Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

Tiếp tục đưa mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam ngày càng thực chất và hiệu quả, đẩy lùi các luận điệu chia rẽ, chống phá của các thế lực thù địch

 Trước hết, với quyết tâm nâng tầm quan hệ “hữu nghị vĩ đại” Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, hai bên cần tiếp tục xác định xây dựng mối quan hệ chính trị là nền tảng, quan hệ kinh tế là cốt yếu. Củng cố, nuôi dưỡng vững chắc nhận thức chung hai bên về tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ hai nước, coi đây là vấn đề chiến lược sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của mỗi nước. Tính chất đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Lào được thể hiện ở điểm khác căn bản với các quan hệ đối tác thông thường khác, nó là quan hệ hợp tác toàn diện bao gồm cả chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa... và ưu tiên, ưu đãi cho nhau cao hơn cả quan hệ song phương. Thống nhất nhận thức trong cán bộ và nhân dân hai nước về tính chất đặc biệt của mối quan hệ, trên cơ sở có tầm nhìn rộng, toàn diện và lâu dài hơn. Tích cực đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác; chủ động lựa chọn các hạng mục có nhu cầu đầu tư và phát triển đáp ứng được yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước trên quan điểm tiếp cận tổng thể về lợi ích trong quan hệ hợp tác đặc biệt.

Thứ hai, huy động tối đa nguồn lực và hệ thống chính trị của hai nước, tập trung cải thiện, nâng tầm quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật tương xứng với quan hệ chính trị Việt Nam - Lào. Tăng cường và hoàn thiện cơ chế hợp tác, trước hết là tăng cường tính hiệu quả của cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật. Kết hợp thế mạnh của mỗi nước tạo thành thế mạnh chung trên cơ sở tranh thủ các yếu tố quốc tế thuận lợi về vốn, kỹ thuật, thị trường. Tập trung rà soát lại tổng thể cơ chế, chính sách, chương trình và tổ chức thực hiện để bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và những đòi hỏi mới trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước; đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực hiện nay và những năm tới, nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chiến lược hợp tác đã đặt ra.

Thứ ba, tăng cường hợp tác toàn diện theo hướng hai nước phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn trong các chương trình, dự án hợp tác giữa hai nước với khu vực và hợp tác đa phương khác trên cơ sở tôn trọng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại của nhau để tận dụng các mối quan hệ này phục vụ lợi ích cho cả hai bên, bảo vệ tối đa lợi ích quốc gia của từng nước và hai nước, đặc biệt là trong các cơ chế hợp tác mà hai nước cùng tham gia, như Liên hợp quốc, ASEAN; các cơ chế hợp tác tiểu vùng; các vấn đề an ninh phi truyền thống, mà cả hai sẽ cùng phải đối mặt. Chủ động tham vấn và hỗ trợ lẫn nhau trong việc giải quyết các vấn đề đối nội và đối ngoại quan trọng hoặc tham khảo lẫn nhau về lập trường, quan điểm tại các diễn đàn quốc tế mà cả hai nước cùng tham gia. Qua đó, giúp hai bên có đủ khả năng ứng phó với các chuyển biến của tình hình quốc tế, khu vực, từ đó, có thể giúp hai nước bảo vệ hiệu quả lợi ích quốc gia của từng nước và lợi ích chung của hai nước.    

Thứ tư, coi trọng việc cân bằng giữa các lợi ích cốt lõi về chính trị, an ninh, kinh tế của từng nước và của hai nước dưới tác động từ các nhân tố bên trong và bên ngoài. Trong suốt quá trình lịch sử, mối quan hệ Việt Nam - Lào trở nên gắn bó trước hết là vì lợi ích thiết thân của hai nước. Ngày nay, bối cảnh khu vực và thế giới đã hoàn toàn thay đổi; theo đó, các nước lớn và nhỏ đều có lợi ích riêng khi theo đuổi các mối quan hệ quốc tế. Trong số các lợi ích riêng đó, có những lợi ích cốt lõi mà các nước rất khó từ bỏ khi phải đối mặt với các sức ép từ bên ngoài. Do đó, hai nước cần xác định rõ những vấn đề hai bên có lợi ích “không trùng hợp” hoặc “không hoàn toàn trùng hợp” để có “quy tắc ứng xử” phù hợp theo hướng tôn trọng lợi ích của nhau, tôn trọng luật pháp và tập quán quốc tế; tiếp tục tranh thủ và phát huy hiệu quả các cơ chế, các kênh hợp tác và phương châm hợp tác “giúp bạn là tự mình giúp mình” của hai nước.

Trong hơn 60 năm qua, mặc dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, thuận lợi và thách thức đan xen, song có thể khẳng định, quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào đã không ngừng phát triển vững chắc, ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Những bài học lịch sử của mối quan hệ mẫu mực Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; những tư tưởng chỉ đạo và nội dung hợp tác nêu trong bản Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vẫn vẹn nguyên giá trị và là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt tiến trình phát triển của mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Đối với nhân dân hai nước, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được coi là lẽ sống, là tình nghĩa trước sau như một, dù khó khăn, gian nan đến mấy cũng không thể chia tách. Mối quan hệ đặc biệt hiếm có Việt Nam - Lào đang tiếp tục được vun đắp trên cơ sở vì lợi ích và mục tiêu chung của hai quốc gia, với tinh thần quốc tế trong sáng, đưa cách mạng hai nước từng bước vượt qua những thử thách, chông gai và là hành trang quý giá, là cơ sở vững chắc để các thế hệ hai nước hiện nay và mai sau tiếp tục phát huy tình đoàn kết, xây dựng mối quan hệ bình đẳng, tự chủ, hữu nghị, hợp tác giữa hai nước “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét