Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

“Tham nhũng là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa” - một luận điệu lố bịch

Để nuôi ảo tưởng làm chuyển hóa con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta, các thế lực thù địch không từ thủ đoạn nào. Trong số đó, “tham nhũng là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa” là luận điệu xuyên tạc lố bịch đến nực cười, với thái độ hằn học mà các thế lực thù địch ra sức rêu rao thời gian qua.

Thời gian gần đây, trong khi công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta ngày càng hiệu quả, tạo nhiều hiệu ứng tích cực, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, thì đã xuất hiện nhiều luận điệu chống phá của các thế lực thù địch. Không chỉ phủ nhận thành tựu chống tham nhũng của ta, chúng còn đơm đặt, xuyên tạc, cho rằng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam chỉ là hình thức, là cuộc chiến thanh trừng phe phái trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Trắng trợn hơn, chúng còn tung ra luận điệu rằng: tham nhũng là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là căn bệnh nan y của “chế độ độc đảng cầm quyền”. Với luận điệu này, chúng đã cố tình gán ghép và cho rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có tham nhũng và ở chế độ đó cũng không thể chống được tham nhũng. Mục đích sâu xa của những luận điệu này là nhằm chèo lái dư luận, “bôi đen” bức tranh xã hội, làm giảm hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, gây hoài nghi, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong vấn đề này, họ quá kém cỏi về nhận thức hay cố tình “bỏ qua” vấn đề lý luận đã trở nên quá rõ ràng rằng: tham nhũng là sản phẩm của xã hội có giai cấp và nhà nước, là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Nghĩa là khi còn giai cấp, có nhà nước, thì tham nhũng được sinh ra tại nơi có quyền lực tồn tại, trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào, không phân biệt chế độ nhà nước đó là gì, thể chế chính trị là đa đảng hay một đảng. Và họ chủ ý phớt lờ một thực tế hiển nhiên là, tham nhũng đang hiện là vấn nạn ở mọi quốc gia, mọi chế độ, dù là nước đó có trình độ phát triển đến đâu đi chăng nữa.

Theo Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) hằng năm do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố đều cho thấy, trên thế giới không có quốc gia nào đạt chỉ số 100 điểm, hoàn toàn minh bạch, trong sạch, không có tham nhũng. Trong lịch sử và đặc biệt những năm gần đây, chúng ta chứng kiến những vụ án tham nhũng gây chấn động cả thế giới. Nổi lên trong số đó có vụ Watergate với bê bối, lợi dụng về quyền lực chính trị để trục lợi từ năm 1972 - 1974 của Tổng thống Mỹ Richard Nixơn, buộc ông này phải từ chức trước khi bị phế truất, v.v. Ở những nước kém phát triển hơn, chúng ta cũng biết đến những vụ án tham nhũng nổi tiếng thế giới, như: Arnoldo Aleman - tổng thống thứ 81 của Nicaragua bị bắt với cáo buộc tham nhũng liên quan đến 100 triệu USD trong các quỹ nhà nước ngay sau kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2002. Cựu Tổng thống Philippines - Joseph Estrad phạm tội tham nhũng, cũng phải ngồi tù chung thân vào năm 2013. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bị Quốc hội Hàn Quốc phế truất chức tổng thống vào tháng 12/2016 do bị buộc tội tham nhũng, dính líu đến vụ bê bối chính trị dùng quan hệ cá nhân để tăng ảnh hưởng và trục lợi tài chính, v.v. Thực tế trên cho thấy, tham nhũng có ở mọi chế độ xã hội, ấy vậy mà các thế lực thù địch lại chỉ đem các nước xã hội chủ nghĩa để bôi xấu. Thật nực cười cho cái gọi là “nhìn nhận khách quan” của họ.

Càng mỉa mai thay, trong khi các thế lực thù địch đang cố gán cho chủ nghĩa xã hội những thói hư tật xấu bằng sự nhận thức lý luận non kém và chứng cứ thực tiễn yếu ớt thì những ai khách quan, nghiên cứu thấu đáo về chủ nghĩa xã hội đều không khó để nhận thấy rằng, chủ nghĩa xã hội luôn không đội trời chung với tham nhũng, tiêu cực. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ căn nguyên của nạn tham nhũng là xã hội còn tồn tại giai cấp, nhà nước và luôn kiên quyết đấu tranh loại bỏ đến tận gốc rễ vấn nạn này, tức là xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản để xóa bỏ giai cấp, nhà nước. Nhà nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo là công cụ để đạt được mục tiêu đó. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, V.I. Lênin đã sớm nhận ra vấn đề tham nhũng, Người khẳng định: “Hiện giờ có ba kẻ thù chính đang đứng trước mỗi người, bất kể người đó làm việc gì, ở cương vị nào,… kẻ thù thứ nhất - tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa; kẻ thù thứ hai - nạn mù chữ; kẻ thù thứ ba - nạn hối lộ”, “Nếu có cái gì làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó”. Đồng thời, V.I. Lênin cũng kêu gọi: “đuổi ra khỏi đảng từ 10 vạn đến 20 vạn người đã len lỏi vào Đảng và đã không những không biết đấu tranh chống bệnh giấy tờ cùng nạn hối lộ, mà còn cản trở cuộc đấu tranh này”.

Đối với nước ta, thực tế đất nước từ khi có Đảng lãnh đạo đã bác bỏ mọi luận điệu cố tình gán ghép tham nhũng, tiêu cực với bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và dân tộc ta đã lựa chọn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi tệ tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng” rất nguy hiểm, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, phải kiên quyết loại bỏ. Người chỉ ra rằng: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính… Vì những lẽ đó, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước ta luôn nhận diện đúng về tham nhũng, nhìn thẳng vào thực tế, không phủ nhận tham nhũng vốn đã và đang tồn tại như một vấn nạn. Từ đó, nhất quán quan điểm: đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính. Quyết tâm chính trị đó đã được biểu hiện bằng hiệu quả thực tế với sự đồng bộ cả về cơ chế, thể chế và hệ thống bộ máy vận hành cơ chế đó.

Về cơ chế, thể chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng, Nhà nước ta đã chú trọng ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường quản lý kinh tế - xã hội, từng bước hướng tới “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng. Theo Báo cáo số 06-BC/TW, ngày 23/7/2022 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022: Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội ban hành hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.600 nghị định, quyết định, chỉ thị; cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương ban hành hơn 45.000 văn bản; các bộ, ngành, địa phương ban hành gần 100.000 văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”.

Hệ thống bộ máy chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến cơ sở được xây dựng, hoàn thiện và vận hành đồng bộ, hiệu quả, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước, ngày 01/02/2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị được thành lập do Tổng Bí thư làm Trưởng ban và từ tháng 8/2022 đến nay, 63 Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả. Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy cũng được tái lập. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng, như: cơ quan kiểm tra, giám sát, nội chính của Đảng; cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra,… của Trung ương và địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng cũng được chú trọng, tăng cường; hợp tác quốc tế trong chống tham nhũng, tiêu cực cũng có bước phát triển mới. Vai trò của các cơ quan dân cử, cơ quan báo chí và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng được chú trọng, phát huy, tạo sức mạnh tổng hợp trong cuộc chiến đầy cam go này.

Thực tế cho thấy, với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực đã được tiến hành bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả; mở rộng phạm vi, đối tượng đến cả cấp huyện và cơ sở; xử lý cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao và cán bộ trong lực lượng vũ trang; nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương được chỉ đạo, xử lý dứt điểm. Trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 7.390 đảng viên do tham nhũng, trong đó có 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, gồm 04 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 08 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng.

Kết quả đó cho thấy công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “đã trở thành phong trào, thành xu hướng không thể đảo ngược”, là công việc không của riêng ai; thể hiện quyết tâm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta trong vấn đề này, “khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười”.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét