Tham dự sự kiện trang trọng và ý nghĩa này có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Thượng tướng Lê Huy Vịnh; Thượng tướng Vũ Hải Sản. Cùng dự có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; đồng chí Bùi Minh Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ; Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng; đại biểu lãnh đạo tỉnh Phú Thọ...

Khắc cốt ghi tâm lời hịch thiêng liêng
Lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và tỉnh Phú Thọ cắt băng khánh thành bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong”. 

 

Khắc cốt ghi tâm lời hịch thiêng liêng
Lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và tỉnh Phú Thọ bên bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong”. Ảnh: TUẤN HUY 

Mùa thu năm 1954, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng và các đoàn thể từ Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ đô. Sáng 19-9-1954, trong buổi nói chuyện và trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại đoàn Quân Tiên Phong (nay là Sư đoàn 308, Quân đoàn 12), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn của Người có ý nghĩa giáo dục to lớn về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tinh thần đại đoàn kết; là sự tôn vinh tổ tiên và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước; đồng thời khẳng định chân lý “dựng nước gắn liền với giữ nước” là quy luật tồn tại, phát triển tất yếu của lịch sử Việt Nam. Lời căn dặn như một mệnh lệnh vang vọng từ Đền Hùng đến toàn quân, toàn dân ta; trở thành sức mạnh tinh thần, là lẽ sống, là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam và trường tồn cùng dân tộc trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất, hòa bình, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước hôm nay và mai sau.

Để ghi nhớ, thực hiện lời dạy của Bác Hồ và thể theo nguyện vọng của nhân dân, năm 2001, Khu di tích lịch sử Đền Hùng được Bộ Quốc phòng công đức xây dựng công trình bức phù điêu tại khu vực ngã 5 đền Giếng. Bức phù điêu bằng đá rộng 11,71m, cao 7,58m, khắc họa toàn cảnh Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong trước cửa đền Giếng. Từ khi công trình được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả giáo dục truyền thống, được nhân dân, các cơ quan, tổ chức, LLVT và đoàn viên, thanh niên cả nước đến tham quan để khắc ghi lời dạy của Người.

Nhằm tiếp tục bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử Đền Hùng xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời bảo đảm trang trọng, điều kiện tốt nhất phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân tổ chức thực hiện nghi lễ dâng hoa tri ân công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ đã có công với đất nước, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng công đức tu bổ, tôn tạo, nâng cấp bức phù điêu bằng chất liệu đồng (có hình vòng cung, dài 28,16m và cao 9,2m), hoàn thành sau hơn 9 tháng thi công.

Bày tỏ xúc động khi bức phù điêu hoàn thành với chất lượng cao về nội dung tư tưởng, kỹ thuật-mỹ thuật, nhất là khánh thành đúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng 2024, hướng tới các ngày lễ kỷ niệm lớn: 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh: “Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc; khắc ghi chân lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dựng nước gắn liền với giữ nước, được đúc rút từ lời dạy bất hủ của Bác Hồ; là biểu tượng cho niềm tin yêu, tình cảm kính trọng của Quân đội, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ và đồng bào cả nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt chặng đường cách mạng vẻ vang vừa qua và mãi mãi về sau".

Đại tướng Phan Văn Giang đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và LLVT tỉnh Phú Thọ tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy công trình bức phù điêu một cách hiệu quả, thiết thực, góp phần giáo dục lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống cách mạng của Đảng, tư tưởng, tấm gương vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đại đoàn kết toàn dân và truyền thống vẻ vang Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ, đồng chí Bùi Văn Quang, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, khẳng định: Tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục làm tốt công tác quản lý, giữ gìn và phát huy công trình bức phù điêu hiệu quả, thiết thực, xứng đáng với công trình văn hóa có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; truyền thống cách mạng kiên cường, vẻ vang của Đảng và QĐND Việt Nam.

HỮU TRƯỞNG

NGUỒN BÁO QUÂN DỘI NHÂN DÂN