Thứ Tư, 3 tháng 4, 2024

NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ: KHÔNG THỂ TÁCH RỜI MẶT TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ VỚI CÁC MẶT TRẬN KHÁC KHẮP CHIẾN TRƯỜNG VIỆT NAM!

         Điện Biên Phủ là trung tâm điểm của toàn chiến trường Đông Dương trong suốt mùa Đông 1953 và mùa Xuân năm 1954. Muốn nhận rõ ảnh hưởng của trận Điện Biên Phủ đối với ta cũng như đối với địch, chúng ta không thể tách rời mặt trận Điện Biên Phủ với các mặt trận khác khắp chiến trường Việt Nam và chiến trường hai nước bạn Campuchia và Lào!
Vào giữa năm 1953, ngay sau khi bị thất bại và bắt buộc phải đình chiến ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã lấy Đông Dương để làm nơi tích cực can thiệp, kéo dài và mở rộng chiến tranh, hòng biến Đông Dương thành căn cứ quân sự của Mỹ, làm bàn đạp tấn công các nước Đông Nam Á. Bọn đế quốc chủ nghĩa gây chiến đã tiến tới một bước câu kết chặt chẽ với thực dân hiếu chiến Pháp và bù nhìn tay sai để thực hiện âm mưu nói trên. Chúng định ra kế hoạch Nava, mong tiêu diệt phần lớn chủ lực của ta, đánh chiếm phần lớn lãnh thổ của ta, đồng thời tiêu diệt Quân đội giải phóng Khmer và Lào, đánh chiếm hoàn toàn hai nước bạn Campuchia và Lào. Đó là kế hoạch giải quyết chiến tranh trong 18 tháng mà thực dân Pháp và can thiệp Mỹ thường nói đến. 

Để thực hiện kế hoạch trên, bước vào Thu Đông 1953, địch đã tập trung 45 tiểu đoàn cơ động ở Bắc Bộ, tăng viện thêm binh lực ở Pháp sang, tích cực khuếch trương ngụy quân, mong chống đối với mọi cuộc tấn công của ta ở đồng bằng, đồng thời mưu đánh chiếm toàn bộ Liên khu 5, bình định miền Nam Việt Nam, quét sạch mọi lực lượng kháng chiến ở Campuchia và Lào, sau đó trở lại mở cuộc tấn công lớn có tính chất quyết định ở Bắc Bộ.

Trong kế hoạch này, Điện Biên Phủ có một vị trí rất quan trọng. Địch đã đánh chiếm Điện Biên Phủ, dự định trong vòng tháng 1 năm 1954 từ Điện Biên Phủ đánh lấy lại Nà Sản, trước mắt thì để buộc chủ lực ta phải đối phó trên hai mặt trận Tây Bắc và đồng bằng, sau này thì để dùng Điện Biên Phủ làm một căn cứ vững chắc tiến đánh Việt Bắc của chúng ta, trong khi đại quân của chúng từ đồng bằng đánh lên. Âm mưu của chúng thực là thâm độc, ta không nên khinh thường. 

Tuy nhiên, đế quốc Pháp - Mỹ đã không tính đến tinh thần kháng chiến bất khuất của quân đội và nhân dân ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào, chúng không tưởng tượng được rằng trong lúc chúng dồn chủ lực ra đồng bằng Bắc Bộ và Điện Biên Phủ thì Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội giải phóng Khmer, Lào có thể tấn công chúng vào những hướng chúng sơ hở. 

Thực vậy, quân ta đã tấn công lên Lai Châu, giải phóng Lai Châu, buộc địch phải phân tán thêm chủ lực lên Điện Biên Phủ để chống giữ. Quân đội giải phóng Lào đã tấn công vào Thà Khẹt và Hạ Lào, giải phóng Thà Khẹt và cao nguyên Bôlôven buộc địch phải phân tán chủ lực lên Xênô. Quân ta đã tấn công vào phía Bắc Tây Nguyên giải phóng Kon Tum buộc địch phải tăng thêm lực lượng cho Buôn Mê Thuột và Tuy Hòa mà chúng vừa đánh chiếm. Quân đội giải phóng Lào lại tấn công lớn vào Thượng Lào, giải phóng lưu vực sông Nậm Hu, buộc địch phải phân tán chủ lực lên Luông Phabăng. 

Vào đầu tháng 3 năm 1954, Nava tưởng rằng sức tấn công của quân ta và Quân đội giải phóng Khmer, Lào không còn mạnh mẽ nữa, chỉ trong vòng vài tuần lễ nữa thì tình thế sẽ thay đổi, quân Pháp sẽ phản công và ta nhất định không dám đánh Điện Biên Phủ.

Nhưng đến khi Nava đã mang chủ lực tung ra bốn phương rồi, ngày 12-3-1954 lại phân tán một bộ phận chủ lực nữa đổ bộ lên Quy Nhơn, thì ngày hôm sau 13-3 quân ta mở cuộc tấn công lớn vào Điện Biên Phủ, cũng trong thời gian đó quân ta đánh mạnh ở đồng bằng sơ hở, nhiều lần cắt đường Hải Phòng - Hà Nội, Quân giải phóng Khmer thì đánh vào phía Đông và Tây Bắc Campuchia. 

Nava đã phải vội vã rút lực lượng các nơi về để tăng viện cho Điện Biên Phủ, Pháp và Mỹ gấp rút tập trung lực lượng, nào là cho viện binh từ Pháp sang, nào là tăng máy bay oanh tạc và vận tải nhân viên không quân của Mỹ sang Đông Dương, nào là chở vũ khí, đạn dược từ Philippines và Nhật Bản sang, chúng kiên quyết giữ cho kỳ được Điện Biên Phủ. Nhưng chiến sự tiếp diễn, Điện Biên Phủ càng ngày càng nguy ngập, tăng quân thêm nữa thì sợ bị tiêu diệt nhiều hơn, đánh vào hậu phương ta thì đã có kinh nghiệm thất bại ở Phú Thọ, mang bộ đội lớn từ Lào đánh sang thì đã có kinh nghiệm thất bại ở sông Nậm Hu. Rút cục, như Nava đã phải thú nhận, Pháp chỉ còn một đường là ỷ lại vào tác dụng của không quân Mỹ. 

Nhưng không quân Mỹ với hàng tấn bom, hàng vạn lít napan trút xuống vùng rừng núi Điện Biên Phủ đã tỏ ra ít hiệu quả, trước tinh thần chiến đấu anh dũng và gan dạ của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thế là sau một năm thực hiện kế hoạch Nava, cục diện quân sự ở Đông Dương đã thay đổi nhiều, nhưng không phải thay đổi có lợi cho địch mà thay đổi có lợi cho ta. Địch mưu tăng cường chủ lực và khuếch trương ngụy quân, nhưng sinh lực của chúng đã bị tiêu diệt trên 8 vạn từ tháng 11-1953 đến nay. Địch mưu giành lại chủ động, nhưng Nava chỉ giành được một lối chủ động đặc biệt tức là chủ động phân tán binh lực khắp mọi nơi, chủ động mang quân lên Điện Biên Phủ để bị ta tiêu diệt. Địch mưu đánh chiếm phần lớn lãnh thổ Việt Nam, Campuchia, Lào nhưng đến ngày nay thì Phú Thọ, Thanh Hóa của ta vẫn vững chắc, ở địch hậu Bắc Bộ thì căn cứ du kích và vùng du kích của ta chiếm rộng đến 2/3 đất đai, ở Nam Bộ thì vùng tự do và vùng du kích của ta đã được mở rộng, ở Liên khu 5 địch đánh chiếm Quy Nhơn thì ta giải phóng Kon Tum. Ở nước bạn Lào thì vùng tự do ngày nay đã chiếm trên 1/2 đất đai, có trên một triệu dân, phạm vi kiểm soát của địch bị thu lại trong vùng tam giác Xiêng Khoảng - Luông Phabăng - Viêng Chăn và một số tuyến dài dọc sông Cửu Long; ở nước bạn Campuchia thì khu giải phóng đã được mở rộng. 

Còn trận quyết định mà đế quốc Pháp - Mỹ thường nói đến thì phải chăng đó là trận Điện Biên Phủ. Nhưng trận Điện Biên Phủ không quyết định thắng lợi của chúng, mà trận Điện Biên Phủ đã quyết định số phận của kế hoạch Nava: Kế hoạch Nava đã hoàn toàn thất bại; âm mưu mở rộng chiến tranh của Pháp và Mỹ đã bị một đòn thất bại rất nặng./.
Ảnh: Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến.
Ảnh: Lễ kết nghĩa bộ đội Việt Nam và bộ đội Lào trong Chiến dịch Thượng Lào năm 1953.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét