Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, nhà lãnh đạo trẻ tuổi tài năng của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh - có vai trò và đóng góp hết sức to lớn đối với công tác tổ chức xây dựng Đảng và cách mạng Việt Nam!
Xây dựng Đảng về chính trị
Được Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10/1930) chính thức bầu là Tổng Bí thư của Đảng trong bối cảnh cao trào cách mạng đang diễn ra sôi nổi trên khắp ba miền đất nước, đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú và BCH Trung ương Đảng đã kịp thời có những quyết sách đúng, mang tính chiến lược để giải quyết những nhiệm vụ chính trị mà thực tiễn cách mạng đang đặt ra.
Đồng chí được giao nhiệm vụ xây dựng các văn kiện quan trọng trình Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương Đảng; đồng thời, đã cùng BCH Trung ương Đảng chỉ đạo việc ban hành và thực hiện nhiều nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng.
Trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, Đảng mới ra đời, kẻ thù lại đang tiến hành chiến dịch khủng bố khốc liệt, đồng chí luôn chăm lo việc giữ vững đường lối chính trị đúng đắn, kiên trì xây dựng Đảng theo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; không ngừng quan tâm, bồi dưỡng quan điểm vô sản, kiên quyết chống những quan điểm cơ hội, mơ hồ, cải lương, cầu an trong Đảng. Nhờ đó, Đảng đã ngày càng lớn mạnh, đủ sức lãnh đạo các tổ chức, đoàn thể của quần chúng, lãnh đạo phong trào cách mạng vượt qua thời kỳ đầy khó khăn, thử thách.
Đồng chí luôn kiên định với những nguyên tắc của Đảng. Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ; thống nhất lãnh đạo đoàn thể quần chúng nhân dân. Đảng là đảng của giai cấp vô sản nên phải gồm những công nhân tiên tiến, lãnh đạo Đảng phải là những công nhân ưu tú nhất; mỗi đảng viên phải hăng hái hoạt động, tích cực, chủ động tham gia vào công việc của Đảng, phải tuân thủ nguyên tắc của tổ chức đảng, phải tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Phải hết lòng xây dựng sự đoàn kết thống nhất ý chí, lập trường giai cấp trong Đảng; mặt khác, kiên quyết đấu tranh phê phán chống lại những tư tưởng xa rời các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối, chủ trương chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, tạo sự nhất trí, thống nhất, đoàn kết trong Đảng, làm nên sức mạnh tổng hợp của Đảng.
Xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận, đạo đức
Đóng góp nổi bật của đồng chí Trần Phú là được Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo Luận cương Chính trị đầu tiên của Đảng. Tháng 10/1930, bản Luận cương Chính trị đã được Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương thảo luận, góp ý và thông qua.
Đồng chí Trần Phú luôn quan tâm công tác tuyên truyền, vận động. Đồng chí đã chỉ đạo thành lập Ban Tuyên truyền và giao cho một Ủy viên Thường vụ Trung ương làm Trưởng ban phụ trách. Đồng chí chủ trương cho xuất bản Báo Cờ vô sản - cơ quan tuyên truyền của Đảng và Tạp chí Đỏ (tiền thân của Tạp chí Cộng sản) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhằm tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Quốc tế Cộng sản, của Đảng Cộng sản Đông Dương, vận động quần chúng và xây dựng lực lượng cách mạng, thúc đẩy phong trào cách mạng.
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã chỉ đạo tiến hành những cuộc đấu tranh sâu rộng trên mặt trận tư tưởng, lý luận, kiên quyết phê phán chống các tư tưởng cơ hội, cải lương, dao động, thỏa hiệp, hữu khuynh và cực đoan đang tồn tại trong Đảng, gây chia rẽ Đảng, kiên trì đấu tranh làm trong sạch Đảng, để Đảng thực sự là đội tiên phong của giai cấp vô sản.
Không chỉ vậy, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản. Đó là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, về khả năng thuyết phục và cảm hóa mạnh mẽ; về tinh thần tự phê bình trong Đảng, liên hệ với quần chúng, tin tưởng và gắn bó máu thịt với quần chúng, coi trọng công tác vận động quần chúng.
Đồng chí là người tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn; luôn chú trọng khảo sát, thâm nhập thực tế. Đồng chí là người cán bộ giản dị, chân thành, gương mẫu, có tác phong chan hòa, gần gũi, có khả năng tập hợp, đoàn kết, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân yêu mến, cảm phục. Với kẻ thù và những phần tử mưu toan chia rẽ, phá hoại Đảng, đồng chí kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng. Với những sai lầm, thiếu sót của cán bộ, đảng viên, đồng chí luôn chân thành, có lý, có tình, góp phần quan trọng vào việc củng cố sự đoàn kết trong Đảng. Đồng chí Trần Phú là tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và tinh thần bất khuất trước kẻ thù.
Xây dựng Đảng về tổ chức
Đồng chí Trần Phú là nhà lãnh đạo, nhà tổ chức tài ba, đã có nhiều chỉ đạo chiến lược và sách lược sáng suốt củng cố các tổ chức cách mạng của Đảng. Đồng chí đã cùng với BCH Trung ương kịp thời chỉ đạo việc xây dựng và củng cố tổ chức của Đảng từ Trung ương tới các xứ ủy, tỉnh ủy, huyện ủy và chi bộ cơ sở; thành lập các Xứ ủy Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Các xứ ủy đã thành lập các ban cán sự và các bộ phận chuyên trách, chủ trương tăng cường xây dựng và củng cố các chi bộ nhà máy, các chi bộ của giai cấp công nhân, hình thành hệ thống lãnh đạo thông suốt từ Trung ương tới các đảng bộ xứ và địa phương. Nhờ đó, hệ thống tổ chức Đảng được củng cố vững chắc ngay trong hoàn cảnh bị kẻ thù khủng bố gắt gao, khốc liệt.
Lúc Đảng mới thành lập, toàn Đảng có khoảng 30 chi bộ với hơn 200 đảng viên, đến trước Hội nghị Trung ương lần thứ 2 (tháng 3/1931), số đảng viên trong toàn Đảng đã lên tới 2.400, sinh hoạt trong 250 chi bộ. Ở Bắc Kỳ đã hình thành 17 tỉnh ủy, thành ủy và đặc khu ủy; ở Trung Kỳ có 9 tỉnh ủy và ở Nam Kỳ cũng đã thành lập 21 tỉnh ủy, thành ủy, liên tỉnh ủy. Tại nhiều vùng nông thôn, nhà máy, hầm mỏ, đồn điền đã có cơ sở đảng.
Đồng chí Trần Phú đặc biệt quan tâm, chỉ đạo xây dựng, củng cố các tổ chức quần chúng như: Công hội, Nông hội, Phụ nữ hội, Thanh niên hội… Tính đến 1/5/1930, có tổng số khoảng 53.000 hội viên nông hội, tháng 3/1931 lên đến khoảng 64.000 hội viên. Đồng chí đã chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động và tăng cường vai trò của Công hội đỏ, thành lập Ban Công vận Trung ương; thành lập Cộng sản Thanh niên Đoàn, tập hợp, phát huy vai trò, để thanh niên thực sự trở thành lực lượng cách mạng hùng hậu và tiên phong của Đảng.
Đồng chí Trần Phú đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và Nhân dân. Học tập tấm gương đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh và tư duy sáng tạo của đồng chí Trần Phú, chúng ta nguyện nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản. Đặc biệt, càng phải làm tốt công tác xây dựng Đảng, để Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là “đứa con nòi của dân tộc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu căn dặn.
Để tiếp tục xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, chúng ta cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, quy định, chỉ thị của Đảng; đồng thời, thực hiện nghiêm, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Cùng với đó, tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, lý luận; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; tập trung đẩy mạnh xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên; đề cao trách nhiệm nêu gương, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, địa phương, đơn vị. Tiếp tục nâng cao nhận thức, quán triệt và thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét