Nhận
thức về an ninh phi truyền thống và những đe dọa, thách thức từ an ninh phi
truyền thống được bắt nguồn từ thực tiễn, gắn với quá trình đổi mới tư duy về
bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là một quá trình phát triển tư duy về bảo
vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của Đảng, thể hiện qua các kỳ đại hội.
Tại
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, lần đầu tiên Đảng ta đưa ra
quan điểm về tăng cường quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa với
nội dung toàn diện cả mặt địa lý tự nhiên và mặt chính trị - xã hội. Báo cáo
Chính trị tại Đại hội nêu rõ: “Bảo vệ Tổ
quốc xã hội chủ nghĩa là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn
vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa;
bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp
đổi mới và lợi ích quốc gia, dân tộc”[1]. Trong đó, bảo
vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa về mặt địa lý tự nhiên, bao gồm bảo vệ vững chắc
độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ… về mặt chính trị - xã hội,
bao gồm bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự
nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, những vấn đề an ninh
phi truyền thống chưa được đề cập trong mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã
hội chủ nghĩa.
Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, quan điểm về bảo vệ Tổ quốc xã hội
chủ nghĩa của Đảng đã có bước phát triển, Đảng ta xác định, để bảo vệ vững chắc
Tổ quốc xã hội chủ nghĩa phải trên cơ sở xây dựng nền quốc phòng toàn dân và
nền an ninh nhân dân vững mạnh. Báo cáo Chính trị tại Đại hội nêu rõ: “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh
nhân dân vững mạnh toàn diện; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập, chủ quyền,
thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội
chủ nghĩa; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hóa
và an ninh xã hội; duy trì trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; giữ vững ổn định
chính trị của đất nước, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt
động chống phá, thù địch, không để bị động bất ngờ”[2]. Những vấn đề
về an ninh phi truyền thống như: an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hóa và
an ninh xã hội, bước đầu được đề cập trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia để
bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, thuật ngữ “an ninh phi truyền
thống” chính thức được đưa vào văn kiện Đại hội. Báo cáo Chính trị tại Đại hội,
nêu rõ: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính
trị, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc
độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển,
đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ
nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn,
làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn
sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang
tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”[3]. Tuy
vấn đề an ninh phi truyền thống đã được đề cập khá rõ ràng, nhưng mới ở mức độ
“sẵn sàng ứng phó với các mối
đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu”.
Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XII của Đảng, tư duy về an ninh phi truyền thống đã có bước phát
triển, Đảng ta đặt an ninh phi truyền thống bên cạnh an ninh truyền thống,
trong cùng nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Báo cáo Chính trị tại Đại hội, xác
định: “Mục
tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp
toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ
của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập,
chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước,
nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo
vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích
quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình,
ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”[4]. Từ mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh, Đại
hội XII của Đảng, xác định nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia là “Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu,
hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông
tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; sẵn sàng
ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông
tin, an ninh mạng”[5].
Như vậy, tư
duy về an ninh phi truyền thống của Đảng tại Đại hội XII đã có bước phát triển toàn
diện hơn. Đảng ta đặt vấn đề an ninh phi truyền thống cùng với an ninh truyền
thống trong tổng thể các nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Và các mối đe dọa an
ninh phi truyền thống có thể chuyển hóa thành an ninh truyền thống, nếu không
được giải quyết kịp thời và triệt để.
Thực tiễn những năm qua,
nước ta đã tổ chức triển khai nhiều
hoạt động phòng, chống tác động, ảnh hưởng của an ninh phi truyền thống đạt
được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trước những tác động, ảnh
hưởng ngày càng lớn của các mối đe dọa từ an ninh phi truyển thống, nhất là các
hoạt động tội phạm công nghệ cao, vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường,
dịch bệnh; an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước; an ninh kinh tế, tài
chính, tiền tệ; an ninh dân tộc, tôn giáo… vẫn đe dọa nghiêm trọng đến an ninh
quốc gia và sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước. Thực tiễn đang đặt ra
yêu cầu cấp thiết phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động phòng ngừa, ứng
phó kịp thời, có hiệu quả với các đe dọa của an ninh phi truyền thống trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới.
Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã dành nhiều tâm huyết, trí
tuệ thảo luận, đề ra quyết sách quan trọng để giải quyết vấn đề an ninh phi
truyền thống. Đánh giá
kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII về tăng cường quốc phòng, an ninh, Báo
cáo chính trị tại Đại hội khẳng định: “Tư duy về quốc phòng, an ninh, đối tác,
đối tượng, bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển mới và ngày càng hoàn thiện. Sự
kết hợp giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Chủ
động đấu tranh kịp thời, hiệu quả, từng bước đẩy lùi các loại tội phạm; phòng
ngừa và ứng phó kịp thời với các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi
truyền thống; làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn
lật đổ của các thế lực thù địch, phản động”[6].
Đặc biệt, Đại hội đã đánh
giá sâu sắc những tác động, ảnh hưởng và kết quả phòng, chống đại dịch
Covid-19, trong đó nhấn mạnh: Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động mạnh
đến nước ta, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội và sự phát triển của
đất nước. Nhưng với sự nỗ lực cố gắng vượt bậc,
đất nước đã đạt được những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm
trước. Trong khi kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4%,
kinh tế nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91%, là một trong những nền
kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Có được những thành tựu vượt
bậc trên là do chúng ta đã phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc,
tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa; sự lãnh đạo nhạy bén, đúng đắn
của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ; sự vào cuộc
đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ
mạnh mẽ của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, chúng ta đã kịp thời
khống chế, cơ bản kiểm soát, ngăn chặn được sự lây lan của đại dịch Covid-19
trong cộng đồng; hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây
ra, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; từng bước khôi phục sản
xuất kinh doanh, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh
tế - xã hội của năm 2020 và cả giai đoạn 2016 - 2020. Chính từ những
kết quả nổi bật trên, Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi là điểm sáng
trong việc thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa khống chế, ngăn
chặn đại dịch Covid-19 thành công; vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo
đảm đời sống và an toàn cho người dân. Những kết quả đó đã góp phần
củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ
nghĩa; khẳng định bản lĩnh, ý chí, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, dân
tộc ta.
Tuy nhiên, Đại hội XIII cũng chỉ ra những hạn chế trong lĩnh
vực bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó có an ninh phi truyền thống, đó là: “Công
tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh có lúc chưa thật
chủ động; tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; an ninh trên một số
địa bàn, lĩnh vực chưa thật vững chắc, nhất là an ninh mạng, an ninh trong đầu
tư nước ngoài; nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, an toàn con người chưa được
quan tâm giải quyết triệt để; xử lý khiếu kiện đông người về đất đai và một số
tình huống phức tạp nảy sinh ở mộ số địa bàn, cơ sở có lúc, có nơi còn bị động.
Công tác quản lý, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh
mạng còn hạn chế”[7].
Nhận định về tình hình thế giới và đất nước những năm tới có
liên quan đến vấn đề an ninh phi truyền thống, Đại hội XIII nhấn mạnh: Kinh tế
thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do
tác động của đại dịch Covid-19. Cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại,
tranh giành thị trường, các nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng
cao giữa các nước ngày càng quyết liệt. Những vấn đề toàn cầu như bảo vệ
hoà bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh
phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô
nhiễm môi trường... tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại Đông Nam
Á, môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển
Đông còn diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu, thiên tai,
dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, nhất
là an ninh mạng, ngày càng
tác động mạnh, nhiều mặt, đe doạ nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới,
khu vực và đất nước.
Đối với nước
ta, nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng
trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng
hoảng kinh tế toàn cầu gây ra; biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp... ngày càng
tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước. Trong khi đó các thế lực thù địch
tiếp tục đẩy mạnh các hoạt chống phá với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh
vi, thâm độc, rất khó để nhận diện, phòng chống. Do đó, bảo vệ độc lập, chủ
quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và ứng phó kịp
thời, hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống là yêu cầu cấp
thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn trong thời gian tới.
Từ thực tiễn đó, Đại hội XIII đã nhấn mạnh mục tiêu, phương
hướng tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội
chủ nghĩa là: “Phát huy cao nhất sức mạnh
tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời
đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững
chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ
Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc
gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc
gia, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh
để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[8].
Quan điểm đó
tiếp tục cho thấy tư duy nhất quán của Đảng khi kết hợp chặt chẽ, toàn diện mục
tiêu bảo vệ Tổ quốc trên các phương diện địa lý - tự nhiên và chính trị - xã
hội, lợi ích quốc gia - dân tộc trong một chỉnh thể thống nhất. Đặc biệt, Đại
hội XIII đã có sự phát triển tư duy rất quan trọng về nhiệm vụ bảo vệ an ninh
quốc gia, trong đó có những vấn đề an ninh phi truyền thống. Báo cáo Chính trị
tại Đại hội nêu rõ: “Kiên quyết đấu tranh
làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Chú
trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của
người dân. Xác định “chủ động phòng ngừa” là chính. Ứng phó kịp thời hiệu quả
với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ,
phòng, chống thiên tai, dịch bệnh”. Quan điểm của Đại hội XIII thể hiện sự phát
triển mới trong tư duy của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, khi đặt an
ninh phi truyền thống là một nội dung quan trọng vì an toàn của con người, đặt an
toàn của con người lên hàng đầu, con người giữ vị trí trung tâm của sự phát
triển. Đây là minh chứng để khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ
nghĩa ở nước ta.
[1]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.117.
[2]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.108-109.
[3]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội,
2011, tr.233.
[4]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,
2016, tr.147-148.
[5]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,
2016, tr.148.
[6] Đảng
Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,
2021, tr.69.
[7] Đảng
Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,
2021, tr.87-88.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét