Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

CHIẾN THẮNG TRẢNG BOM TRONG CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH LỊCH SỬ

 CHIẾN THẮNG TRẢNG BOM TRONG CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH LỊCH SỬ

Cách đây gần 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tư lệnh chiến dịch, quân và dân ta đã tiến hành thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch quyết chiến chiến lược trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Đó là thắng lợi đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng, nghệ thuật tạo thế trận và phát huy sức mạnh tổng hợp trên các hướng tiến công.
Trong đó, trận tiến công tiêu diệt địch phòng ngự ở Trảng Bom trên hướng Đông của chiến dịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho Quân đoàn 4 phát triển tiến công vào Sài Gòn-Gia Định, góp phần giữ thế, tạo đà, cổ vũ tinh thần quân và dân ta đồng loạt tiến công và nổi dậy theo chiều sâu chiến dịch.
Trảng Bom là trận đánh giành thắng lợi mở đầu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh trên hướng Đông
Sau hơn một tháng liên tục tổng tiến công và nổi dậy, quân và dân ta đã giành những thắng lợi to lớn. Nhận định thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến, ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị chủ trương “tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí, kỹ thuật và vật chất giải quyết xong Sài Gòn - Gia Định trước mùa mưa”. Tiếp đó, ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định: Chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở thế trận và lực lượng áp đảo, Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh xác định cách đánh: Dùng một lực lượng thích hợp trên từng hướng đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch không cho chúng rút chạy hoặc lùi dồn về Sài Gòn. Tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài; đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn cơ giới mạnh, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu chủ yếu đã được chọn trong nội thành. Để tiến vào nội đô, các binh đoàn tham gia chiến dịch phải tổ chức những trận đánh lớn đánh bại quân địch ở vòng ngoài.
Sau khi nhận nhiệm vụ, Quân đoàn 4 chủ trương dùng một lực lượng tiêu diệt yếu khu Trảng Bom, nếu không diệt gọn thì bao vây chặt, không cho địch rút chạy về Biên Hòa để bảo đảm đường cơ động cho lực lượng của Quân đoàn tiến công vào Biên Hòa và Sài Gòn. Ngày 25-4-1975, Quân đoàn 4 bổ sung nhiệm vụ cho Sư đoàn 341 cùng lực lượng tăng cường tiêu diệt địch từ ngã ba Sông Thao về Suối Đỉa; nếu không diệt gọn thì kiên quyết bao vây chặt, không cho địch rút chạy về Biên Hòa. Yêu cầu tác chiến: Thần tốc, đánh tiêu diệt lớn, đánh tan rã lớn, mở cửa lớn và rộng. Thời gian nổ súng vào đêm 26, rạng sáng 27-4-1975.
Xác định đây là trận đánh mở màn có ý nghĩa quan trọng trên hướng Đông, chiều 25-4-1975, Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn 341 họp, thống nhất: Tập trung toàn bộ binh lực, hỏa lực, kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch trong thời gian ngắn nhất. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhanh chóng củng cố lực lượng, sẵn sàng cùng lực lượng bạn phát triển vào giải phóng Biên Hòa, Sài Gòn. Tư tưởng chỉ đạo: Tập trung lực lượng có trọng điểm trên hướng chủ yếu. Thọc sâu bao vây, chia cắt nhanh, tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch. Tiến công liên tục, thần tốc, đánh cả ngày lẫn đêm, đánh đến khi dứt điểm hoàn toàn.
Sư đoàn 341 tổ chức bố trí lực lượng: Trung đoàn Bộ binh 270 được tăng cường 2 đại đội xe tăng, 1 trung đội pháo 85mm, 1 trung đội cối 120mm đảm nhiệm tiến công trên hướng chủ yếu từ phía Bắc. Trung đoàn Bộ binh 273 được tăng cường 1 trung đội pháo 85mm, 1 trung đội cối l20mm, đảm nhiệm tiến công trên hướng thứ yếu từ phía Đông Bắc. Tiểu đoàn 8, Trung đoàn Bộ binh 266 được tăng cường 1 đại đội xe tăng tiến công trên hướng phối hợp từ phía Đông Nam. Trung đoàn Bộ binh 266 (thiếu) làm lực lượng dự bị của Sư đoàn. Trung đoàn Pháo binh 4 và các phân đội được tăng cường tổ chức một cụm pháo và một cụm cao xạ chi viện chung.
4 giờ 5 phút ngày 27-4-1975, Sư đoàn 341 nổ súng tiến công địch. Sau khi pháo bắn chuẩn bị, từ các hướng, quân ta nhanh chóng mở thông các cửa mở, đưa lực lượng vào tiến công địch. Đến 8 giờ 30 phút cùng ngày, Sư đoàn 341 cơ bản tiêu diệt toàn bộ quân địch và làm chủ từ ngã ba địa phận Sông Thao đến Tây Trảng Bom, dồn lực lượng còn lại của địch về phía Suối Đỉa, Long Lạc. 10 giờ 30 phút, toàn bộ quân địch ở Suối Đỉa bị tiêu diệt. Trận đánh Trảng Bom là trận đánh giành thắng lợi mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh trên hướng Đông. Với kết quả đó, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, mở cửa thành công, tạo điều kiện cho Quân đoàn 4 cơ động lực lượng vào giải phóng Biên Hòa, Sài Gòn.
Thắng lợi của trận đánh góp phần đập tan tuyến phòng ngự Trảng Bom-Biên Hòa-Hố Nai của địch
Sau khi mất Xuân Lộc, Sư đoàn 18, Quân đoàn 3 của địch cùng một số đơn vị tập trung lực lượng phòng thủ nhằm cứu vãn tình thế và ngăn chặn quân ta bao vây tiến công theo trục đường số 1. Ngày 25-4-1975, địch vội vã điều chỉnh tổ chức Trảng Bom thành một cứ điểm mạnh trên tuyến phòng thủ Trảng Bom-Biên Hòa-Sài Gòn.
Tuyến phòng ngự của địch ở Trảng Bom có thế liên hoàn từ ấp Hưng Nghĩa qua Trảng Bom-Suối Đỉa-Hố Nai với chiều dài 14km. Tại đây, địch bố trí lực lượng gồm 3 Chiến đoàn bộ binh (48, 43 và 52), 2 Chi đoàn thiết giáp (1, 3) và Chiến đoàn 315, tập trung chủ yếu ở hướng Đông và Đông Bắc, nơi có 7 trận địa pháo binh. Ngoài ra, còn một số đơn vị bảo an, dân vệ được bố trí bên trong các vị trí phòng ngự, như: Chiến đoàn 48 ngăn chặn phía Đông Trảng Bom; Tiểu đoàn 1 ở hướng Đông Bắc Trảng Bom; Tiểu đoàn 2 ở Bàu Cá; Tiểu đoàn 3 và Sở chỉ huy Chiến đoàn 48 đóng ở khu vực ấp Dương Ngơ; Chiến đoàn 43 ở yếu khu và khu vực ga Sông Mây; Chiến đoàn 52 bảo vệ phía Tây Bắc.
Trung tâm yếu khu gồm: Đông Trảng Bom, Bắc Bàu Cá, Suối Đỉa, sân Chợ, ấp Dương Ngơ, ga Sông Mây. Ở ngã ba Sông Thao do Tiểu đoàn 316 bảo an và 2 đại đội độc lập đóng quân. Hệ thống công sự trận địa chủ yếu dựa vào các chốt, công sự tương đối vững chắc; công sự vòng trong khá kiên cố, có các hầm ngầm, tháp canh, lô cốt. Vật cản gồm 3 lớp hàng rào dây thép gai. Trong quá trình chiến đấu, địch được chi viện trực tiếp của Lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến ở Hố Nai, dốc Ông Bàng, Suối Đỉa.
Thực hiện mệnh lệnh tiến công, trên hướng chủ yếu, mũi của Tiểu đoàn 6 vượt qua cửa mở đánh vào Tiểu đoàn 3 địch. Tiểu đoàn 5 men theo bìa rừng cao su đánh thẳng vào trận địa của Tiểu đoàn 1 địch. Sau đó, hai tiểu đoàn phát triển theo chiến hào vành khăn dồn địch vào trung tâm và tiếp tục đột phá tiến công vào trung tâm yếu khu. Trên hướng thứ yếu, Tiểu đoàn 3 sau khi tiêu diệt một số lực lượng địch ở vòng ngoài cũng đột phá đánh vào bên trong yếu khu. Tiểu đoàn 1 tổ chức 2 mũi, 1 mũi đánh vào chốt tam giác, 1 mũi đánh vào trận địa pháo.
Trên hướng tiến công chủ yếu, các phân đội hỏa lực của ta, đặc biệt là trận địa súng máy cao xạ ở Nam Suối Rết đánh mạnh vào đội hình phản kích của địch, dồn chúng trở lại khu trung tâm. Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 6, sau khi củng cố lực lượng đã hiệp đồng chặt chẽ với Tiểu đoàn 3 (trên hướng thứ yếu) tiếp tục tiến công vào trung tâm yếu khu; các phân đội hỏa lực đi cùng, các tổ đánh tăng lần lượt tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép và các ổ đề kháng của địch, chi viện cho bộ binh đánh chiếm từng khu vực mục tiêu. Phân đội thọc sâu của Tiểu đoàn 5 dùng bộc phá tiêu diệt toàn bộ chỉ huy địch dưới hầm ngầm. 8 giờ 30 phút ngày 27-4, quân ta đã làm chủ yếu khu và một khu vực dọc theo Đường số 1 dài 14km từ ngã ba Sông Thao đến Trảng Bom.
Trên hướng tiến công phối hợp, Tiểu đoàn 8 cùng phân đội xe tăng được pháo binh chi viện, đánh vào khu vực phòng ngự của địch dài 7km trên Đường số 1 ở Hưng Nghĩa, Dương Ngơ, Bàu Cá. Kết quả, ta diệt và bắt hơn 300 tên địch, phá hủy 7 xe tăng, thu 10 xe quân sự, 1 khẩu pháo 105mm, làm chủ khu vực từ Dầu Giây đến Bắc Trảng Bom.
Đánh chiếm xong yếu khu Trảng Bom, Trung đoàn 273 sử dụng bộ binh, xe tăng cùng Tiểu đoàn 4 phát triển tiến công tiêu diệt địch ở Suối Đỉa. Sau đó, dựa vào công sự của địch, củng cố lại trận địa chốt, bố trí hỏa khí trên các điểm cao, sẵn sàng ngăn chặn địch rút chạy. Kết quả, ta tiêu diệt và làm tan rã các Chiến đoàn 43, 48, 52 thuộc Sư đoàn 18 bộ binh, 2 chi đoàn xe tăng, trung tâm yếu khu, sở chỉ huy chiến đoàn 43 và 48, Tiểu đoàn bảo an và đại đội biệt lập của địch, bắt 1.715 tên tù binh, làm tan rã hệ thống chính quyền địch ở cơ sở, giải phóng đất đai và hơn 10.000 dân. Đến đây, cứ điểm phòng thủ Trảng Bom của ngụy bị tan vỡ.
Trận đánh góp phần giữ thế, tạo đà, cổ vũ tinh thần tiến công theo chiều sâu chiến dịch
Căn cứ tính chất phòng ngự của địch và địa hình khu vực tác chiến, Sư đoàn 341 đã vận dụng hình thức chiến thuật và cách đánh đúng, hình thành thế bao vây, chia cắt địch, đánh đúng mục tiêu chủ yếu Trảng Bom và các mục tiêu quan trọng khác, tiêu diệt đại bộ phận lực lượng của Sư đoàn 18 của địch. Thắng lợi nhanh chóng của trận Trảng Bom có ý nghĩa quan trọng, mở cửa mở, tạo điều kiện cho Quân đoàn phát triển thế tiến công theo chiều sâu chiến dịch, đồng thời giữ thế, tạo đà cho toàn chiến dịch. Phối hợp nhịp nhàng với hướng Đông, các cánh quân trên các hướng khác cũng đẩy mạnh tiến công địch, đánh chiếm mục tiêu then chốt được giao.
Nhận tin chiến thắng Trảng Bom, Bộ Tổng Tư lệnh nhanh chóng chỉ đạo cánh quân hướng Đông: “Nếu đã đến mục tiêu trước mắt sớm hơn thời gian quy định thì không nên chờ các cánh khác phối hợp chung mà nên phát triển ngay”. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh, Quân đoàn 4 gấp rút tổ chức lực lượng tiến công địch ở Hố Nai, Biên Hòa.
Tại đây, địch chống trả quyết liệt, nhưng đến rạng sáng 29-4-1975, buộc phải rút chạy về Gò Vấp. Quân đoàn 4 đẩy nhanh tốc độ tiến công, thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu được giao. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc toàn thắng. Chiều 30-4, Quân đoàn 4 cùng các lực lượng nhanh chóng thiết lập trật tự, tham gia xây dựng chính quyền, lực lượng vũ trang địa phương, duy trì và giữ gìn trật tự trị an trong thành phố, bảo vệ các cơ sở chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 kết thúc toàn thắng. Đó là thành quả vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Thắng lợi đó được cấu thành từ kết quả của nhiều trận đánh ác liệt, gian khổ, trong đó có trận Trảng Bom do Sư đoàn 341, Quân đoàn 4 đảm nhiệm. Cùng với nhân dân và các đơn vị bạn, Sư đoàn 341 đã góp phần mở rộng hành lang, xây dựng bàn đạp, đánh trận mở đầu thắng lợi, phá tan tuyến phòng thủ mạnh nhất của địch trên hướng Đông./.
Không có mô tả ảnh.
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét