“Nói ít mà
tốt. Biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự”.
Cách đây 101
năm, ngày 04-4-1923, Nguyễn Ái Quốc cùng Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và
Nguyễn Văn Ái họp tại trụ sở Hội Liên hiệp Thuộc địa ở Paris để bàn về tờ báo
“Le Paria” (Người Cùng Khổ) lúc này đang gặp khó khăn về tài chính. Nguyễn Ái
Quốc nêu ý kiến rằng, bằng mọi giá tờ báo phải sống, vì nếu tờ báo chết trong
lúc này sẽ gây thiệt hại lớn cho việc tuyên truyền, trong khi hơn lúc nào hết
nhân dân vô sản thế giới đang phải lên tiếng chống lại những kẻ bóc lột.
Ngày
04-4-1926, với bút danh Mộng Liên, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Về sự bất công”
đăng trên mục “Dành cho phụ nữ” của báo “Thanh Niên” xuất bản tại Quảng Châu,
Trung Quốc. Bài báo nêu lên những quan niệm khinh rẻ phụ nữ của xã hội cũ: “Đại
đức Khổng Tử nói: Chồng phải dạy vợ. Đức Mạnh Tử lại lưu ý rằng: Đàn bà và trẻ
con khó dạy bảo... Người Trung Quốc thường so sánh phụ nữ với con gà mái. Ở An
Nam, chúng ta nói: Đàn bà phải quanh quẩn trong bếp”; rồi nêu vấn đề: “Trong xã
hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút
quyền gì. Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công này?”.
Ngày
04-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội đồng Chính phủ họp phiên bất
thường để thông báo việc mình đã gặp để thảo luận trực tiếp với Đô đốc
D’Argenlieu. Bác cho biết, sau 2 lần sửa chữa, phía Pháp đã phải chấp nhận một
thông báo gần đúng với chủ trương của ta, đồng thời J. Sainteny đã phải đưa ra
đề nghị tổ chức hội nghị trù bị ở Đà Lạt.
Ngày
04-4-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Đặc phái viên Chính phủ tại Thanh
Hóa là Vũ Đình Huỳnh giao nhiệm vụ cùng Giám mục Lê Hữu Từ “dàn xếp việc xích
mích giữa đồng bào lương - giáo để thực hiện đoàn kết kháng chiến. Vì vậy, cần
phải khôn khéo và cẩn thận từ lời nói đến việc làm” và bằng mọi cách để giải
tỏa những việc hiểu lầm dẫn đến có hại cho đoàn kết. Cùng ngày, Bác ký sắc lệnh
thành lập một Ủy ban Hành chính đặc biệt miền thượng du Thanh Hóa để giúp tỉnh
giải quyết công việc của địa phương này.
Ngày
04-4-1952, Bác viết bài “Có tiền mua tiên cũng được” đăng trên báo Cứu Quốc (ký
tên là Đ.X), bình luận việc một số nước tẩy chay, không nhận các khoản cho vay
của Mỹ. Bài báo kết thúc bằng việc liên hệ đến nền tài chính kháng chiến của
ta: “Việt Nam ta đang phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm; Chính phủ,
đoàn thể và nhân dân đồng tâm nhất trí thì nhất định thành công: Không tiền ta
tạo ra tiền/ Kháng chiến thắng lợi là tiên trên đời”.
Ngày
04-4-1963, chuẩn bị cho các cuộc gặp và hội đàm với Trung Quốc và Liên Xô của
Đoàn đại biểu Đảng, tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò:
“Nói ít mà tốt. Biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét