Thứ Năm, 4 tháng 4, 2024

Cách công binh 'khoét núi, mở hào' vây lấn Điện Biên Phủ 70 năm trước

 

Công binh đào công sự mẫu trên cánh đồng gần Sở chỉ huy Mường Phăng, rồi hướng dẫn, giao khối lượng đất đá phải đào mỗi ngày cho từng đơn vị.

Tọa đàm Nghệ thuật quân sự Chiến dịch Điện Biên Phủ- Bài học thực tiễn trong chiến đấu hiện nay do Bộ tư lệnh Quân đoàn 12 cùng báo Quân đội nhân dân tổ chức ngày 4/4. Tham luận từ tướng lĩnh quân đội, nhà nghiên cứu khoa học, nhân chứng tham gia chiến trận... làm rõ những sáng tạo trong chiến dịch 70 năm trước cũng như bài học kinh nghiệm từ chiến trường vận dụng trong tình hình mới.

Đại tá Hồ Quang Tú, Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, điểm lại sự góp sức của lực lượng non trẻ 8 tuổi khi tham gia chiến dịch. Chiến sĩ làm việc 16-18 giờ mỗi ngày mở đường huyết mạch, đưa trọng pháo vào trận địa, khoét núi ngủ hầm tạo hệ thống giao thông hào hàng trăm km vây lấn, thít chặt dần "con nhím Điện Biên Phủ".

Khi phương châm chiến dịch đổi từ đánh nhanh sang đánh chắc ngày 26/1/1954, đội hình tiến công thay đổi. Công việc đầu tiên của công binh là mở đường cho pháo binh chuyển trận địa từ hướng Tây Bắc sang Đông tập đoàn cứ điểm, đặt trên điểm cao chờ "giã đầu quân Pháp". Lực lượng sau đó xây dựng công sự để pháo thủ chiến đấu dài ngày, yêu cầu phải có nơi bắn, ẩn nấp, hầm chứa đạn, công sự dự bị và trận địa giả.

"Một đơn vị công binh đào thực nghiệm công sự mẫu trên cánh đồng gần Sở chỉ huy Mường Phăng, rồi hướng dẫn các đơn vị khác về kích thước, tiêu chuẩn hầm hào, yêu cầu khối lượng đất đào trong một ngày hoàn thành đúng định mức", đại tá Tú nói.

Những chiến sĩ công binh từng tham gia đào hào năm ấy còn nhớ "ngày nhận xẻng lưỡi sáng, to như chiếc quạt nan, đến lúc đào xong tiếp cận được giặc Pháp còn trơ một mảnh sắt". Công sự luôn được đào ban đêm, có ngày mưa, bộ đội dầm trong hào, dùng mũ đựng bùn, nước đổ đi. Bộ đội đào hai loại chiến hào, gồm đường trục rộng bao quanh toàn bộ trận địa ở phân khu trung tâm của địch và đường hào bộ binh từ những vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng đổ ra cánh đồng, cắt ngang đường hào trục, tiến vào những vị trí mà bộ đội dự định tiêu diệt.

Từ Sở chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng, hệ thống công sự vươn tỏa nhiều nhánh tới tận sở chỉ huy các trung đoàn. Công sự được khoét sâu vào lòng núi thành những căn hầm lớn. Trong hầm làm việc có bàn viết, ghế ngồi, hầm nghỉ, hầm thương binh, giường nằm để bộ đội sinh hoạt khi đạn pháo nổ trên đầu.

Trên trận địa tiến công phía trước, công binh "sắm" cho bộ binh từ hố chiến đấu cá nhân đến bệ bắn, chiến hào, hầm nghỉ cho tổ ba người có nắp đậy, chịu được hỏa lực của đạn pháo 105 mm.

Trước ngày khai hỏa, công binh như ong thợ, với xẻng, thuổng đã tạo được hệ thống hào giao thông nối hầm hào chiến đấu; sở chỉ huy nối liền trận địa hỏa lực; đơn vị phía trước nối hậu cần phía sau. Hầm hào như chiếc thòng lọng tiến dần về lòng chảo, thít chặt lấy cứ điểm Điện Biên Phủ.

Đồi A1 được bao bọc bởi lô cốt và hầm ngầm kiên cố, khiến việc đánh chiếm gần như không thể. Nhưng sau 15 ngày đêm, công binh vẫn đào được một đường hầm dài 49 m xuyên lòng đồi, nhồi khối bộc phá gần một tấn chờ khai hỏa, hiệu lệnh cho bộ đội xung phong.

Đại tá Hồ Quang Tú cho rằng, ở thời điểm chưa có vũ khí chuyên dụng phá công sự kiên cố, việc tạo được cửa mở qua vật cản của quân Pháp ngoài tạo điểm đột phá cho toàn chiến dịch, còn là cuộc chiến đấu bền chí, bền gan. "Công binh là lực lượng đi trước về sau, lao động nặng nhọc, nhiều nhiệm vụ phải giữ bí mật, sống để dạ chết mang theo. Nhưng thời chiến hay thời bình, lực lượng tự hào khi góp phần mở đường thắng lợi", ông nói.

Theo nhiều nhà nghiên cứu quân sự, hệ thống hầm hào cùng trận địa tiến công, đưa trọng pháo "lên cao, vào gần, bắn thẳng" quanh các sườn núi, là điều kiện tiên quyết để triển khai cách đánh vây - lấn - tấn - diệt, nghệ thuật quân sự được bộ đội Việt Nam khai sinh trong chiến dịch.

Đại tá Trần Ngọc Long, nguyên Viện phó Viện Lịch sử quân sự, phân tích việc phát triển hệ thống công sự chiến đấu thành trận địa tiến công, bao vây giúp bộ đội trụ vững suốt 56 ngày đêm khi chiến sự diễn ra trong mọi địa hình, thời tiết. Những đường hào giao thông với hàng vạn hầm cứu thương, hầm chứa vũ khí... đã hạn chế thấp nhất tổn thất của bộ đội Việt Nam trước hỏa lực quân Pháp. Thậm chí, bộ đội còn xây dựng được những trận địa giả để nghi binh nhờ hệ thống hầm hào.

Đánh vây lấn, bộ đội dựa vào hệ thống giao thông hào phá bãi mìn, gỡ hàng rào kẽm gai, áp sát chân cứ điểm, rồi bất ngờ đồng loạt xung phong phá từng cứ điểm, cụm cứ điểm. Cách đánh khiến quân Pháp khiếp vía vì không biết đối phương sẽ tiến công khi nào, từ hướng nào.

"Không phải ngẫu nhiên mà khi bình luận về nghệ thuật quân sự Việt Nam, Jules Roy- nhà báo Pháp đã nhận xét Điện Biên Phủ đã gây nên nỗi kinh hoàng khủng khiếp...", nguyên Viện phó Viện Lịch sử quân sự nêu.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét