Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

Không có chuyện “miễn nhiệm”, “thôi chức” là bức bình phong cho “đấu đá nội bộ” hay “thanh trừng phe phái”

 Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cố tình “đánh lận con đen” khi cho rằng “việc Đảng và Nhà nước nhiều lần phát động đấu tranh phòng, chống tham nhũng chỉ là “trò đánh trống khua chiêng nhằm che mắt thế gian”, thực chất là “đấu đá nội bộ” hay “thanh trừng phe phái” (?!). Nguy hại hơn, trước thềm đại hội, hay bất kỳ quyết định nhân sự quan trọng của Đảng, Nhà nước, chúng lại vẽ vời, “thêu dệt”, tung ra những nhận định không khách quan về công tác cán bộ hòng xuyên tạc, gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội, như cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là quá trình thanh trừng, đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực chính trị, lợi ích kinh tế giữa các “phe phái”; “Thôi chức”, “miễn nhiệm” theo nguyện vọng cá nhân hay khả năng đảm nhiệm công việc được giao phó chỉ là “bình phong” của Đảng Cộng sản (?!)

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta”(21), chính sự “đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập tới nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này tới thắng lợi khác”(22).

Đoàn kết, thống nhất trong Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng. Điều này bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đồng thời đây là sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trên cơ sở điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta. Trong từng thời kỳ cách mạng khác nhau, Đảng ta luôn nhất quán xây dựng và không ngừng củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, kiên định xem đây là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Đảng ta xác định: “Đó là sự thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thống nhất ý chí và hành động dựa trên đường lối cách mạng đúng đắn và những nguyên tắc tổ chức của đảng vô sản”(23). Ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đoàn kết, thống nhất là một nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, là sinh mệnh của Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng. Tháng 11-1939, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I, Đảng ta đã khẳng định: “Phải thống nhất ý chí và hành động” và “sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng buộc phải có ý chí giác ngộ của toàn thể đảng viên, chớ không phải nhắm mắt phục tùng”(24). Năm 1976, Đại hội IV đã khẳng định nguyên tắc mang tính quy luật trong hoạt động của Đảng đó là: “Đảng coi việc giữ gìn đoàn kết nhất trí trong Đảng trên cơ sở đường lối chính trị và nguyên tắc tập trung dân chủ là sinh mệnh của Đảng, và kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống mọi biểu hiện chia rẽ, bè phái trong Đảng”(25). Đến Đại hội VIII (năm 1996), vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng được nhấn mạnh, với những vấn đề: “Đoàn kết thống nhất trong Đảng, trước hết là ở cơ quan lãnh đạo, có ý nghĩa quyết định sự thành công của cách mạng”(26). Nhất quán quan điểm này, Đại hội IX (năm 2001), yêu cầu cụ thể: “Từng đảng bộ giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong tập thể lãnh đạo”(27). Đặc biệt, đến Đại hội XIII (năm 2021), khi tổng kết công tác xây dựng xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, Đảng ta đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh “phải đặc biệt coi trọng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, trước hết trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt và cấp ủy các cấp”(28).

Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp thứ 38 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII _Ảnh: ubkttw.vn

Ngay từ Đại hội IV, trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng ta đã khẳng định đảng viên cần “tích cực bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân, chống lãng phí, tham ô”(29). Đến Đại hội XIII, trong Nghị quyết, Đảng ta xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là: “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(30). Như vậy, từ Đại hội IV đến nay, trong hệ thống chính trị nước ta, vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng. Nói cách khác, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không phải “một sớm, một chiều”, “ngày một, ngày hai” mà đây là công việc vô cùng phức tạp, lâu dài, đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân cũng như bản thân cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, việc bịa đặt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta là “trò đánh trống khua chiêng nhằm che mắt thế gian”, thực chất là “đấu đá nội bộ” hay “thanh trừng phe phái” là sự dối trá, trơ trẽn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị hòng phủ nhận nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng ta.

Ngay từ giai đoạn đầu đổi mới, Đảng ta đã rất chú ý đến vấn đề từ chức, cho thôi, miễn nhiệm của cán bộ. Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18-6-1997, của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh” quy định rõ: “Trong thời hạn đảm nhiệm chức vụ, người nào vì công việc, lý do sức khoẻ, hoàn cảnh cá nhân được từ chức, miễn chức; người nào không hoàn thành nhiệm vụ, có sai phạm, uy tín giảm sút thì tùy theo mức độ mà bị miễn chức, hoặc cách chức kịp thời”. Đến Đại hội X, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 30-7-2007, “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị”. Nghị quyết xác định cần khẩn trương “Xây dựng quy chế miễn nhiệm, từ chức để thay thế kịp thời, dễ dàng những cán bộ năng lực và phẩm chất yếu kém, vi phạm kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín”.

Thực tế, việc “cho thôi”, “miễn nhiệm” là một trong những dấu ấn nổi bật, có tính đột phá trong việc kết hợp chặt chẽ giữa học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã chỉ rõ hiện nay chưa có cơ chế đánh giá phù hợp và thay thế kịp thời cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đánh giá “Công tác quản lý cán bộ có nơi, có lúc bị buông lỏng; chưa có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người yếu kém, uy tín thấp, không đủ sức khỏe”... Đặc biệt, Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021, của Bộ Chính trị, “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” đã có những điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định về “miễn nhiệm” và “từ chức”. Quy định này đã góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng về vấn đề miễn nhiệm, từ chức thành các quy định cụ thể; đồng thời, đây chính là cơ sở để ứng xử văn minh trong miễn nhiệm, từ chức, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phù hợp với kỳ vọng của nhân dân. Có thể thấy, việc cho “thôi chức” đối với cán bộ cấp cao là bước tiến rất lớn, góp phần để phương châm “có lên, có xuống, có vào, có ra” trong công tác cán bộ được triển khai sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương; để xu hướng đó trở thành một việc làm bình thường trong quá trình “xây” kết hợp với “chống”, vừa “xây”, vừa “chống” nhuần nhuyễn, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; đồng thời, khi đã có hạn chế, khuyết điểm hay khi thấy năng lực công tác của mình không còn phù hợp với vị trí công tác được đảm nhiệm... cán bộ mạnh dạn “từ chức” và “từ chức” trở thành văn hóa, thể hiện tính liêm sỉ và giá trị công bộc của cán bộ, đảng viên.

Đoàn viên, thanh niên đọc tìm hiểu cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng _Nguồn: thanhnien.vn

Phải khẳng định rằng, những kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta thời gian qua đã góp phần làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Điều đó cũng làm cho các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Do đó, những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam thời gian qua thể hiện rõ dã tâm chính trị hòng hạ thấp vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng; chia rẽ mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Trong cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Tổng Bí thư đã khẳng định: “Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu”(31).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét