Thứ Ba, 1 tháng 3, 2022

BƯỚC PHÁT TRIỂN VỀ TƯ DUY

 

Quan điểm về Bộ đội Cụ Hồ và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không phải đến bây giờ QUTƯ, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị... mới đề cập đến, mà ngay từ rất sớm, trong quân đội đã có một hệ thống lý luận khá cơ bản, toàn diện về vấn đề này, bao gồm: Khái niệm, quan điểm, nội dung, bản chất, truyền thống, hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa Bộ đội Cụ Hồ.

Lần này, trên cơ sở kế thừa, phát triển và bằng tư duy mới, cách tiếp cận mới, QUTƯ đã khái quát 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Đây được xem là bước phát triển trong tổng kết lý luận và phát triển lý luận. Bởi lẽ, khi nghiên cứu Nghị quyết 847, không ít người sẽ đặt câu hỏi: Vì sao QUTƯ đưa ra khái niệm đặc trưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ mà lại không tiếp cận theo hệ giá trị hay các chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ như đã đề cập lâu nay? Trả lời câu hỏi ấy, dưới góc độ tư duy mở, chúng tôi cho rằng, việc tiếp cận, đưa ra các đặc trưng cơ bản phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là do một số lý do sau đây:

 Trước hết, cách tiếp cận này nhằm chủ ý đưa ra các thuộc tính có tính chất làm căn cứ (nhưng không cứng nhắc, áp đặt) để các cấp từng bước quán triệt, triển khai, cụ thể hóa một cách linh hoạt, sáng tạo, sát với đặc thù và thực tiễn ở mỗi cấp. Đây chính là cơ sở giúp các cấp dễ vận dụng sáng tạo, hiệu quả đối với từng đối tượng, lực lượng, từng cá nhân trên cương vị, chức trách công tác khác nhau.

Rõ ràng, khái niệm “đặc trưng” nhằm để chỉ các thuộc tính riêng lẻ mà chúng ta có thể xác định và đo đạc được khi quan sát một hiện tượng, sự vật nào đó. Như vậy, tiếp cận với khái niệm đặc trưng (chứ không phải là hệ giá trị, các chuẩn mực) là nhằm hướng vào việc so sánh, đối chiếu, giúp cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ các thuộc tính để nhận biết, tập trung xây dựng, phát triển phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong điều kiện mới. Hay nói cách khác, các đặc trưng cơ bản phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ sẽ giúp chủ thể phân biệt rõ những điểm khác nhau (hoặc khác biệt) với đặc trưng của các bộ phận, giai tầng lực lượng xã hội khác. Đặc trưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ sẽ có thuộc tính riêng biệt hoặc riêng có, không thể pha lẫn với đặc trưng của các đối tượng xã hội khác; ví như đặc trưng phẩm chất của công chức, viên chức nhà nước, đặc trưng phẩm chất của lực lượng Công an nhân dân, của công nhân, nông dân, tri thức... Trên cơ sở nắm chắc, hiểu sâu về 5 đặc trưng cơ bản thì sẽ rất thuận lợi cho việc tạo lập mục tiêu, xác định phương hướng, xây dựng kế hoạch, chương trình, với lộ trình, bước đi, tiến độ phù hợp... để sớm đạt được các thuộc tính trong từng đặc trưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Hơn thế, việc đưa ra 5 đặc trưng cho thấy tính chất mở trong lý luận và chủ trương lãnh đạo. Có nghĩa, đặc trưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không phải là cái bất biến, mà nó luôn vận động phát triển qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử khác nhau. Có thể các giá trị Bộ đội Cụ Hồ đã có là khá vững chắc, nhưng qua năm tháng vẫn có sự bổ sung, phát triển, hoàn thiện và nhận diện nó qua các đặc trưng (ở mỗi thời điểm lịch sử khác nhau sẽ có sự khác nhau). Nhờ đó mà các cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị sẽ thiết lập, hoàn thiện cơ chế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất giúp các giá trị Bộ đội Cụ Hồ được gìn giữ, bổ sung, phát triển; hoặc nảy nở, hình thành nên những phẩm chất mới của Bộ đội Cụ Hồ trong điều kiện xã hội hiện nay.

Tiếp cận như vậy để thấy, hệ thống các quan niệm, quan điểm trong Nghị quyết 847 là đúng đắn, sáng tạo, có tính phát triển trên cơ sở bám sát diễn biến mau lẹ, sinh động của tình hình; giúp cho lý luận thể hiện được tính “đi trước đón đầu”, dẫn dắt, định hướng thực tiễn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét