Về
sự lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam, Văn kiện Đại hội VII của Đảng ta chỉ
rõ: đây là “sự lựa chọn của chính lịch sử" ; gắn liền với tư duy sáng tạo,
hợp lô gíc và nhất quán của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Thực tiễn đã minh chứng,
chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất giải phóng dân tộc Việt Nam, là sự khẳng
định trong hiện thực giá trị của một mô hình “cách mạng đến nơi”. Làm thế nào để:
“tự do cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc”, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được
học hành. Đó là mong muốn, là mục đích và là động lực để Nguyễn Ái Quốc - Hồ
Chí Minh bôn ba khắp nơi trên thế giới tìm kiếm con đường thực hiện mục tiêu
đó. Sau gần 10 năm đi nhiều nước, đọc nhiều lý luận, học thuyết, học hỏi nhiều
kinh nghiệm, tiếp xúc với nhiều hạng người, chứng kiến trực tiếp văn minh
phương Tây, đồng thời hòa mình với cuộc sống của người lao động trong xã hội tư
bản, Người nhận ra rằng, cách mạng giải phóng của Việt Nam phải học tập nhiều
điều ở cách mạng Mỹ (1776) và cách mạng Pháp (1789), nhất là ở tinh thần cách mạng
của họ. Nhưng cách mạng Việt Nam có đi theo con đường của cách mạng Mỹ và cách
mạng Pháp không? Hồ Chí Minh khẳng định dứt khoát: con đường đó không phù hợp với
cách mạng Việt Nam. Bởi đó là những cuộc cách mạng chỉ đem lại quyền lợi cho
người giàu, là cuộc cách mạng “không đến nơi”. Theo Người: “Chúng ta đã hy sinh
làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền
giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy
sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”. Trên con đường khảo cứu thế
giới, đặc biệt là những năm tháng hoạt động trong Đảng Xã hội Pháp ở Pari đã
đưa Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với chiến
lược, sách lược của cách mạng vô sản. Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa
của V.I.Lênin đã làm sáng tỏ trong Người tất cả những điều đang trăn trở về con
đường giải phóng dân tộc, nhân dân. Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đến nước Nga Xô viết.
Tình hình nước Nga khiến Người nhận thức sâu sắc sự lạc hậu của chế độ phong kiến
và sự tàn bạo của chế độ tư sản. Và sự xuất hiện một chế độ xã hội mới, trong
đó nhân dân lao động thực sự được giải phóng khỏi áp bức bất công là một thực
tiễn mà Người mơ ước thiết lập ở Việt Nam; là mô hình “cách mạng đến nơi” mà
Người đang khát khao kiếm tìm. Chính từ đây, Người đi đến kết luận: “Muốn cứu
nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô
sản”, “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân
tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Theo đó,
con đường cách mạng Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á là phải giành độc lập
hoàn toàn và tiến lên CNXH. CNXH là bước phát triển tất yếu của độc lập dân tộc;
cách mạng giải phóng dân tộc phải trở thành cách mạng XHCN thì nền độc lập dân
tộc mới được củng cố vững chắc, cách mạng mới giành thắng lợi hoàn toàn. Như vậy,
sự lựa chọn mục tiêu CNXH suy cho cùng là quyết định khách quan của lịch sử. Và
trong số những khối óc trăn trở tìm tòi con đường cứu nước, lịch sử đã lựa chọn
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - người duy
nhất lúc đó nắm được cơ hội lịch sử để thay đổi vận mệnh đất nước, thay đổi
thân phận con người bằng khát vọng mãnh liệt của dân tộc và của chính Người,
thông qua sự nung nấu, trăn trở và mài sắc tư duy theo thời gian của Nguyễn Ái
Quốc - Hồ Chí Minh chứ không phải là sự chủ quan, nhất thời hoặc ngẫu nhiên,
hay do vận may lịch sử./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét