Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng,
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già của lực lượng vũ trang nhân dân luôn
chăm lo đến sự trưởng thành, vững mạnh của Quân đội nhân dân. Với đường lối
chính trị đúng đắn, sự mềm dẻo, linh hoạt trong chỉ đạo, Người đã thực hiện
thành công việc tập hợp toàn dân vào các hình thức Mặt trận, phát huy cao độ khả
năng, sức mạnh của nhân dân trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường
kỳ, giành được những thắng lợi vĩ đại. Nổi bật trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí
Minh về xây dựng lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân là
tư tưởng “Người trước, súng sau”. Tinh thần của con người phải được truyền qua
súng, người và vũ khí là những yếu tố rất cần thiết không thể thiếu trong xây dựng
lực lượng vũ trang nhân dân; nhưng điều quan trọng là con người sử dụng vũ khí ấy.
Với niềm tin vững chắc “sự đồng
tâm của đồng bào đúc thành bức tường đồng xung quanh Tổ quốc”, Người thường
khẳng định, Đảng phải lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt lực lượng vũ
trang nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân với ba thứ quân: bộ đội chủ
lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ; ba lực lượng này phải gắn bó chặt chẽ
với nhân dân như cá với nước, nếu xa rời dân là thất bại. Kết hợp giữa yếu tố
con người, vũ khí, trang bị về các yếu tố khác để xây dựng sức mạnh chiến đấu
cho lực lượng vũ trang nhân dân; trong đó, yếu tố con người là quyết định, cán
bộ là cái gốc của mọi công việc. Nhiệm vụ quân sự phải phục tùng nhiệm vụ chính
trị, thường xuyên tăng cường nâng cao sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang
nhân dân.
Tháng 9/1940, khi Bác đang ở Diên
An, Trung Quốc, có một số đồng chí đã hỏi Bác về vấn đề vũ khí cho khởi nghĩa,
Bác nói: khởi nghĩa thì phải có vũ khí, đây là một công việc rất quan trọng của
cách mạng. Nhưng nếu bây giờ mà có vũ khí thì lấy ai để vác vũ khí? Cho nên, phải
tìm cách về nước để giác ngộ quần chúng, khi quần chúng giác ngộ cao thì sẽ có
vũ khí. Quan điểm "người trước, súng sau" chính là sự vận dụng và
phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về nhân tố con người trong chiến
tranh. Theo Lênin, xét đến cùng, quyết định thành bại của một cuộc chiến tranh
phụ thuộc vào nhân tố chính trị, tinh thần của người trực tiếp cầm súng trên
chiến trường. Về mặt bản chất, quan điểm "người trước, súng sau" là
nhằm giải quyết mối quan hệ giữa con người với vũ khí, trang bị trong xây dựng
lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong khi luôn coi trọng yếu tố
trang bị của vũ khí, Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời nhấn mạnh yếu tố
con người, phải xem đấy là yếu tố có ý nghĩa quyết định tạo nên sức mạnh của lực
lượng vũ trang nhân dân. Theo Người, lực lượng vũ trang phải là tập thể những
con người có đạo đức, có tinh thần cách mạng triệt để, phải được phát triển
toàn diện về trình độ, giác ngộ chính trị, trình độ kỹ thuật, chiến thuật và có
kỷ luật, tự giác, nghiêm minh, sử dụng mọi thứ vũ khí có trong tay để đánh thắng
quân thù. Con người trong lực lượng vũ trang phải là những con người thấm nhuần
lý tưởng cách mạng của Đảng, trung kiên, dũng cảm và luôn trung thành với lợi
ích của nhân dân. Người thường dạy: nhiệm vụ quân sự phải phục tùng nhiệm vụ
chính trị. Quân sự mà không có chính trị, như cây không có gốc, đã vô dụng lại
có hại. Chính trị phải thể hiện ra trong lúc đánh giặc, chính là tinh thần của
con người và tinh thần của con người phải được chuyển qua súng đạn.
Như vậy, với quan điểm "người
trước, súng sau", Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: chính yếu tố con người
là yếu tố trung tâm, yếu tố quyết định tạo nên sức mạnh của lực lượng vũ trang
nhân dân. Xuất phát từ quan điểm này, Người đặc biệt quan tâm đến xây dựng đội
ngũ cán bộ quân đội cách mạng, bởi theo Người: cán bộ là cái gốc của mọi công
việc, do đó huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Tướng là kẻ giúp nước,
tướng giỏi thì nước mạnh, tướng xoàng thì nước hèn.
Ngay từ tháng 6/1925, tại Quảng
Đông, Trung Quốc, Bác đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, mở nhiều
lớp bồi dưỡng chính trị cũng như huấn luyện cho các thanh niên Việt Nam yêu nước.
Sau đó, Người đã cử nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước và những cán bộ ưu tú của
Đảng đi đào tạo, học tập quân sự tại các trường quân sự, học viện quân sự ở nước
ngoài như Liên Xô, Trung Quốc, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ tài trí, trung
thành, là nòng cốt để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ngày càng vững mạnh,
trưởng thành. Đặc biệt, Hồ Chí Minh đã nêu ra sáu yêu cầu đối với đạo làm tướng,
đó là “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”. Theo Người, đây là những yêu cầu cơ
bản đối với một cán bộ quân đội cách mạng, cán bộ chức vụ càng cao thì trách
nhiệm càng nặng, thiếu một trong những yếu tố đó là có khuyết điểm, ảnh hưởng đến
công tác.
Có nhiều đáp án lí giải cho câu hỏi
tại sao Bác lại đặt “trí” lên hàng đầu đối với người làm tướng, nhưng chúng ta
có thể học được nhiều điều qua câu chuyện Bác tiếp đoàn chuyên gia quân sự của
Liên Xô sang thăm nước ta sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi tiếp Đoàn, Bác nói
“chú Giáp đánh thắng giặc Pháp ở Điện Biện Phủ mà không tốn một chiếc xe tăng,
một chiếc máy bay nào”. Cả đoàn chuyên gia ngỡ ngàng chưa hiểu. Bác cười và
nói: “chú Giáp làm gì có xe tăng, làm gì có máy bay để mà mất”. Qua câu chuyện
đó, để nói lên một điều, trong lịch sử, dân tộc ta phải đấu tranh chống lại những
kẻ thù hung bạo, nhưng chúng có những vũ khí trang bị khác biệt với ta là không
đáng kể do cùng phương thức sản xuất. Ngày nay, kẻ địch không những đông hơn
ta, mạnh hơn ta, lại còn có vũ khí trang bị hiện đại hơn ta gấp nhiều lần, những
vũ khí mà trước đây chúng ta không có như xe tăng, máy bay. Vậy, nếu để thắng địch,
chúng ta phải có trí tuệ, chứ không chỉ có tinh thần quyết chiến, quyết thắng.
Do đó, Bác đã đặt trí lên đầu và nhờ đó mà ta càng đánh càng mạnh, lấy ít thắng
nhiều, chuyển yếu thành mạnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dạy: cán bộ
quân sự phải thường xuyên học tư tưởng chiến lược, chiến thuật, học cách dạy bộ
đội đánh giặc, học phương pháp chỉ huy chiến đấu. Làm cán bộ, bộ đội chưa có nước,
cán bộ không được kêu khát; bộ đội chưa có cơm, cán bộ không được kêu đói; bộ đội
chưa có lửa, cán bộ không được kêu rét, phải biết chia sẻ gian khổ với bộ đội;
cán bộ phải thân với đội viên như chân tay, thì đội viên mới thân cán bộ như ruột
thịt. Đối với chính trị viên, Bác dạy: đối với bộ đội, chính trị viên phải thân
thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn
và do đó khi cán bộ dẫn hội viên đi đâu thì dù hiểm nguy đến mấy họ cũng đi,
khi bảo họ đánh, họ sẽ hăng hái đánh.
Bản thân Hồ Chí Minh, thiên tài quân
sự, tổng tư lệnh tối cao của cách mạng Việt Nam, chính là một tấm gương sáng mẫu
mực về đạo làm tướng. Bác lo từ tiêu chuẩn chiến sỹ để đủ sức đánh giặc ngoài mặt
trận, đến ủng hộ cả số tiền tiết kiệm của một vị Chủ tịch nước để mua nước cho
bộ đội trong những ngày trực chiến phòng không mùa nắng gắt. Bác vén chăn, vén
màn cho mỗi đội viên được yên giấc ngủ trên chặng đường hành quân ra mặt trận.
Có chiến sĩ cảnh vệ đã ôm chặt khẩu súng vào lòng mà không ngăn được nước mắt
rơi vì ăn chiếc bánh Bác cho, vì mặc chiếc áo Bác khoác cho giữa trời đêm giá lạnh…
Hành động của Bác lay động mọi con tim, khối óc, khiến ai ai cũng sẵn sàng, tự
nguyện, tự giác tập hợp vào khối đoàn kết toàn dân tộc, đứng lên đi theo Đảng
và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra.
Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ
Chí Minh về phát huy yếu tố con người trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân
dân, hơn 90 năm qua, Đảng ta đã xây dựng một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ tài trí,
trung thành với sự nghiệp vinh quang của Đảng. Thực tiễn đã chứng minh, mặc dù
chỉ có vũ khí trang bị ít ỏi, thô sơ hơn nhiều so với kẻ thù, nhưng những chiến
sĩ cách mạng của chúng ta với lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, bằng
tinh thần chiến đấu quả cảm đã tạo nên sức mạnh xung thiên đánh tan mọi kẻ thù.
Đó là hình ảnh chiến sĩ cảm tử: như trung đội trưởng Trần Thành ở chợ Hôm, ôm
bom ba càng lao thẳng vào xe tăng địch, với tinh thần cảm tử cho Tổ quốc quyết
sinh; là Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Cù Chính Lan, Nguyễn Viết Xuân và biết bao
anh hùng khác, những con người mà lý tưởng cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến
đánh quân thù; là những tướng lĩnh tài ba lỗi lạc, những con người tiêu biểu
cho phẩm chất: trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung, mà đứng đầu là Đại tướng Võ
Nguyên Giáp, người đã được Bác trao nhiệm vụ là "tướng quân tại ngoại",
toàn quyền quyết định trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ; là sức mạnh, ý
chí của toàn dân tộc Việt Nam thể hiện trong tinh thần của những chiến sĩ Điện
Biên Phủ năm xưa.
Tinh thần chiến đấu ấy, hôm nay đang
được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta biến thành hành động cách mạng cụ thể,
đẩy nhanh, đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước,
vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, lập nên những chiến công
mới vinh quang hơn, tự hào hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét