Lớp học đặc biệt dạy từ lớp 1 đến lớp 7

Trong hải trình đến thăm các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc, chúng tôi có dịp đặt chân tới đảo Hòn Chuối. Nhìn từ xa, đảo Hòn Chuối sừng sững như con cá voi xanh khổng lồ nhô mình trên sóng biển với những vách đá dựng đứng, rừng nguyên sinh rậm rạp. Đảo có địa hình phức tạp, với độ dốc cao, điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Trên đảo hiện có 68 hộ với hơn 200 nhân khẩu sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng bè và đánh bắt hải sản. Để đến với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và các lực lượng vũ trang trên đảo, chúng tôi phải neo tàu ngoài biển, sau đó sang thuyền nhỏ để di chuyển vào đảo bởi đảo hiện chưa có cầu cảng. Tiếp theo, chúng tôi phải di chuyển hơn 1km nữa qua hơn 300 bậc thang với độ dốc cao để đến với các đơn vị trên đảo.

“Gieo chữ” nơi đảo xa
Thiếu tá QNCN Trần Bình Phục, Phó đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hòn Chuối dạy học cho các em nhỏ trên đảo Hòn Chuối. 

Trên đường leo bậc thang, chúng tôi đặc biệt chú ý đến một căn nhà cấp 4 nằm ven đường, được che mát bởi những tán cây. Từ xa đã nghe vọng lại tiếng tập đọc của trẻ nhỏ trong căn nhà. Lại gần, tôi mới biết đây là lớp học tình thương của Đồn Biên phòng Hòn Chuối. Hướng ánh mắt vào trong lớp, tôi thấy một người lính biên phòng da đen sạm, giọng nói rõ ràng, truyền cảm trong bộ quân phục đang say sưa giảng bài cho các em nhỏ. Đặc biệt hơn, lớp học có tới 3 chiếc bảng gắn vào 3 bức tường, mỗi chiếc bảng có nội dung học khác nhau. Học trò trong lớp cũng chia thành 3 nhóm, ngồi hướng về từng chiếc bảng. Thầy giáo cứ lần lượt đi vòng quanh để giảng bài cho học trò theo từng nhóm lớp.

Đợi đến giờ ra chơi, tôi trò chuyện với thầy giáo mới biết anh là Thiếu tá QNCN Trần Bình Phục, Phó đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hòn Chuối. Anh ra đảo Hòn Chuối công tác từ năm 2010 và từ đó đến nay làm nhiệm vụ dạy học cho các em nhỏ trên đảo từ lớp 1 đến lớp 7. Tôi hỏi thầy Phục làm cách nào để anh có thể dạy học với nhiều độ tuổi, nhiều chương trình học khác nhau trong cùng một lớp như vậy, khi đây là việc không dễ dàng đối với một giáo viên làm nghề lâu năm chứ chưa nói đến một người lính không học chuyên ngành sư phạm. Thiếu tá QNCN Trần Bình Phục giải thích: “Với mô hình lớp ghép, để việc học của các em đạt chất lượng, tôi phải áp dụng phương pháp lấy lớp lớn hướng dẫn lớp nhỏ. Trước khi tan học, tôi giao bài cho các em lớp nhỏ rồi giao cho các em lớp lớn về nhà hướng dẫn cho các em lớp nhỏ. Đồng thời, tôi dạy xen kẽ giữa các môn với dung lượng phù hợp để các em có thời gian chuẩn bị. Ví như em nào học yếu môn Toán, tôi sẽ dạy giờ đầu để các em có thời gian làm bài tập; những em học khá môn Toán thì tôi dạy các môn khác. Các em ở đây ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài, hiểu biết về kiến thức xã hội cũng thiếu nên mỗi lần soạn giáo án, tôi đều phải chọn những điều cơ bản nhất, ngắn gọn, dễ hiểu nhất để giảng cho các em”.

“Gieo chữ” nơi đảo xa
 Thiếu tá QNCN Trần Bình Phục, Phó đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hòn Chuối và các em học sinh tại lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối. 

Chắp cánh ước mơ cho em nhỏ

Lớp học tình thương của Đồn Biên phòng Hòn Chuối được mở từ năm 1995. Từ đó đến nay đã có nhiều thầy giáo quân hàm xanh đứng lớp, trong đó Thiếu tá QNCN Trần Bình Phục là người gắn bó với lớp học này lâu nhất. Ban đầu, lớp học chỉ là căn nhà tranh vách đất, không có bàn, chỉ có những chiếc ghế nhựa cũ với 4 em nhỏ tham gia. Ngày nắng thì nóng, ngày mưa thì dột, thầy trò tìm mọi cách để che chắn cho nhau. Đến năm 2016, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Cà Mau đã kêu gọi tài trợ xây dựng lớp học thành căn nhà cấp 4 cùng với các trang thiết bị dạy học như: Bàn, ghế, bảng, phấn... Thời điểm lớp đông nhất có tới 32 học sinh và hiện tại lớp học có 15 học sinh theo học. Sở dĩ số học sinh có biến động như vậy là bởi một số em nhỏ theo cha mẹ vào đất liền sinh sống, số khác học hết lớp 7, nếu muốn học cao hơn phải vào đất liền để học.

Em Nguyễn Tấn Lực, hiện đang học lớp 3 tại lớp học tình thương, chia sẻ: “Con sống với ông bà ngoại từ nhỏ ở trên đảo, bố mẹ con làm việc trong đất liền. Ông bà của con đã đưa con đến lớp học của thầy Phục để con được học tập và vui chơi cùng các bạn. Con rất thích học lớp thầy Phục vì thầy rất tốt bụng, dạy rất dễ hiểu. Con ước mơ sau này trở thành bác sĩ để có thể chữa bệnh cho mọi người. Con mong muốn khi học hết lớp 7, con sẽ được vào đất liền học tiếp để thực hiện ước mơ của mình”.

Trong lớp học của thầy Phục có rất nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Em thì mồ côi cha, em mồ côi mẹ, có em gia đình nghèo, không đủ kinh tế để đưa vào đất liền tiếp tục học cao hơn. Trong đó có trường hợp hết sức đặc biệt là em Đậu Yến Nhi bị nhiễm chất độc da cam, cha mẹ em thường xuyên đau ốm, kinh tế gia đình khó khăn. Để có thể dạy học cho Nhi, thầy Phục đã như người cha thứ hai của em. Để Nhi có thể biết đọc, biết viết, thầy Phục đã dành khá nhiều thời gian dạy học cho em và nhờ các bạn học lớp cao hơn thường xuyên kèm cặp, giúp đỡ em trong học tập, bởi Nhi đã 16 tuổi nhưng mới chỉ học lớp 2. Em bị nhiễm chất độc da cam nên khả năng tiếp thu kiến thức không được như các bạn khác. Thiếu tá QNCN Trần Bình Phục tâm sự, anh chỉ mong sao Yến Nhi và các em trong lớp có được tương lai tươi sáng hơn, khi có tri thức, con người sẽ có thể thay đổi được số phận mình.

“Người thầy cũng như người thân trong gia đình”

Điều đáng mừng nhất là từ lớp học tình thương nơi đảo xa ấy đến nay đã có 7 em vào đất liền học tiếp và thi đỗ đại học. Trong đó có 5 em đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, 2 em còn lại đang theo học đại học. Em Nguyễn Văn Nguyên, sinh viên năm thứ ba Đại học Cần Thơ, chia sẻ: “Em rất biết ơn thầy Phục vì nhờ có thầy mà từ một đứa trẻ không biết chữ, em có thể theo đuổi con đường học vấn cho đến ngày hôm nay. Trong những năm tháng em chuyển vào đất liền để học tiếp, thầy Phục vẫn luôn quan tâm, gọi điện động viên em cố gắng hoàn thành việc học đại học để khi ra trường có việc làm ổn định hỗ trợ kinh tế cho gia đình. Thầy Phục không chỉ là người thầy mà còn như người ruột thịt trong gia đình em”.

Chị Lý Thị Thu (quê huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) cùng chồng và 5 người con vừa ra đảo sinh sống được 4 tháng. Trong 5 người con của chị thì có 2 cháu đang học lớp thầy Phục là Nguyễn Ngọc Thương (11 tuổi) và Nguyễn Ngọc Thái (13 tuổi). “Lúc đầu mới ra đảo, gia đình tôi không có chỗ ở, cũng không có việc làm. Nhờ thầy Phục và các đồng chí Đồn Biên phòng Hòn Chuối, gia đình tôi mới có được chỗ ở. Không những vậy, các đồng chí còn hỗ trợ lương thực, thực phẩm, cho con giống, dạy nuôi cá bớp, giúp cuộc sống của gia đình khấm khá hơn”, chị Thu bày tỏ.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn trong đơn vị, những người lính biên phòng trên đảo Hòn Chuối còn đi vận động các gia đình có con em tới tuổi đi học tham gia lớp học tình thương. Nhờ vậy, đến nay, 100% các em nhỏ trong độ tuổi đến trường đều đã được đi học. Do địa hình hiểm trở, đường dốc, mùa mưa bão đường trơn trượt, nguy hiểm nên tầm 6 giờ 30 phút mỗi sáng, học sinh đi học tập trung đợi dưới chân đảo để cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối xuống đưa lên lớp học. Cháu nào nhỏ quá thì được cõng trên vai đến lớp. Cứ thế, hằng ngày, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối đưa các cháu đến lớp học rồi lại đưa các cháu về với gia đình.

Trung tá Lê Quốc Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Chuối cho biết: “Xóa mù chữ, nâng cao dân trí ở các vùng biên giới, hải đảo là chủ trương lớn, nhiệm vụ lớn, mang tính quyết định đối với công tác bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Do đó, nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Hòn Chuối luôn chú trọng đến công tác giáo dục, dạy học cho các cháu trên đảo. Đồng chí Trần Bình Phục đã hoàn thành nhiệm vụ này rất tốt. Đồng chí không chỉ nhận được sự yêu mến của đồng đội mà còn được người dân trên đảo hết sức tin tưởng. Việc làm tốt công tác dân vận đã góp phần tăng cường mối đoàn kết, gắn bó giữa Ðảng với nhân dân, củng cố "thế trận lòng dân" trên địa bàn ngày càng vững chắc”.

Hiện nay, lớp học tình thương do Thiếu tá QNCN Trần Bình Phục phụ trách đã được công nhận là một điểm trường trong hệ thống giáo dục của thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, thực tế cơ sở vật chất, hạ tầng của lớp học còn khá sơ sài, do đó nhiều gia đình sinh sống trên đảo Hòn Chuối mong muốn chính quyền địa phương, các mạnh thường quân chung tay giúp đỡ, xây dựng một trường học khang trang để các em nhỏ trên đảo có điều kiện học tập tốt hơn, chắp cánh cho các em hiện thực hóa ước mơ của mình.

Bài và ảnh: LA DUY

NGUỒN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN