Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: VỊ TƯỚNG XUẤT SẮC CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM!

     Vị Thượng tướng văn võ song toàn được Bác Hồ gọi là "Tướng rau muống", giúp quân ta giải phóng 6 tỉnh phía Bắc mà không đổ máu, được bầu làm Đại biểu Quốc hội!

Ông được Bác Hồ gọi là "Tướng rau muống" bởi có đủ các đức tính cần kiệm, liên chính, chí công vô tư, quan tâm đồng chí, đồng đội, sống giản dị, khiêm nhường…

Người có tài thương thuyết xuất sắc
Thượng tướng Song Hào, tên khai sinh là Nguyễn Văn Khương, sinh ngày 20/8/1917 tại xã Hào Kiệt (nay là xã Liên Minh), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo. Lớn lên trong cảnh đất nước bị thực dân đô hộ, nhân dân sống trong cảnh lầm than nên ông đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng từ khi 19 tuổi.

Năm 1939, sau khi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, Song Hào được cử đảm nhiệm cương vị Thư ký Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội và tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội. Với cương vị này, ông đã tích cực hoạt động, tuyên truyền, vận động anh em thợ thuyền đi theo Đảng, đứng lên đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống cho anh em công nhân. Ông luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được tổ chức phân công, có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển của Liên đoàn Lao động.

Đầu năm 1940, ông bị đế quốc Pháp bắt, kết án 7 năm tù và bị giam ở các nhà tù: Nam Định, Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, Chợ Chu. Trong tù, ông luôn giữ vững khí tiết cách mạng, tích cực tham gia các cuộc đấu tranh.

Tháng 9/1944, Song Hào cùng với một số tù chính trị ở nhà tù Chợ Chu (Việt Bắc) đã vượt ngục thành công và quay trở lại với cách mạng. Đây cũng là khoảng thời gian ông cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tích cực làm việc để xây dựng ATK thành chiến khu cách mạng.

Là người có tài thương thuyết, Thượng tướng Song Hào, đã góp công chính trong giải phóng 6 tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái mà không hề phải đổ một giọt máu của quân và dân ta.

Ngày đó ở những tỉnh này có những đồn lính khố xanh, khố đỏ của giặc Pháp đóng làm nhiệm vụ cai quản cả vùng. Thượng tướng Song Hào đã vào thẳng đồn địch, thuyết phục lính khố xanh, khố đỏ trong đồn đầu hàng mà không phải nổ một tiếng súng. Đó là một chiến công lớn của vị "Tướng thành Nam" những ngày cách mạng còn non trẻ.

Văn võ song toàn
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời đã phải đối diện với tình thế hết sức hiểm nghèo. Song Hào được Xứ ủy Bắc kỳ cử về vùng Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên để tiếp tục hoạt động, chiến đấu, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Trên cương vị là Chính ủy Liên khu 10, ông đã cùng tập thể Liên khu ủy bàn bạc, quyết nghị nhiều chủ trương đúng đắn để xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố chính quyền cách mạng non trẻ...

Ngày 14/5/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bổ nhiệm Song Hào giữ chức Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tiếp đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960), ông được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đến năm 1961, ông được phân công làm Phó bí thư Quân ủy Trung ương; được Hội đồng Chính phủ quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng điều động nhận công tác khác, ngày 3/3/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh bổ nhiệm Song Hào giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Với trọng trách người đứng đầu cơ quan chính trị của quân đội, ông đã dồn tâm sức của mình trong nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.

Ngày 24/5/1973, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương tổ chức hội nghị để nghiên cứu, thảo luận những vấn đề thực tiễn, chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định. Trong Hội nghị này, Song Hào đã có ý kiến quan trọng để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương kết luận nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam giai đoạn sau khi Hiệp định Pari được ký kết. Sau đó, ông tiếp tục tham gia các hội nghị của Bộ Chính trị và là thành viên tham gia thông qua Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong 2 năm (1975-1976) và phương án thời cơ “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Trực tiếp lĩnh hội kế hoạch giải phóng miền Nam tại các hội nghị của Bộ Chính trị, ông đã chỉ thị cho cơ quan Tổng cục Chính trị dồn hết trí tuệ, sức lực khẩn trương chỉ đạo các đơn vị triển khai toàn diện hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau 1975, ông vẫn tiếp tục công tác trong quân đội cho đến tháng 4/1982, ông được phân công giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội cho đến tháng 2/1987.

Theo Báo QĐND, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng chia sẻ: “Anh Song Hào được Bác Hồ gọi là 'Tướng rau muống', bởi anh là người có đủ các đức tính cần kiệm, liên chính, chí công vô tư, quan tâm đồng chí, đồng đội, sống giản dị, khiêm nhường… Gắn bó với anh suốt cuộc đời cách mạng, tôi thấy, anh Song Hào là người cộng sản kiên trung, mẫu mực, người con ưu tú của quê hương Nam Định, suốt đời vì dân, vì nước. Anh là người có uy tín và đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực; nhà chỉ huy tài năng của Quân đội Nhân dân Việt Nam; người đóng góp xuất sắc vào xây dựng Đảng, công tác Đảng, công tác chính trị của lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội Nhân dân Việt Nam. Người xây dựng Tổng cục Chính trị thật xứng đáng là cơ quan đảm nhiệm công tác Đảng, công tác chính trị của Quân đội Nhân dân Việt Nam".

Song Hào được thăng quân hàm Trung tướng năm 1959 và được thăng quân hàm Thượng tướng năm 1974. Ông đã được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa IV và khóa VI.

Do có nhiều công lao và thành tích đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác./.
Ảnh: Chân dung Thượng tướng Song Hào.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét