Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: NHỮNG NGƯỜI LÍNH ĐẦU TIÊN CỦA BỘ ĐỘI HÓA HỌC Ở CHIẾN TRƯỜNG MIỀN NAM!

         Vào một buổi tối tháng 12/1974, chúng tôi những tân binh nhập ngũ vào buổi sáng đã có mặt ở một doanh trại quân đội đứng chân trên một quả đồi có rất nhiều cây bạch đàn. Mọi người cho biết đây là đất Sơn Tây, còn chúng tôi thì không. Chiếc xe thùng không mui chạy từ sáng tận Nam Hà về đến đây thì trời đã tối hẳn. Chúng tôi chỉ kịp ăn vội bữa cơm, nhận quân trang xong thu xếp chỗ để ngủ thì trời cũng đã khuya!

Qua mấy anh cán bộ, chúng tôi biết mình nhập ngũ vào Binh chủng Hóa học. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được nghe cái tên binh chủng này. Trước đây thì có nghe Pháo binh, Công binh Thông tin còn Hóa học thì tuyệt nhiên chưa bao giờ được nghe thấy.

Vào thời điểm này, Binh chủng Hóa học mới ra hoạt động công khai được hơn một năm gì đó. Đầu tiên là trong cuộc duyệt binh năm 1973, trên Quảng trường Ba Đình có một khối quân nhân mang danh Binh chủng Hóa học. Bộ đội đi nghiêm tay ôm một khẩu súng trông không giống loại súng nào của Quân đội đã có, sau này chúng tôi biết được đó là súng phun lửa loại K50 và vai đeo hai cái bình nằm song song với nhau như chiếc ba nô con. Sự hiểu biết chỉ có như vậy.  

Ngày hôm sau, theo lệnh, chúng tôi lần lượt vác ba nô hành quân đến tập trung ở một cái sân bóng khá rộng và được chỉ huy đọc danh sách biên chế về 2 đại đội mang phiên hiệu Đại đội 2 và Đại đội 3.

Đại đội 2 do Chuẩn úy Phạm Hồng Sơn - người hôm trước về Nam Hà lấy quân làm đại đội trưởng, Thiếu úy Nguyễn Văn Huỳnh làm chính trị viên.

Đại đội 3 do Trung úy Nguyễn Thanh Mỵ làm đại đội trưởng; Chuẩn úy Đặng Minh Đán là chính trị viên.

Cả hai đại đội trực thuộc Tiểu đoàn 901- Cục Hóa học - Bộ Tổng Tham mưu. Nghe nói vậy chứ chúng tôi đâu biết Cục Hóa học là cái đơn vị nào và càng không biết Bộ Tổng Tham mưu là tổ chức gì. Vậy là đến lúc này, chúng tôi biết được cái tên Tiểu đoàn 901. Cái tên này những năm sau trở thành kỉ niệm khó quên của đời quân ngũ của tôi.

Khi trở thành người chép sử cho Binh chủng Hóa học tôi mới có thể biết tường tận cái tiểu đoàn này. Tiểu đoàn 901 nguyên là Tiểu đoàn 6 trực thuộc Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam được thành lập ngày 19/4/1958 theo quyết định số 214/BMG của Bộ Tổng Tham mưu. Đây cũng là tiểu đoàn hóa học đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và là phân đội hóa học đầu tiên trực thuộc Bộ. Ban chỉ huy tiểu đoàn đầu tiên là các đồng chí Tăng Thiện Kim - tiểu đoàn trưởng; Hoàng Đình Thông - chính trị viên và Đỗ Lan - Tham mưu trưởng. Sau khi tiểu đoàn ra đời được một thời gian thì đồng chí Tăng Thiện Kim đi Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh; đồng chí Hoàng Đình Thông bị bệnh mất sau đó mấy năm. Còn đồng chí Đỗ Lan sau này làm Tham mưu phó Binh chủng Hóa học. Ông mất cách đây mấy năm, ông có người con trai là Đỗ Hùng - Thượng tá, cán bộ Phòng Huấn luyện Binh chủng Hóa học, người chỉ huy một phân đội súng M72 của Tiểu đoàn 901 trực tiếp chiến đấu và lập công xuất sắc trên mặt trận Vị Xuyên tháng 7 năm 1984. Nói đến “Hùng Bầu” anh em cơ quan, đơn vị đều biết.

Khi ta mở các chiến dịch trên chiến trường Trị - Thiên, nhiều cán bộ, nhiều phân đội của Tiểu đoàn 901 có mặt tại chiến trường. Các anh làm đủ mọi việc được giao kể cả gùi thồ hàng hay xây dựng sở chỉ huy chiến dịch như những chiến sĩ công binh. Trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968, được giao nhiệm vụ nghi binh chia lửa cho các hướng chiến dịch, các phân đội màn khói của Bộ đội Hóa học đã phối hợp với các lực lượng khác tổ chức các trận địa nghi binh bằng bù nhìn, bằng bộc phá, tạo ra những tình huống đầy sức thuyết phục thu hút nhiều bom đạn địch vào khu vực trận địa nghi binh. Trong cuộc chiến ấy, nhiều chiến sĩ bám trận địa chiến đấu với máy bay địch mặc chúng sà xuống vãi đạn và nhiều khi bị bom địch vùi lấp nhiều lần.

Đặc biệt các phân đội súng phun lửa của Tiểu đoàn 901 đã từng tham gia chiến đấu hàng trăm trận trong các chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh 1968, Đường 9 - Nam Lào 1971 và Quảng Trị năm 1972. Trong các chiến dịch đó, các phân đội súng phun lửa được sử dụng thích hợp giải quyết những mục tiêu mà các loại hỏa lực khác không giải quyết được như lô cốt, hầm ngầm cố thủ của địch. Nhưng phun lửa cũng là mục tiêu mà địch tập trung hỏa lực để tiêu diệt; mặt khác chiến sĩ phun lửa phải tiếp cận mục tiêu ở cự li gần mới phát huy được uy lực của vũ khí, cho nên có tỉ lệ thương vong khá lớn. Biết vậy nhưng trong các trận đánh, các chiến sĩ phun lửa dũng cảm và ngoan cường của Tiểu đoàn 901 không hề nao núng. Người trước ngã xuống, người sau tiến lên, chấp nhận hy sinh trong mọi hoàn cảnh. Có một câu chuyện kể lại rằng, chuẩn bị cho trận đánh sắp tới sẽ rất gay go và ác liệt. Các phân đội và các chiến sĩ đã tập luyện và hợp luyện nhiều lần cho trận đánh. Tuy nhiên gần đến ngày chiến đấu, người chỉ huy bỗng thay một chiến sĩ. Mọi người chưa hiểu vì sao và đặt nhiều dấu hỏi, nhưng sau này mới vỡ lẽ, người xạ thủ phun lửa được người chỉ huy để lại cho trận đánh sau, sinh ra trong một gia đình có độc nhất một mình. Vậy là trong ác liệt của cuộc chiến, giữa cái sống và cái chết vẫn lấp lánh ngời sáng tinh thần nhân văn sâu sắc để người lính lấy đó làm điểm tựa tiếp tục chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Chúng tôi tiến hành huấn luyện khẩn trương để chuẩn bị cho nhiệm vụ năm 1975. Lúc này, các phân đội phun lửa của Tiểu đoàn 901 chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên đã hoàn thành nhiệm vụ và hành quân về hậu phương. Thế hệ trước chúng tôi có rất nhiều các anh nhập ngũ từ nhiều năm trước, có người nhập ngũ từ những năm 1966, 1967, mang quân hàm thượng sĩ, có khi có cả trung sĩ. Các anh trưởng thành rất nhiều và là tấm gương sáng cho chúng tôi học tập.

Chúng tôi gặp ở đây Trung úy Trần Đức Quảng, sau này là tham mưu phó Binh chủng Hóa học, người tung hoành trước cửa mở trong trận đánh làng Vây năm 1968 mấy lần đạt dũng sĩ trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh; gặp thiếu úy Hoàng Văn Vẻ, người chiến đấu, bắn đến phát phun lửa cuối cùng diệt mấy chục tên địch và 3 xe M113, bị thương vẫn bám trận địa chiến đấu đến cùng chốt chặn địch tháo chạy trên đường 9. Anh được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 13/12/1973 và cũng là anh hùng duy nhất của Binh chủng Hóa học…

Tiểu đoàn bộ lúc này đứng chân trên một sườn đồi thuộc xã Đường Lâm huyện Ba Vì, xã mà sau này trở thành Làng cổ với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng, đặc biệt là Đình Mông Phụ và Chùa Mía.

Tiểu đoàn 901 là vậy. Cảm ơn nơi đầu tiên tôi bước chân vào quân ngũ dẫu rằng chỉ một khoảng thời gian không dài đã cho tôi nhiều kỉ niệm không thể nào quên về một thời gian khổ nhưng đáng tự hào và đáng sống đó.Từ cái buổi tối ấy (1974), không thể biết được sau đó, tôi đã gắn bó với Binh chủng Hóa học tới những năm tháng cuối cùng của thế kỉ 20 (2000). 
Hôm nay 66 năm thành lập Binh chủng Hóa học (19/4/1958-19/4/2024), nhớ lại nửa thế kỷ đã đi qua trong cuộc đời quân ngũ của tôi với Binh chủng Hóa học./.


Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét