bị đè
nén, vì hoà bình, vì công lý”. Sau khi nhắc lại tấm gương hy sinh của đức Thiên
Chúa, Người khẳng định rằng: “Ngày mai, đồng bào cả nước, giáo và lương, đều
đoàn kết chặt chẽ nhất tâm, nhất trí như con một nhà, cương quyết giữ vững
quyền tự do, độc lập”. Người rất vui vì “Trong lịch sử nước Việt Nam lần này là
lần đầu tiên, đồng bào công giáo ta làm lễ Thiên Chúa giáng sinh một cách hoàn
toàn vui vẻ trong một nước Việt Nam độc lập”. Bức thư thể hiện sự quan tâm, tầm
nhìn, sự hiểu biết và niềm tin sâu sắc của Người đối với đồng bào Thiên Chúa
giáo. Mùa đông năm 1946 cũng vào dịp lễ Giáng sinh, Người lại có thư gửi đồng
bào công giáo. Trong thư, Người không những nêu rõ tấm gương “cứu thế độ dân,
hy sinh cho tự do, bình đẳng” của Đức Giê-su mà Người còn vạch trần âm mưu xâm
lược của Thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu này - một cuộc
chiến tranh “làm trái hẳn lòng bác ái của Đức Giê-su”. Đồng thời, Người cũng
lại bày tỏ niềm tin của mình rằng “Toàn thể đồng bào ta, không chia lương giáo,
đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông Tổ quốc, và cũng
để giữ gìn tín ngưỡng tự do”. Niềm tin đó của Người đã được các giáo dân, các
vị linh mục, giám mục trên khắp mọi miền từ Bắc đến Nam đáp lại với những việc
làm cụ thể, thiết thực bằng tấm lòng “kính chúa, yêu nước” của mình.
Ngày 28/4/1946, nhân
dịp Người về dự lễ lạc thành đê Hưng - Nhân, đồng bào công giáo Thái Bình đã
tặng Người nhiều vật kỷ niệm, Người rất xúc động và liền có thư phúc đáp bày
tỏ: “Trong các vật kỷ niệm, cái khung ảnh bằng lụa do nhà Dục Anh công giáo
thêu, và Liên đoàn công giáo biếu tôi, làm tôi đặc biệt cảm động”. “Tôi trông
thấy trong mỗi đường kim, mỗi múi chỉ, đã thấm thía bao nhiêu cái tinh thần yêu
mến giữa đồng bào công giáo với tôi. Do đó, chúng ta đủ thấy rằng: Đồng bào ta
không chia lương giáo, ai cũng tương ái, tương thân, đoàn kết chặt chẽ thành
một khối...”. Càng thấm được cái tình của Người, đồng bào công giáo càng hăng
hái tham gia đóng góp sức mình vào cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc, đưa
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Trong đó có những người đã
được Bác Hồ nêu gương, khen thưởng. Chẳng hạn như anh Vũ Hạnh, một thanh niên
công giáo ở Hải Phòng đã mưu trí, dũng cảm lập thành tích trong kháng chiến,
sau đó được cử làm Tỉnh đội Hải Kiến (Hải phòng - Kiến An). Hay như linh mục Lê
Văn Yên ở tỉnh Bắc Ninh đã nêu cao tinh thần gương mẫu, chăm lo xây dựng khối
đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Bác viết thư khen ngợi.
Trong cuộc sống đời
thường, Người cũng luôn hướng tấm lòng mình đến với đồng bào nói chung và đồng
bào công giáo nói riêng. Đồng bào công giáo lo cho sức khoẻ của Bác nên gửi
biếu bác cao và mật ong để bác bồi dưỡng sức khoẻ để lãnh đạo nhân dân ta kháng
chiến và kiến quốc. Bác liền có thư cảm ơn. Được tin Đức giám mục Hồ Ngọc Cẩn,
địa phận Bùi Chu qua đời, Bác liền có “Lời chia buồn cùng đồng bào công giáo
địa phận Bùi Chu”. Có thể nói, với đồng bào công giáo, dù nơi này, nơi khác,
đâu đâu có những niềm vui hay nổi buồn dù nhỏ, Bác đều có lời chia sẻ, bày tỏ
tình cảm của mình. Bởi như lời của Bác từng khẳng định, nhờ sự cố gắng vươn lên,
nhờ sự góp công, góp sức của đồng bào công giáo mà “dân tộc ta đã đoàn kết,
càng đoàn kết hơn, sức kháng chiến của ta đã hùng mạnh càng thêm hùng mạnh”,
“Mà như thế thì địch nhất định bại, ta nhất định chiến thắng”, và đồng bào công
giáo có thể tự hào rằng: “Tôi đã góp một phần vào thắng lợi chung”. Và niềm
tin, niềm vui đó đã đến sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954.
Sau kháng chiến thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Bác Hồ và Trung ương
Đảng, Chính phủ về làm việc ở Hà Nội. Mỗi lần có đoàn đại biểu các đoàn thể,
tôn giáo, các địa phương về Hà Nội họp, Bác Hồ đều dành thời gian gặp gỡ, hỏi
thăm tình hình mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào
các tôn giáo. Bác còn dành thời gian đến thăm hỏi các linh mục, giáo dân ở
nhiều nơi trên miền Bắc nước ta hồi ấy. Bác rất vui khi thấy đồng bào lương
giáo đoàn kết cùng nhau lao động, sản xuất chăm lo xây dựng cuộc sống mới, thấy
con em giáo dân được cắp sách đến trường, bà con giáo dân được chính quyền tạo
điều kiện để cải thiện đời sống và đảm bảo tự do tín ngưỡng. Trong thư gửi hội
nghị đại biểu công giáo yêu nước vào năm 1964, Bác đã viết: “Tôi rất vui lòng
thấy đồng bào công giáo các giới hăng hái tham gia mọi việc xây dựng Tổ quốc.
Các cháu công giáo đi học ngày càng đông và tiến bộ. Con đường yêu nước mà đồng
bào đang đi là hoàn toàn đúng. Tôi mong các cụ phụ lão, các vị giám mục, các
linh mục khuyến khích tín đồ trong mọi công việc ích nước lợi dân”...
Ôn lại tình cảm, sự
quan tâm của Bác Hồ đối với đồng bào Thiên chúa giáo trong dịp Lễ Thiên chúa
giáng sinh năm nay, là thêm một lần thiết thực học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh- đạo đức nhân văn và bao dung vì hạnh phúc con
người ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét