Thứ Tư, 10 tháng 4, 2024

PHƯƠNG CHÂM CHỈ ĐẠO CHIẾN LƯỢC CỦA ĐẢNG TRONG ĐÔNG XUÂN 1953-1954 VÀ CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

 1. Thực dân Pháp triển khai Kế hoạch Navarre

2.
Sau những thất bại nghiêm trọng ở Tây Bắc Việt Nam và Thượng Lào, tháng 5/1953, Chính phủ Pháp cử Đại tướng Henri Navarre, Tham mưu trưởng lục quân khối Trung Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sang thay tướng Raoul Salan làm Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Sang Đông Dương, Navarre khẩn trương xây dựng một kế hoạch mang tên mình - Kế hoạch của Navarre, với nội dung chủ yếu: Đưa thêm lực lượng từ Pháp sang bao gồm cả bộ binh, không quân, hải quân; sắp xếp lại quân số các đơn vị; rút bớt lực lượng làm nhiệm vụ chiếm đóng; phát triển lực lượng quân đội các quốc gia liên kết thân Pháp ở Việt Nam, Lào, Campuchia…
Sau khi Hội đồng quốc phòng Pháp thông qua Kế hoạch Navarre (24/7/1953), Bộ Chỉ huy Pháp ở Đông Dương nhanh chóng triển khai kế hoạch này. Đến cuối năm 1953, tổng số các đơn vị của Pháp và của Chính phủ Bảo Đại tập trung ở Đồng bằng Bắc Bộ đã lên tới 112 tiểu đoàn, trong đó có 44 tiểu đoàn cơ động. Cùng với tăng cường và tập trung lực lượng cơ động, Bộ Chỉ huy Pháp tổ chức liên tiếp các cuộc hành quân, càn quét, bình định vùng chiếm đóng và đánh ra vùng do các lực lượng kháng chiến kiểm soát nhằm phá sự chuẩn bị tác chiến của đối phương.
3. Chủ trương và kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 với phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”
4.
Đầu tháng 10/1953, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng, bàn về kế hoạch, nhiệm vụ Đông Xuân 1953-1954. Sau khi cân nhắc các phương án tác chiến do Bộ Tổng Tham mưu xây dựng và ý định của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị đề ra phương châm tác chiến chung là “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và xác định chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954 là: Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch trong vận động ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta, trong lúc đó, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch, tích cực tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết. Kết thúc hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Trong Đông Xuân 1953-1954, bộ đội chủ lực dự kiến hoạt động trên ba hướng: Tây Bắc; Thượng Lào; hướng Trung Lào, Hạ Lào và hướng Tây Nguyên; hướng phối hợp là trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.
Ngày 19/11/1953, Bộ Tổng Tư lệnh triệu tập hội nghị phổ biến nhiệm vụ và kế hoạch quân sự Đông Xuân 1953-1954. Trong lúc đó, Bộ Chỉ huy Pháp cho 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ bằng cuộc hành binh mang tên Castor (Hải Ly). Chiến trường Tây Bắc xuất hiện yếu tố mới: Điện Biên Phủ trở thành địa điểm thứ hai ở khu vực Tây Bắc, cùng với Lai Châu, có quân Pháp chiếm giữ. Bộ Chỉ huy Pháp đã phải bị động phân tán lực lượng đối phó.
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị thông qua báo cáo của Tổng Quân ủy, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy.
Về phía quân Pháp, đến cuối tháng 1/1954, số quân Pháp ở Điện Biên Phủ lên tới 12 tiểu đoàn, 7 đại đội bộ binh; 3 tiểu đoàn pháo binh; 1 tiểu đoàn công binh; 1 đại đội xe tăng M24; 1 đại đội ô-tô vận tải (200 chiếc); 1 phi đội máy bay khu trục, trinh sát (12 chiếc),… Bộ Chỉ huy Pháp tổ chức hệ thống bố phòng gồm 49 cứ điểm lớn nhỏ, 8 trung tâm đề kháng và 3 phân khu. Toàn bộ các cứ điểm, cụm cứ điểm bố trí trong thung lũng Điện Biên.
Ngày 29/12/1953, Cơ quan tiền phương chiến dịch họp tại hang Thẩm Púa (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), họp bàn kế hoạch tác chiến, dự kiến phương châm tác chiến chiến dịch là “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Ngay sau khi đến Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hội ý Đảng ủy Mặt trận. Ý kiến chung nêu ra là cần đ.ánh sớm trong lúc địch chưa tăng quân và củng cố hệ thống phòng ngự, có khả năng giành thắng lợi trong thời gian ngắn.
Ngày 14/1/1954, hội nghị triển khai kế hoạch tác chiến được tổ chức tại hang Thẩm Púa, với sự tham dự của cán bộ chủ chốt các đơn vị tham gia chiến dịch. Trên cơ sở phân tích tình hình địch ta, kế hoạch tác chiến dự kiến theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” là tập trung tuyệt đối ưu thế binh hỏa lực đột phá từ phía tây rồi nhanh chóng đánh vào trung tâm Mường Thanh, đồng thời đánh mạnh từ phía đông. Trận đánh dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày, ba đêm; thời gian dự định nổ súng mở màn chiến dịch là ngày 20/1/1954(1).
Kết thúc hội nghị, Đảng ủy Mặt trận, Bộ Chỉ huy Chiến dịch cùng các đơn vị được phân công nhiệm vụ chiến đấu trên các mũi, các hướng khẩn trương chuẩn bị các công việc cuối cùng cho ngày nổ súng dự kiến là 20/1/1954.
3. Chuyển phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”
Do không lường hết những khó khăn nên việc kéo pháo vào trận địa kéo dài thời gian hơn dự kiến, vì thế, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định lùi thời gian nổ súng thêm 5 ngày, dự kiến chiều 25/1 sẽ mở màn chiến dịch. Một sự cố ngoài dự tính đã xảy ra, gần đến ngày nổ súng, một chiến sĩ của Đại đoàn 312 bị quân báo của Pháp bắt. Đề phòng ngày giờ nổ s.úng bị lộ, Bộ Chỉ huy Chiến dịch lại quyết định lùi giờ nổ súng thêm 24 tiếng nữa, đến 17 giờ ngày 26/1/1954. Mọi công tác chuẩn bị cuối cùng được khẩn trương hoàn tất.
Vấn đề quan trọng nhất lúc này đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cân nhắc lựa chọn phương châm tác chiến chiến dịch sao cho phù hợp, bảo đảm chắc thắng. Sau cuộc họp bàn ngày 14/1/1954, nhận thấy có điều không ổn nếu thực hiện “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, Đại tướng chỉ thị cho các cơ quan tham mưu, tác chiến, quân báo, bảo đảm cung cấp… phải thường xuyên theo dõi tình hình địch để báo cáo kịp thời.
Theo Đại tướng, có ba khó khăn hiện tại rất rõ: Thứ nhất, bộ đội chủ lực đến nay chỉ tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường, có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Ở Nà Sản, bộ đội mới đánh vào vị trí tiểu đoàn, công sự dã chiến nằm trong tập đoàn cứ điểm, vẫn có những trận không đạt yêu cầu, bị thương vong lớn. Thứ hai, bộ đội chưa quen đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với quy mô lớn, chưa hề qua diễn tập, nếu thực hiện sẽ lúng túng, không phối hợp tốt. Thậm chí có trung đoàn trưởng xin trả pháo vì không biết phối hợp với bộ binh như thế nào. Thứ ba, bộ đội vốn chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những nơi có địa hình dễ ẩn náu, chưa có kinh nghiệm đánh công kiên ban ngày trên địa bàn bằng phẳng như cánh đồng Mường Thanh, nên dễ bị máy bay, pháo binh địch ném bom, bắn phá sát thương(2).
Từ những suy nghĩ, phân tích đó, trong suy nghĩ của Chỉ huy trưởng chiến dịch hình thành ngày càng rõ quyết định phải chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” để vừa có thể đánh thắng, vừa bảo toàn được lực lượng.
Sáng sớm 26/1/1954, ngày dự kiến nổ súng mở màn chiến dịch, Đại tướng chủ động gặp, trao đổi với Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh về việc thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân tích, cố vấn Vi Quốc Thanh đồng ý với ý kiến của Đại tướng và hai bên thỏa thuận sẽ làm công tác tư tưởng với Đoàn Cố vấn cũng như với các đơn vị tham gia chiến dịch, để chuẩn bị đánh theo phương châm tác chiến mới.
Ngay sau đó, tại cuộc họp bất thường của Đảng ủy Mặt trận, sau khi phân tích, trao đổi với các đồng chí tham dự cuộc họp, Đại tướng kết luận: Chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”; hoãn cuộc tiến công, lệnh cho các đơn vị trên toàn tuyến chiến đấu lui về địa điểm tập kết, kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”(3).
Ngày 30/1/1954, Đại tướng đã gửi thư báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Bộ Chính trị xin ý kiến về chủ trương tác chiến mới ở Điện Biên Phủ và trên từng chiến trường. Bộ Chính trị đã nhất trí với quyết định của Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.
Thực tế diễn biến chiến dịch đã diễn ra á.c liệt 56 ngày, đêm với nhiều hy sinh, tổn thất, mới giành được thắng lợi, chứ không phải hai ngày ba đêm như phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” dự tính, đã chứng minh quyết định thay đổi, chuyển sang phương châm tác chiến “đ.ánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hoàn toàn đúng đắn./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét