Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

GIAO LƯU NGHỆ THUẬT ĐẶC BIỆT “ĐIỆN BIÊN PHỦ-NÚI VỌNG SÔNG RỀN”

 Tối 23-4 tại Hà Nội, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt có chủ đề “Điện Biên Phủ - Núi vọng sông rền”, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tới dự chương trình.

Cùng dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.
Dự chương trình giao lưu nghệ thuật còn có các đồng chí: Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trung tướng Lê Quang Minh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cùng đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
Chương trình được xây dựng công phu, kết cấu qua 3 phần. Phần 1: Vì sao Điện Biên Phủ, thông qua các phỏng vấn, giao lưu trò chuyện với các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, nhân chứng của Việt Nam và Pháp nêu bật bối cảnh lịch sử trước khi diễn ra cuộc chiến, Kế hoạch Navarre của Pháp, Kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 của ta; làm rõ tính chính nghĩa trong cuộc chiến của ta, đặc biệt khẳng định tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyết tâm giành độc lập thực sự cho nước nhà dù so sánh tương quan lực lượng ta và địch trước khi bước vào cuộc chiến thì ta có nhiều bất lợi.
Phần 2: Cuộc đấu trí trên lòng chảo Điện Biên, kết hợp sáng tạo giữa các phóng sự, đồ họa minh họa tái hiện, giao lưu nhân vật, văn nghệ hoạt cảnh theo hình thức sử thi, cùng tổ khúc văn nghệ đặc sắc và lời dẫn MC thể hiện rõ 3 nội dung: Quyết định mở Chiến dịch của Bộ Chính trị ngày 6-12-1953; tầm nhìn - chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những phân tích của ta về chiến dịch…; bước ngoặt của cuộc chiến với quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, công tác kéo pháo ra trận địa và công tác Đảng, công tác chính trị để chuẩn bị cho cuộc mở màn chiến dịch ngày 13-3-1954; về nghệ thuật tác chiến, chiến thuật tạo bất ngờ cho Pháp, cách đánh độc đáo “Vây lấn, tấn diệt, giao thông hào, tháo pháo xuôi bè; đặc biệt là câu chuyện tiêu diệt không quân - đánh cầu hàng không, sự đồng lòng của cả dân tộc, sự giúp đỡ quý báu của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và bạn bè quốc tế đã góp phần tạo nên 56 ngày đêm dũng cảm, kiên cường, hào hùng, với chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.
Phần 3: Âm vang Điện Biên và tri ân những hy sinh, thể hiện thông qua các phóng sự, lời kể của nhân vật, câu chuyện chân thực được ekip sản xuất tại châu Phi mang về, nêu bật tác động của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với toàn thế giới, khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ: “Là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”, đặc biệt là các quốc gia châu Phi.
Điện Biên Phủ đã trở thành niềm xúc động lớn lao, đã khơi nguồn cảm hứng để các dân tộc thuộc địa ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin... bừng tỉnh, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dân tộc và lòng yêu nước để dũng cảm tiến hành các cuộc kháng chiến vũ trang, kiên quyết đánh đổ chế độ thực dân...
Xen kẽ trong các phần phóng sự, giao lưu nhân chứng là các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, được thể hiện bởi Nghệ sĩ Ưu tú Tân Nhàn, ca sĩ Viết Danh,… cùng tập thể nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Văn công Quân khu 1./.
ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét