Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG NGÀY VĂN HÓA DÂN TỘC VIỆT NAM 19/4

 Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta, văn hóa Việt Nam không hề xa lạ với sự giao lưu, tiếp nhận, tác động lẫn nhau của văn hóa các nước và văn hóa khu vực. Quá trình này diễn ra không ngừng, theo cả chiều dài lịch sử và theo cả không gian, địa lý - văn hóa.

Đất nước Việt Nam nằm trên vùng đất có sự giao thoa, thâm nhập lẫn nhau của nhiều nền văn hóa. Ngay từ buổi đầu dựng nước, Việt Nam đã có sự giao thoa giữa văn hóa Đông Nam Á với văn hóa Đông Á và sau này, cũng trong một thời gian dài, là giữa văn hóa Trung Hoa và văn hóa Ấn Độ. Đến thời cận đại, xuất hiện và phát triển sự giao lưu, tác động lẫn nhau giữa văn hóa châu Á với văn hóa Âu - Mỹ trên lãnh thổ Việt Nam. “Chính từ đặc điểm này mà ngay từ đầu và trong toàn bộ quá trình phát triển của mình, văn hóa Việt Nam đã trưởng thành, tạo nên những giá trị độc đáo của dân tộc dựa trên một năng lực rất đặc biệt, đó là vừa tự nuôi dưỡng và phát huy những giá trị của chính mình - văn hóa bản địa, vừa biết tiếp nhận, chọn lọc những giá trị tốt đẹp của nhiều nền văn hóa khác”- theo Giáo sư Đinh Xuân Dũng.
Sức sống nội tại và bản lĩnh của văn hóa Việt Nam là dòng chảy bất tận trong lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những năm qua dòng chảy truyền thống đó cũng đứng trước những thách thức. Đặc biệt, với sự phát triển như vũ bão của mạng internet thì thế giới như thu hẹp lại. Rất nhiều luồng văn hóa, trào lưu văn hóa, trong đó không ít độc hại, xa lạ với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam cũng như những giá trị căn bản của loài người đã xâm nhập mạnh mẽ vào đời sống xã hội. Từ đó, xuất hiện một số hiện tượng xấu cần phải được lên án. Trong đó, có việc xuất hiện những đối tượng gọi là “giang hồ mạng” đã ảnh hưởng xấu đến một bộ phận giới trẻ.
Chính vì thế, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày 17/11/2008 Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1668/QĐ-TTg Ngày 19/4 là "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam". Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em trên cả nước./.
ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét